Chuyên mục


Nhật Bản ký kết mức vốn ODA kỷ lục cho Việt Nam

17/10/2024 18:40 (GMT +7)

Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa ký kết các khoản vốn vay với tổng giá trị lên tới hơn 102 tỷ yên (tương đương 678 triệu USD, chưa bao gồm “Tài trợ đầu tư cho khu vực tư nhân”) - mức cao nhất trong 6 năm qua, với Việt Nam.

Lễ khánh Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng sử dụng nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản thông qua JICA và nguồn vốn đối ứng từ ngân sách TPHCM ngày 30/8/2024

Lễ khánh Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng sử dụng nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản thông qua JICA và nguồn vốn đối ứng từ ngân sách TPHCM ngày 30/8/2024

Tại họp báo giữa kỳ tài khoá 2024 của JICA, ngày 17/10, Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam Sugano Yuichi nhấn mạnh, năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam, hai nước đã thống nhất nâng cấp lên quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á và thế giới. Trên cơ sở mối quan hệ hữu nghị cấp ngoại giao, JICA đã nỗ lực triển khai các dự án hỗ trợ công cuộc phát triển kinh tế của Việt Nam.

Theo đó, trong năm tài khoá của Nhật Bản, từ tháng 4/2023 đến tháng 3/2024, JICA đã ký kết các khoản vốn vay tổng giá trị lên tới hơn 102 tỷ yên (tương đương 678 triệu USD, chưa bao gồm “Tài trợ đầu tư cho khu vực tư nhân”) - đây là mức cao nhất trong 6 năm qua kể từ năm 2017. Hợp tác kỹ thuật đạt 5,2 tỷ yên (tương đương 35 triệu USD), quy mô lớn nhất thế giới trong cùng năm tài khoá; viện trợ không hoàn lại đạt 1,1 tỷ yên (tương đương 7,5 triệu USD) vốn cam kết.

"Những chương trình và dự án của JICA đã kịp thời hỗ trợ Việt Nam phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 và đóng góp cả về hạ tầng kinh tế và phát triển nguồn nhân lực, tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế trong trung và dài hạn", ông Sugano Yuichi đánh giá.

Theo Trưởng đại diện JICA, người dân và doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục thể hiện sự quan tâm lớn đến Việt Nam, một quốc gia liên tục duy trì tăng trưởng ổn định và bền vững.

Cụ thể, Việt Nam là nước đứng đầu trong số các nước mà JICA đang triển khai hợp tác với việc cử 45 tình nguyện viên hợp tác hải ngoại Nhật Bản, 36 dự án đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản trong lĩnh vực phát triển bền vững (SDG) và 24 dự án hợp tác kỹ thuật cấp cơ sở (Chương trình đối tác phát triển).

Ngoài ra, Việt Nam là nước đứng thứ hai thế giới với 9 dự án thuộc chương trình "Tài trợ đầu tư cho khu vực tư nhân" của JICA.

Theo người đứng đầu JICA tại Việt Nam, tổ chức này tập trung vào 3 trụ cột trọng điểm hỗ trợ Việt Nam, gồm tăng trưởng chất lượng cao, hỗ trợ đối tượng dễ bị tổn thương và phát triển nguồn nhân lực.

Trong trụ cột về tăng trưởng chất lượng cao, Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng ở TPHCM là dự án sử dụng nguồn vốn vay đã tổ chức lễ khánh thành vào tháng 8 vừa qua. Đây là nhà máy xử lý nước thải có công suất lớn nhất Việt Nam và được kỳ vọng sẽ cải thiện tình trạng ô nhiễm nguồn nước - một vấn đề liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân.

Ngoài ra, JICA cũng đang triển khai xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá có quy mô lớn nhất tại Hà Nội, dự kiến sẽ hoàn thành trong thời gian tới. Bên cạnh đó, dự án tuyến Metro số 1 tại TPHCM được nhiều người quan tâm cũng đã bắt đầu chạy thử và TPHCM đang gấp rút chuẩn bị để sớm đưa tuyến đường sắt đô thị này vào khai thác.

JICA hy vọng rằng tuyến Metro số 1 sẽ trở thành phương tiện đi lại quan trọng của người dân, góp phần giảm phát thải carbon thông qua việc giảm ùn tắc giao thông.

Tiếp theo, trong trụ cột về hỗ trợ đối tượng dễ bị tổn thương, JICA đã phối hợp với chuyên gia cao cấp-cố vấn về quản lý rủi ro thiên tai được cử sang Bộ NN&PTNT để hỗ trợ ứng phó với cơn bão số 3 (bão Yagi) đổ bộ vào khu vực phía Bắc, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. 8 ngày sau khi bão đổ bộ, theo đề nghị của Chính phủ Việt Nam, JICA đã cung cấp hàng hóa viện trợ khẩn cấp, bao gồm máy lọc nước và tấm trải nhựa cho 2.000 hộ ở tỉnh Yên Bái - một trong những tỉnh bị thiệt hại nặng nề.

