Chuyên mục


Nguyên nhân kích hoạt sạt lở ở Tây Nguyên

07/08/2023 13:48 (GMT +7)

Các nhà địa chất, địa kỹ thuật thường nói "nước là kẻ thù của sườn dốc". Nước làm cho đất đá tạo nên sườn dốc bị bão hòa, giảm sức bền, tăng trọng lượng của khối trượt tiềm năng, từ đó dễ gây trượt.

Hiện trường vụ sạt lở tại đèo Bảo Lộc

Hiện trường vụ sạt lở tại đèo Bảo Lộc

Trong những ngày qua, hàng loạt vụ sạt lở đã xảy ra tại các địa phương. Vụ sạt lở trên đèo Bảo Lộc Vụ (huyện Đạ Huoai) và sụt lún, sạt trượt đất tại khu vực công trình xây dựng dự án hồ chứa nước Đông Thanh (huyện Lâm Hà) đều ở tỉnh Lâm Đồng. Vụ nứt gãy địa chất tại khu vực bon Bu Krắc, xã Quảng Trực (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông). Tại Đắk Nông, sự cố sạt lở cũng đã từng xảy ra trên địa bàn, tại đường vào thác Liêng Nung vào năm 2021.

Hoạt động nhân sinh tác động dễ gây sạt lở, sụt lún

Trao đổi về nguyên nhân cốt lõi dẫn đến những vụ sạt lở nghiêm trọng trên, PGS.TS Trần Tân Văn, chuyên gia địa chất, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản (Bộ TN&MT) cho biết, những đợt mưa lớn, kéo dài ngày khiến đất đá bị bão hòa chính là yếu tố "kích hoạt" trực tiếp gây sạt trượt, nứt đất trong thời gian qua tại các tỉnh Tây Nguyên.

Ông Trần Tân Văn phân tích thêm, độ ổn định sườn dốc thường do 3 nhóm yếu tố quyết định. Thứ nhất là hình thái sườn dốc, thí dụ độ dốc, chiều cao, các chiều dài, rộng… 

Thứ hai là tính chất cơ lý của đất đá tạo nên sườn dốc. Ví dụ ở các tỉnh Tây Nguyên phân bố nhiều đá núi lửa bazan, phong hóa ra thành đất đỏ có chiều dầy lớn, tơi xốp, dễ bị rửa trôi, bóc mòn, dễ bị phá huỷ kết cấu khi bão hòa nước, có thể xếp vào loại đất "có vấn đề". Đặc biệt là các sườn dốc "nhân tạo", thí dụ những nơi phải đổ đất, đắp lên, đầm chặt để tạo thành nền đường, thì lại càng dễ bị trượt sạt.

Yếu tố thứ ba tác động đến độ ổn định sườn sốc là nước, cả nước mặt lẫn nước ngầm. Các nhà địa chất, địa kỹ thuật thường nói "nước là kẻ thù của sườn dốc". Nước làm cho đất đá tạo nên sườn dốc bị bão hòa, giảm sức bền, tăng trọng lượng của khối trượt tiềm năng, từ đó dễ gây trượt.

PGS.TS Trần Tân Văn đề cập thêm đến tình trạng nứt đất, mà trong địa chất học gọi là đứt gãy. Các nhà khoa học thường phân biệt 2 loại, một là đứt gãy nguồn gốc nội sinh, hình thành do những vận động địa chất sâu xa trong lòng Trái đất; hai là đứt gãy nguồn gốc ngoại sinh, hình thành, ví dụ do mưa lớn dài ngày gây trượt lở trong thời gian qua ở các tỉnh Tây Nguyên.

"Ở đây chúng ta chủ yếu sẽ trao đổi về loại thứ hai. Các vết nứt xuất hiện chính là một trong những dấu hiệu đầu tiên của một vụ sạt lở. Ngoài ra còn có thể kể đến các dòng nước lẫn bùn rỉ ra dưới chân sườn dốc, cây cối trồng trên sườn dốc bị nghiêng đổ mà trong khoa học gọi là ‘rừng say’... 

Theo thời gian nếu vết nứt càng ngày càng lớn, càng dài, càng sâu thì khả năng trượt lở sẽ càng cao. Vết nứt xuất hiện sẽ gây ra tiếng động, vết nứt càng lớn thì tiếng động càng lớn, chính là tiếng nổ mà nhiều người nghe được", ông Trần Tân Văn cho biết.

