Ngành giao thông vận tải: Khởi đầu một hành trình bền vững
Hai năm dịch bệnh khiến cho nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành giao thông vận tải khốn khó, nhưng đó cũng là quãng thời gian “lửa thử vàng” để các đơn vị mở hướng hành trình phát triển bền vững.
Hàng loạt dự án triển khai trong năm 2022
Thống kê cho thấy, kỳ vọng kinh tế trong quý I/2022, có tới 45,6% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý IV/2021; 36,1% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 18,3% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn. Trong đó, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lạc quan nhất với 83,1% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý I/2022 tốt hơn và giữ ổn định so với quý IV/2021; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp ngoài Nhà nước lần lượt là 82% và 81,2%.
Năm 2022, riêng ngành vận tải kỳ vọng tăng trưởng hơn 20% lợi nhuận và cũng là một trong những nhóm ngành được nhà đầu tư quan tâm trên thị trường chứng khoán. Năm qua, các doanh nghiệp ngành giao thông vận tải cũng được hưởng lợi khi VnIndex vượt đỉnh 1.500 điểm. Giá cổ phiếu của ngành này, đặc biệt là cổ phiếu nhóm cảng biển, xếp dỡ, kho bãi cũng tăng ấn tượng nhờ kết quả kinh doanh khả quan. Nhóm phân tích Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) cho rằng, VN-Index năm 2022 đạt ngưỡng khoảng 1.700 điểm trong kịch bản cơ sở là mức kỳ vọng. Trên cơ sở EPS (tỷ suất thu nhập trên mỗi cổ phần) tăng trưởng kép giai đoạn 2020 - 2022 đạt khoảng 29%/năm và mức P/E hợp lý khoảng 16 lần.
Năm 2022, tăng trưởng của các ngành dịch vụ tài chính, nguyên vật liệu, bất động sản, dầu khí, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải, tiện ích, phần mềm và dịch vụ, bán lẻ được kỳ vọng tăng trưởng trên 20% so với cùng kỳ trong năm 2021.
Doanh nghiệp xuất khẩu sẽ gặt hái được nhiều lợi ích kinh tế nhờ Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thúc đẩy bởi các thỏa thuận thương mại song phương và đa phương. Chỉ số PMI các đối tác thương mại lớn của Việt Nam duy trì mức phục hồi trên 50 điểm. Theo đó, các ngành như cảng biển, logistics cũng sẽ được hưởng lợi.
Ngoài ra, đầu tư công sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong năm 2022, tạo thuận lợi cho các nhà thầu xây dựng, gia tăng nhu cầu về vật liệu xây dựng như sắt thép, đá, xi măng.
Với ngành giao thông vận tải, điểm sáng nữa trong năm 2022 có thể kỳ vọng là về giải ngân và các dự án trọng điểm. Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm, năm 2022, Bộ Giao thông vận tải được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn lớn nhất từ trước đến nay, lên đến hơn 50.000 tỷ đồng với nhiều dự án lớn được triển khai, đặc biệt là dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ được trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư trong thời gian tới.
Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 của ngành Giao thông vận tải vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, thành phố chuẩn bị đầu tư và khởi công thêm 3 tuyến đường sắt đô thị trong giai đoạn 2021 - 2025. Bao gồm: Tuyến số 5 đoạn Văn Cao - Hòa Lạc và tuyến số 3 đoạn Ga Hà Nội - Hoàng Mai do thành phố đầu tư; Tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi do Bộ Giao thông vận tải đầu tư.
Còn tại TP.HCM, trong Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai chương trình công tác năm 2022 do Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP) tổ chức, ông Lương Minh Phúc cho biết, dự kiến kế hoạch vốn cần sử dụng hơn 5.000 tỷ đồng, giải ngân đạt tỷ lệ trên 95% kế hoạch vốn được giao năm 2022.
Trong các dự án, nhóm dự án tháo gỡ ách tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất có vốn đầu tư lớn nhất. Đó là dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hoà (Q.Tân Bình), đầu tư 4.800 tỷ đồng, dự kiến khởi công quý II/2022.
Dự án nút giao An Phú (TP .Thủ Đức) có tổng vốn 3.926 tỷ đồng. Công trình quy mô 3 tầng gồm: hầm chui 2 chiều nối cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây qua tuyến Mai Chí Thọ (phía hầm đường bộ sông Sài Gòn), kéo dài qua nút giao Mai Chí Thọ - Đồng Văn Cống. Dự án mở rộng quốc lộ 50 đoạn đi qua huyện Bình Chánh, có tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồn.
Ngoài ra, trong nhóm dự án khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất sẽ khởi công hai dự án khác, gồm dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám và dự án cải tạo đường Cộng Hòa.
