Ngành vận tải kỳ vọng chính sách xăng dầu mới
Trước biến động thị trường xăng dầu toàn cầu và thách thức nội tại, dự thảo Nghị định mới thay thế Nghị định 83/2014/NĐ-CP đang được soạn thảo. Văn bản này hướng tới khung pháp lý đồng bộ, minh bạch và hiệu quả hơn, với nhiều điểm mới dự kiến ảnh hưởng trực tiếp đến ngành vận tải và logistics.
Kể từ khi Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu được ban hành, thị trường xăng dầu Việt Nam đã trải qua nhiều thay đổi đáng kể. Trong một thập kỷ qua, Chính phủ đã liên tục điều chỉnh, bổ sung chính sách thông qua các Nghị định 95/2021/NĐ-CP và 80/2023/NĐ-CP nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thị trường. Tuy nhiên, trước những biến động phức tạp của thị trường xăng dầu toàn cầu và những thách thức mới nảy sinh trong nước, việc xây dựng một Nghị định mới toàn diện hơn đang trở nên cấp thiết.
Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương đang chủ trì soạn thảo dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu. Nghị định này dự kiến sẽ thay thế hoàn toàn Nghị định 83 và các văn bản sửa đổi, bổ sung, hướng tới mục tiêu tạo ra một khung pháp lý đồng bộ, minh bạch và hiệu quả hơn cho thị trường xăng dầu. Đặc biệt, dự thảo đang thu hút sự quan tâm lớn từ các doanh nghiệp trong ngành vận tải và logistics - những đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến động giá xăng dầu.
Nhằm thu thập ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định mới, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức tọa đàm "Để thị trường xăng dầu phát triển ổn định, minh bạch và hiệu quả" vào ngày 30/7/2024. Tại đây, các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề liên quan trực tiếp tới ngành vận tải.
Tổng Giám đốc hãng hàng không Bamboo Airways, ông Lương Hoài Nam chỉ ra một nghịch lý trong quản lý giá xăng dầu hiện nay: "Xăng dầu phi hàng không có hàng chục doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối, có hệ thống bán lẻ rất đồ sộ và phức tạp, tính hành chính nhiều, tính thị trường ít. Trong khi xăng dầu hàng không chỉ có 2 nhà cung cấp thì Nhà nước thả nổi hoàn toàn, không quản lý giá."
Hệ quả của sự thiếu nhất quán này là chi phí xăng dầu đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu chi phí của các hãng hàng không, đặc biệt trên các đường bay nội địa. Ông Nam nhấn mạnh, trên đường bay nội địa, chi phí xăng dầu cao hơn chi phí còn lại. Đây là khó khăn đối với các doanh nghiệp hàng không.
Từ thực tế trên, ông Nam kiến nghị, trong Nghị định mới thay thế cho Nghị định 83 hiện nay về quản lý giá xăng dầu, những nội hàm về quản lý giá xăng dầu hàng không cần được đưa vào để bảo đảm sự nhất quán đối với các loại xăng dầu, trong đó có xăng dầu hàng không.
Không chỉ riêng ngành hàng không, biến động giá xăng dầu cũng ảnh hưởng mạnh mẽ tới vận tải đường bộ và đường thủy. Sự thay đổi của giá xăng dầu tác động trực tiếp tới chi phí vận chuyển, từ đó ảnh hưởng tới giá cả hàng hóa và dịch vụ trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Các chuyên gia tại tọa đàm nhấn mạnh việc sử dụng công cụ phái sinh trong quản lý rủi ro giá xăng dầu. Tổng Giám đốc hãng hàng không Bamboo Airways nhận định, cần phải có cách hiểu đúng về phái sinh, từ đó hạch toán cho đúng, đồng thời đối xử với các doanh nghiệp áp dụng công cụ này cho đúng thì mới khả thi. Ông Nam cũng đề xuất, trong Nghị định mới này, cần đưa đủ nội hàm, quy định và cách hiểu về các sản phẩm phái sinh về xăng dầu để quản lý cho phù hợp với sản phẩm phái sinh xăng dầu.
Đối với ngành vận tải và logistics, việc có thể sử dụng hiệu quả các công cụ phái sinh có thể giúp doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro từ biến động giá xăng dầu, từ đó ổn định được chi phí vận hành và giá cước vận chuyển.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo cũng đề xuất trong Nghị định mới cần "trả lại' những nguyên lý, nguyên tắc trong cơ chế thị trường có sự quản lý Nhà nước. Ông kiến nghị không nên đưa vào xây dựng lợi nhuận định mức, thay vào đó nên để doanh nghiệp tự quyết định dựa trên các nguyên tắc thị trường.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường nhấn mạnh tầm quan trọng của việc dự trữ xăng dầu. Theo ông Cường, nếu như không có được nguồn dự trữ đủ sức mạnh thì luôn ở trong trạng thái bị động và rất khó bình ổn được. Ông Cường đề xuất, phải có các cơ chế như các công ty kinh doanh chuyên về các kho để dự trữ, kể cả các kho vận quốc tế, đấy là các yếu tố vô cùng quan trọng để đảm bảo được an ninh năng lượng.
Đối với ngành vận tải, việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu ổn định là yếu tố then chốt để duy trì hoạt động kinh doanh ổn định và lâu dài. Việc hoàn thiện chính sách quản lý xăng dầu có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của ngành vận tải và logistics. Những đề xuất nếu được triển khai hiệu quả, có thể giúp tạo ra một môi trường kinh doanh ổn định và minh bạch hơn cho các doanh nghiệp trong ngành.
Tuy nhiên, việc áp dụng các công cụ thị trường mới như phái sinh cũng đặt ra những thách thức về mặt quản lý và vận hành, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ phía cơ quan quản lý cũng như doanh nghiệp. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của chính sách mới.