Nhập khẩu phân bón giảm trong tháng 5
Nhập khẩu phân bón giảm cả về lượng và kim ngạch trong tháng 5. Trung Quốc vẫn đứng đầu về thị trường cung cấp phân bón cho Việt Nam, chiếm 45,3% trong tổng lượng và chiếm 38,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước.
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 5, Việt Nam nhập khẩu 307.712 tấn phân bón, tương đương 150,8 triệu USD, giảm 5,2% về lượng và giảm 3% về kim ngạch so với tháng 4. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng giảm 43,4%, kim ngạch giảm 5,8%.
Nhập khẩu phân bón từ Trung Quốc vẫn tăng 16% về lượng, tăng 23,7% kim ngạch, so với tháng trước đó, ở mức 182.203 tấn, tương đương 78,7 triệu USD. So với tháng 5/2021, lượng nhập từ Trung Quốc giảm 11% nhưng tăng 34% kim ngạch. Ngược lại, nhập khẩu từ thị trường Nga giảm 78% về lượng và kim ngạch so với tháng 4, ở mức 4.448 tấn, tương đương 3 triệu USD. So với tháng 5 năm trước, lượng giảm 92%, kim ngạch giảm 83%.
Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – CTCP (Đạm Phú Mỹ, mã chứng khoán DPM) công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022 với doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ. DPM ghi nhận sản lượng bán hàng phân bón, hóa chất đều tăng mạnh trong quý I/2022. Đạm Phú Mỹ đã lãi thuần từ hoạt động kinh doanh hơn 2.520 tỷ đồng – gấp 12 lần cùng kỳ.
Nhập khẩu phân bón giảm cả về lượng và kim ngạch trong tháng 5. Lũy kế 5 tháng đầu năm, lượng phân bón nhập khẩu của cả nước là 1,6 triệu tấn, giá trị hơn 737 triệu USD, giảm 17,4% về khối lượng, nhưng tăng 42% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc vẫn đứng đầu về thị trường cung cấp phân bón cho Việt Nam, chiếm 45,3% trong tổng lượng và chiếm 38,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước. Nga là thị trường lớn thứ hai cung cấp phân bón cho Việt Nam, chiếm 9% trong tổng lượng và chiếm 11,8% trong tổng kim ngạch. Trong khi đó nhập khẩu phân bón từ thị trường Đông Nam Á là 133.589 tấn, tương đương 82,4 triệu USD, giảm 34,7% về lượng nhưng tăng 38,4% kim ngạch so với 5 tháng năm 2021.
Phân bón nhập khẩu từ các nước thuộc nhóm Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (FTA RCEP) là 1 triệu tấn, tương đương gần 452 triệu USD, giảm 10% về lượng nhưng tăng 40% kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Với thị trường trong khối Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (FTA CPTTP), Việt Nam mua 235.512 tấn, tương đương 77,3 triệu USD, giảm 9% về lượng nhưng tăng 45,7% kim ngạch so với cùng kỳ năm 2021.