Tại những nơi có địa hình dốc và các hoạt động nhân sinh, như san gạt lấy mặt bằng xây nhà cửa, công trình, làm đường sá… làm mất chân sườn dốc sẽ có nguy cơ trượt lở cao khi mưa lớn kéo dài ngày khiến đất đá bị bão hòa.

Vết nứt thường xuất hiện ở phía trên đỉnh của khối trượt tiềm năng. Thường sẽ thấy một vài vết nứt song song với nhau, tạo bậc. Hướng trượt tiềm năng sẽ vuông góc với các vết nứt đó. 

Nếu vết nứt từ lúc ban đầu chỉ dài một hai trăm mét trở thành cả cây số chỉ trong vài ngày, thì điều đó có nghĩa là khối trượt tiềm năng đang hình thành và nguy cơ trượt sạt sẽ càng cao.

Đáng chú ý, theo ông Trần Tân Văn, các sườn núi, sườn đồi tự nhiên thường ít xảy ra sạt trượt, vì tất cả các quá trình phong hóa, xói mòn, rửa trôi trải qua mưa, nắng, gió hằng ngày, hằng mùa đã xảy ra ít một, từ từ nên sườn dốc trở nên thoải, đạt đến một góc độ tối ưu, cân bằng, ổn định, ít khi trượt, sạt. 

"Nếu có hoạt động nhân sinh tác động vào, ví dụ làm đường, mở rộng đường, san gạt, tạo mặt bằng để làm nhà, xây đô thị, chặt cây đốt rừng để trồng cây ăn quả, làm mất đi lớp phủ thực vật bảo vệ tự nhiên, làm ứ đọng nước trên sườn dốc thì khi đó sườn dốc không còn tự nhiên nữa, rất dễ mất ổn định, nhất là khi mưa lớn kéo dài dễ xảy ra sạt, trượt. 

Các sườn dốc ‘nhân tạo’, ví dụ các đoạn đường đất đắp, đất không có kết cấu tự nhiên, lại càng dễ xảy ra sạt trượt, nứt, sụt...", nguyên Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản cảnh báo.

Cần có đề án điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá

Trao đổi về các giải pháp phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, PGS.TS Trần Tân Văn cho biết, từ năm 2012-2020, Bộ TN&MT đã giao Viện Khoa học địa chất và khoáng sản chủ trì thực hiện đề án "Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam". 

Đề án đã tiến hành điều tra, đánh giá nhằm xây dựng hệ thống các bản đồ hiện trạng, phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở cho nhiều tỉnh miền núi, trong đó có Lâm Đồng, Đắk Nông. Tuy nhiên, hiện tại đề án này đã dừng, có lẽ là để điều chỉnh lại việc tổ chức thực hiện.

"Về lâu dài, rất nên tiếp tục triển khai đề án này, kết quả của đề án cung cấp cho các địa phương những thông tin hết sức hữu ích về hiện trạng trượt lở, nguy cơ trượt lở cao có thể xảy ra ở đâu... làm cơ sở cho việc xây dựng hoặc điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại, lên phương án di dời người dân đến chỗ an toàn", PGS.TS Trần Tân Văn nhận định.

Một giải pháp khác được nguyên Viện trưởng Viện Khoa học địa chất và khoáng sản đề cập đến là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cộng đồng để người dân hiểu rõ mức độ nguy hiểm của việc san gạt, làm mất chân sườn dốc lấy mặt bằng xây dựng. 

Các dự án làm đường thường để xảy ra tình trạng này, vì thế ngay từ đầu cần khảo sát, thiết kế, thi công các sườn dốc "nhân tạo" cẩn thận, có tính toán kỹ các hệ số an toàn và có giải pháp gia cường, phòng tránh, giảm nhẹ nguy cơ trượt lở.

"Nứt đất khi mưa to, kéo dài là một trong những dấu hiệu trực tiếp của sạt trượt. Thế nên động thái đầu tiên địa phương cần thực hiện là di dời người dân ra khỏi khu vực sạt trượt tiềm năng. Tiếp đó cần cử cán bộ kỹ thuật đến quan trắc, giám sát, theo dõi diễn biến của các vết nứt. 