Năm dự án giao thông khác sẽ được TCIP khởi công trong năm 2022, gồm: Dự án mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý (Q.Bình Tân); Dự án mở rộng, nâng cấp đường Trần Văn Mười; Dự án đường Thị Trấn - Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn); Dự án xây cầu Rạch Kinh (huyện Củ Chi); Dự án kè chống sạt lở bờ sông khu vực cầu Giồng Ông Tố (Thủ Đức).
Theo ông Lương Minh Phúc, trong năm 2022, TCIP sẽ trình Thành phố phê duyệt 38 dự án, khởi công 16 gói thầu, hoàn thành 26 dự án/gói thầu; lập đầu tư công và kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP đối với 42 dự án.
Xuất khẩu hướng ra biển là điểm sáng nhất trong đại dịch
Việt Nam là công xưởng thế giới, xuất khẩu chiếm tỷ lệ lớn trên GDP nên ngành cảng biển, xếp dỡ, kho bãi có nhiều cơ hội trong năm tới.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Trưởng phòng tư vấn Công ty Chứng khoán Vndirect
Theo số liệu của Tổng Cục thống kê, tính chung cả năm, CPI tăng 1,84% so với năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ 2016 đến nay. Riêng tháng 12/2021, CPI nhóm giao thông có mức giảm nhiều nhất với 1,71%. Có thể nói đây là mức giảm dễ hiểu trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp kéo dài tại hầu hết tỉnh và thành phố trên cả nước.
Tổng cục Thống kê cho rằng, do sự bùng phát mạnh của làn sóng Covid-19 lần thứ tư cùng với các đợt phong tỏa nghiêm ngặt, giãn cách kéo dài, đặc biệt là quý III, đã tác động tiêu cực đến gia tăng số lượng doanh nghiệp. Tuy nhiên, bất chấp dịch bệnh, hơn 6.000 doanh nghiệp vận tải, kho vận thành lập mới năm 2021, tăng 8,8% so với năm 2020. Trong khi, có 706 doanh nghiệp ngành này rời thị trường.
Năm 2021, ngành hàng không cũng có kết quả sản xuất kinh doanh ảm đạm và nhiều “sóng gió”. Chỉ có điểm sáng nằm ở tăng trưởng vận chuyển hàng hóa đã phần nào giúp ngành hàng không giảm bớt khó khăn. Năm 2021, vận chuyển hành khách quốc tế ước đạt 500 nghìn khách, giảm 93% so với năm 2020 và vận chuyển hàng hóa đạt xấp xỉ 1,1 triệu tấn hàng hóa, tăng 21,3% so với năm 2020.
Doanh nghiệp đường bộ trải qua 2 năm sóng gió, đặc biệt là các doanh nghiệp vận tải hành khách, tình trạng nhiều doanh nghiệp bán xe trả nợ hoặc hoạt động cầm chừng không ít. Theo lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam, nhờ chủ động thực hiện nhiều giải pháp mà tổng sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam vẫn giữ được nhịp tăng trưởng. Cụ thể, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam năm 2021 vẫn ước đạt hơn 703 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2020. Tổng sản lượng vận tải do đội tàu biển Việt Nam vận chuyển cũng có sự khởi sắc trong đại dịch, ước đạt 156,5 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2020. Trong đó, sản lượng hàng container của đội tàu biển Việt Nam ước đạt hơn 3 triệu Teus, tăng tới 12% so với năm trước.
Thời điểm đầu năm 2022, chưa nhiều doanh nghiệp báo kết quả kinh doanh năm 2021. Tuy vậy, theo khảo sát báo cáo tài chính quý III/2021, doanh nghiệp cảng biển đều đồng loạt báo lãi nhờ hoạt động xuất nhập khẩu vẫn tăng trưởng. Điển hình trong nhóm ngành trên phải kể đến Tổng công ty Hàng hải Việt Nam - VIMC (MVN). Theo báo cáo tài chính, quý III/2021, VIMC đạt doanh thu 4.127 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2020, lợi nhuận 760 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước doanh nghiệp báo lỗ gần 30 tỷ đồng.
Hay VIMC có doanh thu hợp nhất 9 tháng đạt 10.188 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2020. Lãi trước thuế 2.045 tỷ đồng, gấp 7,75 lần so cùng kỳ năm ngoái. Trong quý III/2021, Công ty cổ phần vận tải biển Việt Nam - VOSCO (VOS) đạt doanh thu thuần 385 tỷ đồng, tăng 31%, lợi nhuận sau thuế 186 tỷ đồng.
Theo Báo cáo phân tích từ Công ty cổ phần chứng khoán SSI, cước vận chuyển tăng cao ở các tuyến đường dài như tuyến châu Á - châu Âu và châu Á - Bắc Mỹ, tăng khoảng 4-8 lần trong vòng một năm. Bên cạnh đó, giá cước các tuyến đường ngắn hoặc tuyến nội vùng có mức tăng khiêm tốn hơn, giá cước trung bình của tuyến Thượng Hải - Trung Quốc đến Busan - Hàn Quốc, tăng 81% so với cùng kỳ.