Những nẻo đường... Vu Lan
Trên những cung đường về Hà Giang, khi mùa Vu Lan về, lòng ta bỗng thổn thức với những suy tư về quê hương. Đâu là nơi ta thực sự thuộc về? Hãy cùng lắng nghe những chiêm nghiệm chân thành về ký ức và tình mẫu tử thiêng liêng.
Những ý nghĩ ấy, vẫn hay ‘lởn vởn’ trong đầu mỗi khi… lái xe về Hà Giang. Biết là, thể nào ‘nó’ cũng sẽ lại làm cho não, rối như là… gặp phương trình ‘vô nghiệm’. Bởi thế đã có lần, cố thử tìm cách, hòng thoát khỏi đeo bám… ám ảnh của ‘nó’. Vậy nhưng, đôi khi cũng không phải cứ muốn… là được. Vả lại, đó không hẳn đã là ý tưởng hay.
Vừa lái xe, và vừa lục tìm ‘lý lẽ’ để giải phương trình ‘vô nghiệm’ như này, rất dễ sa vào sự… ‘luẩn quẩn’. Nhưng, đó là ‘cách’ khả dĩ nhất để chống ngủ gật, tự giải toả ‘stress’ lại vừa có thể chia sẻ được suy nghĩ, khi mùa lễ Vu Lan về.
Đã khi nào, có ‘ai đó’ trong chúng ta tự hỏi: Đâu là quê hương? Và, câu trả lời như nào là đúng? Là chính xác?
Quê hương… phải chăng là ‘địa danh’ có trong hồ sơ, lý lịch? Hay quê hương là nơi ta sinh ra? Là nơi dung dưỡng ta khôn lớn?
Nguyên Phó Giám đốc Nhà xuất bản Lý luận Chính trị Vũ Tiến Hùng - một người luôn đau đáu về miền đất... "quê hương"
Quê hương…
Tuỳ vào nhận thức và hoàn cảnh của mỗi người. Theo đó, họ có những cách tiếp cận, và quan niệm khác nhau. Cũng bởi có sự khác biệt đó, nên rất khó… tìm được ‘mẫu số chung’ thấu tình, chuẩn lý khi nói về ‘Quê hương’. Mọi sự ‘luận giải’ vì thế, dù là tiếp cận từ góc nhìn nào? Nó có nhận được sự đồng thuận? Có khiến cho tất cả mọi người thấy thoả mãn hay không? Chúng ta không bàn luận, không phán xét và không quy chụp đúng, sai.
Quê hương…
Từ sau ngày bố mẹ mất. Về Hà Giang, không hẳn là câu chuyện của… trách nhiệm, cũng không phải là chuyện thừa kế nhà cửa, tiền bạc… hay bất cứ điều gì khác. Mà chỉ đơn giản là rất thích về và cũng rất hay về.
Có lẽ bởi ‘nơi ấy’ vẫn cất, giữ rất rất nhiều những ký ức, những kỷ niệm thời thơ ấu bên gia đình và người thân. Không những vậy, cứ khi gặp cảnh vật xưa cũ, nơi địa danh ấy cảm xúc lại có điều gì đó rất khó tự lý giải. Dẫu biết là, Mẹ đang ở miền mây trắng… rất xa; mà sao cứ thấy thấp thoáng bóng dáng của mẹ đâu đó quanh đây. Cảm giác như có ai đó níu, giữ… dùng dằng không muốn rời đi.
Không biết sao, dù thời gian đã trôi qua đủ lâu, và cũng sống ở cái tuổi 70 cũng đã trải qua rất, rất nhiều sự kiện, biến cố. Nhưng khoảnh khắc vẫn khiến tâm trạng thấy bị ‘ám ảnh’ bởi, hình ảnh… mẹ thẫn thờ đứng đợi. Hay hoặc ánh mắt, nụ cười của mẹ phảng phất… buồn khi chào mẹ ra về.
Hình ảnh và khoảnh khắc ấy, cứ chập chờn, len lỏi trong tâm thức và cứ khi nhớ đến, nó vẫn khơi gợi cảm giác bồi hồi, nuối tiếc… khiến đầu óc bấn loạn, nôn nao (cứ chỉ sợ mẹ vẫn đang… ngóng, đợi nên lại bồn chồn) muốn về.
Quê hương…
Có thể, với phần lớn chúng ta, quê hương trên giấy tờ, hồ sơ và quê hương trong ký ức, hoài niệm… là những địa danh khác nhau.
Vậy, đâu mới là ‘quê hương’?
Tuỳ vào ‘nhận thức’ của mỗi người mà… sẽ tự tìm thấy (hoặc có thể ‘ai đó’ cho là… không cần thiết phải có) câu trả lời cho riêng mình.
Nhưng dù chúng ta là ai? Dẫu cuộc sống đã an bài, hay là còn… ‘dâu, bể’ thì vẫn không dễ, để có thể quên được nơi ‘cắt rốn, chôn nhau’, nơi mà mỗi lần về, lại nhớ mẹ đến… thắt lòng. Nơi, mẹ dạy chúng ta biết sống bao dung, và yêu thương để ‘tri ân’ các anh linh, ‘báo đáp’ đấng sinh thành không chỉ trong những dịp lễ ‘Vu Lan, báo hiếu’, mà mỗi ngày chúng ta sống trên cõi đời này.
Quê hương… phải chăng là nơi mẹ sinh ra ta, nuôi dạy ta khôn lớn hay đó là nơi ta thuộc về?