Nếu vết nứt tiếp tục phát triển thì khả năng cao là trượt lở sẽ xảy ra, cần căn cứ kích cỡ các vết nứt để dự báo quy mô khối trượt, từ đó thực hiện di dời cho phù hợp. Sau đó cần cân nhắc một số phương án khắc phục, xử lý trượt lở", PGS.TS Trần Tân Văn khuyến cáo.

Các nhà khoa học cũng đúc kết nhiều trường hợp xử lý trượt lở và thấy rằng thông thường các giải pháp công trình là rất tốn kém, nếu có thể thì tốt nhất là tránh, ví dụ làm đường tránh khỏi khối trượt. Nếu bắt buộc vẫn phải xử lý bằng giải pháp công trình thì cần khảo sát, thiết kế và thi công kỹ lưỡng, trong đó thoát nước sườn dốc một cách hiệu quả là vô cùng quan trọng.

Thành lập đoàn điều tra tình trạng sạt lở tại Hà Giang và Tây Nguyên

Sáng 4/8, Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, GS.TS Trần Hồng Thái đã chủ trì cuộc họp trực tiếp và trực tuyến với các điểm cầu, các chuyên gia về tình hình triển khai phòng chống thiên tai tại các địa phương.

Cuộc họp được kết nối trực tuyến đến đơn vị khí tượng thủy văn của các tỉnh nằm trong các khu vực có nguy cơ sạt lở.

Tổng Cục trưởng Trần Hồng Thái yêu cầu các đơn vị theo chức năng nhiệm vụ tiếp tục tăng cường giám sát và cảnh báo kịp thời các thiên tai, đặc biệt là vấn đề sạt lở đất ở các khu vực Tây Nguyên, vùng núi phía Bắc khi mà đất đã ngấm nhiều nước, đạt trạng thái bão hòa do có nhiều ngày mưa trong thời gian vừa qua.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới cần phối hợp với các đơn vị liên quan ngoài Bộ TN&MT và các địa phương để điều tra, khảo sát, khoanh vùng nguy hiểm có nguy cơ cao xảy ra sạt lở để các địa phương có căn cứ chỉ đạo, quy hoạch dân cư phù hợp, đảm bảo an toàn.

Ông Trần Hồng Thái cũng giao các đơn vị trực thuộc Tổng cục Khí tượng thủy văn thành lập ngay các đoàn công tác đi khảo sát, điều tra, nghiên cứu, đánh giá tình trạng sạt lở tại Hà Giang và Tây Nguyên trong thời gian sớm nhất.

Theo Báo Điện tử Chính phủ
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý để đồng chí Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ
Ngày 26/4/2024, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã họp xem xét, cho ý kiến về công tác cán bộ.

“Sống đến bình minh” - Những lát cắt ký ức của nhà văn, nhà báo Trần Mai Hạnh
Sáng 25/4, tại Hà Nội đã diễn ra lễ ra mắt Tự truyện "Sống đến bình minh" của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh. Sự kiện do Đài tiếng nói Việt Nam (VOV), NXB Chính trị Quốc gia Sự thật và gia đình phối hợp tổ chức.

Điều chỉnh Báo cáo khả thi Dự án thu hồi đất, tái định cư sân bay Long Thành
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai và Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ trước ngày 30/4/2024 về điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành để kịp giải ngân vốn trong năm 2024.

Ngăn chặn 'xe dù, bến cóc' dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5
Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các sở địa phương chỉ đạo lực lượng thanh tra tăng cường kiểm tra, giám sát trên các tuyến đường xảy ra hiện tượng nhiều "xe dù, bến cóc", xe quá tải hoạt động.

Đề xuất nhiệm vụ phát triển bền vững kinh tế biển
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa chủ trì Kỳ họp lần thứ nhất trực tuyến kết nối đến 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển.

Thủ tướng yêu cầu huy động nguồn lực khắc phục sạt lở hầm Bãi Gió
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương huy động tối đa các nguồn lực, khắc phục kịp thời sự cố sạt lở hầm Bãi Gió.

Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội: Cần cơ chế, chính sách đột phá
Đây là ý kiến được đại biểu đưa ra tại Hội thảo "Đường sắt đô thị trong hệ thống giao thông thông minh nhằm giảm ùn tắc giao thông, tiến tới giảm phương tiện giao thông cá nhân", ngày 11/4.