Trong khuôn khổ dự án hợp tác kỹ thuật nâng cao năng lực giảm thiểu rủi ro lũ quét, sạt lở đất ở khu vực phía Bắc, đập Sabo giúp giảm thiểu rủi ro sạt lở đất đang được xây dựng từ tháng 9 tại tỉnh Sơn La.

Bên cạnh đó, JICA đang xây dựng kế hoạch nhằm giảm thiểu rủi ro lũ quét, sạt lở đất tại Sơn La và cân nhắc việc xây dựng kế hoạch tương tự ở các địa phương khu vực phía Bắc chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão vừa qua, hướng tới mục tiêu "Xây dựng lại tốt hơn" để tăng trưởng kinh tế.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, lễ khánh thành dự án Khôi phục, nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An - dự án sử dụng vốn vay, đã được tổ chức vào tháng 3. Việc tăng diện tích tưới tiêu sẽ giúp cải thiện sinh kế của người dân nông thôn.

Trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khoẻ, JICA đang chuẩn bị triển khai dự án hợp tác kỹ thuật mới nhằm tăng cường phòng chống viêm gan virus - một căn bệnh truyền nhiễm thường gặp ở Việt Nam. Ngoài ra, trong khuôn khổ dự án viện trợ không hoàn lại, vào tháng 5, JICA đã ký thỏa thuận viện trợ và hiện đang triển khai thực hiện dự án "Nâng cấp trang thiết bị y tế tại Bệnh viện K" nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về chẩn đoán và điều trị ung thư.

Trụ cột cuối cùng là "Phát triển nguồn nhân lực". Năm 2024 đánh dấu 10 năm thành lập Trường Đại học Việt Nhật. Tháng 7/2024, khoá sinh viên hệ đại học đầu tiên đã ra trường. Hiện nay trường có 1.110 sinh viên đang theo học, trong đó bao gồm cả hệ cao học. Ngày 12/10 vừa qua, tại Hà Nội, trường đã tổ chức sự kiện, các hoạt động giao lưu và hội thảo chuyên đề kỷ niệm 10 năm thành lập.

Trong chương trình JICA Chair nhằm thúc đẩy nghiên cứu Nhật Bản, JICA đang phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (VASS) biên soạn sách chuyên khảo cho sinh viên nhằm cung cấp một cách tổng quan về lịch sử quan hệ Nhật Bản-Việt Nam, dự kiến sách sẽ được xuất bản trong thời gian tới.

Trưởng đại diện Sugano Yuichi nhấn mạnh, JICA cam kết tiếp tục thúc đẩy các dự án nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ Nhật Bản-Việt Nam trong 50 năm tiếp theo.

Theo Báo điện tử Chính phủ
Đường cất, hạ cánh sân bay Long Thành sẽ vượt tiến độ
Theo báo cáo của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), hạng mục đường cất, hạ cánh của sân bay Long Thành dự kiến hoàn thành và khai thác kỹ thuật trước ngày 30/4/2025, vượt tiến độ 3 tháng so với hợp đồng.

Tu sửa 'cây cầu đau khổ' ở Bắc Ninh trong 60 ngày
Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự kiến khởi công sửa chữa cầu Hồ tại thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh vào cuối tháng 11, thời gian sửa chữa trong vòng 60 ngày.

SeABank 3 lần liên tiếp được vinh danh Thương hiệu Quốc gia
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) 3 lần liên tiếp được Bộ Công Thương bình chọn là Thương hiệu Quốc gia Việt Nam, đồng thời 16 năm liền được vinh danh là Thương hiệu mạnh Việt Nam. Cùng với đó, SeABank cũng vừa được bình chọn là “Tổ chức tài chính cung cấp vốn tối ưu nhất cho ngành xây dựng 2024.

Phát triển kết cấu hạ tầng vùng Tây Nguyên hiện đại
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1337/QĐ-TTg ngày 6/11/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Dự kiến danh mục ngành sử dụng vốn công
Theo dự kiến vốn đầu tư công sẽ được sử dụng cho 13 ngành, lĩnh vực. Trong đó, ở lĩnh vực giao thông có kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, cảng hàng không, sân bay

SeABank tăng vốn điều lệ lên 28.350 tỷ đồng
Được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) chính thức hoàn tất tăng vốn điều lệ lên 28.350 tỷ đồng sau 2 đợt phát hành cổ phiếu để trả cổ tức và phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng trên nhiều lĩnh vực
Tổng cục Thống kê vừa công bố Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2024. Theo đó, nhiều lĩnh vực đạt kết quả đáng ghi nhận, như: Thu hút đầu tư nước ngoài; xuất nhập khẩu; sản xuất công nghiệp; số doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh.