Quảng Ninh đảm bảo giao thông an toàn
Bão số 3 đổ bộ vào Quảng Ninh với cường độ mạnh trong thời gian dài, diện rộng gây áp lực rất lớn cho hạ tầng giao thông bị hư hỏng, gây gián đoạn giao thông cục bộ tại nhiều khu vực. Để đảm bảo giao thông thông suốt, phục vụ cứu hộ, cứu nạn, ngành GTVT đã tập trung ngay giải pháp khắc phục.
Suốt từ khi bão số 3 đổ bộ đến nay, các cán bộ, Sở GT-VT tỉnh Quảng Ninh gần như không có ngày nghỉ. Họ vừa tham gia giúp nhân dân trên địa bàn khắc phục hậu quả bão lũ, vừa chủ động thu dọn, đảm bảo các tuyến giao thông đường bộ thông suốt.
Quảng Ninh sở hữu hạ tầng giao thông đa dạng với trên 6.300km đường bộ, trong đó có tuyến cao tốc nối Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái dài 176km, 7 tuyến quốc lộ, 14 tuyến tỉnh lộ và hàng nghìn tuyến đường liên huyện, thôn, xã…cùng với đó là 22 cảng, bến thuỷ với luồng lạch phức tạp, thường xuyên có trên 10.000 phương tiện hoạt động.
Bão số 3 đổ bộ với cường độ mạnh, duy trì cấp siêu bão trong thời gian dài, diện rộng đã gây áp lực rất lớn cho hạ tầng giao thông của tỉnh Quảng Ninh. Theo thống kê thiệt hại sau bão, trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ có hơn 1.000 cột, biển báo bị gãy đổ, hư hỏng, gần 300 vị trí mái taluy bị sạt lở, gần 20.000 cây xanh gãy đổ chiếm hết lòng đường; 118 tàu, xà lan, 291 phương tiện tàu cá bị chìm đắm; gần 1.200 phương tiện vận tải đường bộ bị hư hại do bão. Bão đi qua, hoàn lưu sau bão gây mưa lớn trên diện rộng đã khiến gần 34 vị trí đường giao thông bị ngập nước mặt đường, phải hạn chế giao thông. Đây là cơn bão lớn nhất 30 năm trên biển, 70 năm trên bộ ở nước ta và là cơn bão gây ảnh hưởng nhiều nhất cho hạ tầng giao thông tại tỉnh.
Ông Hoàng Quang Hải, Giám đốc Sở GT-VT, cho biết: Bối cảnh sau bão đầy thách thức và thiệt hại nặng nề, tuy nhiên với vai trò là ngành tiên phong, “Giao thông đi trước mở đường”, Sở đã kích hoạt phương án, nhiệm vụ ứng phó với bão ở mức cao nhất; tổ chức thông báo, cập nhật rộng rãi thông tin về thiệt hại để triển khai hiệu quả các biện pháp chủ động khắc phục. Mục tiêu đảm bảo sớm nhất, thông suốt hệ thống giao thông phục vụ cho công tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả, tái phục hồi sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Ngay sau bão, Sở đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra, xác định thiệt hại, chủ động khắc phục, đảm bảo giao thông theo phương châm 4 tại chỗ. Tại hạ tầng giao thông đường bộ, tiến hành thu dọn, khắc phục hệ thống biển báo, cột đèn, cây xanh bị đổ gãy, trong đó ưu tiên lắp dựng, thay thế các biển báo quan trọng; chỉ đạo các đơn vị khẩn trương hót dọn sạt trượt mái taluy dương, cảnh báo cấm đường các vị trí bị sạt lở taluy âm.
Trên các tuyến đường thủy, Sở đã chỉ đạo các đơn vị bảo dưỡng đi kiểm tra hệ thống phao tiêu, báo hiệu, thực hiện thay thế, xử lý sớm những hư hại. Đồng thời, phối hợp với Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh, Cảng vụ Đường thuỷ nội địa khu vực I để xác định các vị trí tàu, thuyền bị chìm trên và cạnh luồng để tổ chức cảnh báo, hướng dẫn cho phương tiện hoạt động an toàn; chỉ đạo các chủ cảng rà soát, khắc phục thiệt hại, đưa vào hoạt động ngay khi đáp ứng các điều kiện khai thác. Sở cũng trình UBND tỉnh công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để làm cơ sở khắc phục các thiệt hại liên quan đến khôi phục công trình (sạt lở mặt đường, hệ thống điện); đề xuất các phương án hỗ trợ khắc phục thiệt hại cho các đơn vị trực thuộc, các doanh nghiệp liên quan, nhất là hỗ trợ trục vớt phương tiện bị chìm đắm nhằm sớm giải phóng, đảm bảo an toàn cho các luồng, tuyến giao thông thủy.
Nhờ sự chủ động, kịp thời của ngành GT-VT, 2 ngày sau bão, các tuyến giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh đã cơ bản thông suốt, đảm bảo an toàn, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác cứu hộ, cứu nạn, chỉ đạo khắc phục hậu quả sau bão tại hầu hết các địa bàn trong tỉnh. Nhờ có giao thông thuận lợi, các sự cố về mất điện, nước và mạng viễn thông đã được triển khai khắc phục nhanh hơn do quá trình di chuyển giữa các khu vực được thông suốt. Giao thông khôi phục sớm cũng đã giúp các hoạt động sản xuất, kinh doanh nhanh chóng quay trở lại. Hoạt động du lịch, nhất là khách tham quan Vịnh Hạ Long và các tuyến đảo được mở lại với gần 10.000 lượt khách mỗi ngày; hoạt động biên mậu, kinh tế biển cùng chuỗi cung ứng đã sớm bắt nhịp; sản xuất khai thác, công nghiệp mỏ và các khu công nghiệp hoạt động bình thường sau 5 ngày bão tan… Quảng Ninh đã quay trở lại giai đoạn bình thường mới với ý chí, nghị lực mới.