Ngành giao thông chuyển biến toàn diện trong năm 2024
Trong năm 2024, 10 dự án đã được khởi công, khánh thành đưa vào khai thác 8 dự án, nhiều vướng mắc, khó khăn phức tạp đã được tập trung xử lý, tháo gỡ như GPMB, nguồn vật liệu phục vụ các dự án, nhất là khu vực phía Nam.
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh cho biết, năm 2024, trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, thách thức, song, với sự lãnh đạo toàn diện, thống nhất của Đảng; sự hỗ trợ, giám sát thường xuyên của Quốc hội; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự hỗ trợ, phối hợp tích cực của các Bộ, ngành trung ương và các địa phương; sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân; toàn ngành GTVT đã tạo được sự chuyển biến toàn diện trong năm bản lề.
Chuyển biến toàn diện
Trong năm, Bộ GTVT đã ban hành 33 Thông tư theo thẩm quyền; hoàn thành, trình Chính phủ 10/10 dự thảo văn bản theo Chương trình, kế hoạch đề ra; Tích cực xây dựng, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua dự án Luật Đường bộ với các chính sách lớn có tác động tích cực đến xã hội; đồng thời, khẩn trương hoàn thiện để trình Chính phủ hồ sơ Luật Đường sắt Việt Nam (sửa đổi) và sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025), thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025); Tiếp tục thực hiện việc tổng kết, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Hàng không Việt Nam theo chỉ đạo của Chính phủ, tổng kết Luật Đường thủy nội địa Việt Nam, Bộ Luật Hàng hải Việt Nam.
Về đột phá kết cấu hạ tầng, năm 2024, sau hơn 18 năm triển khai nghiên cứu bài bản, thận trọng, khoa học trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng kinh nghiệm của các quốc gia phát triển trên thế giới, tiếp thu có chọn lọc để phù hợp với điều kiện thực tiễn của nước ta, Bộ GTVT đã hoàn thành nghiên cứu, báo cáo và được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương thông qua Nghị quyết về Đề án đầu tư Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và được Quốc hội khóa XV thông qua chủ trương đầu tư tại Kỳ họp thứ 8 tháng 11 vừa qua; đồng thời phối hợp chặt chẽ với TP.HCM, TP Hà Nội chuẩn bị bài bản, công phu, khoa học tiếp thu kết luận của Thường trực Chính phủ, hoàn thiện và trình Bộ Chính trị thông qua Đề án hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị của 2 thành phố.
Trong năm 2024, 10 dự án đã được khởi công, khánh thành đưa vào khai thác 8 dự án, nhiều vướng mắc, khó khăn phức tạp đã được tập trung xử lý, tháo gỡ như GPMB, nguồn vật liệu phục vụ các dự án, nhất là khu vực phía Nam. Đến nay tiến độ các dự án trọng điểm được đảm bảo. Hưởng ứng phong trào thi đua cao điểm 500 ngày đêm đưa 3.000 km đường bộ cao tốc về đích năm 2025, một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa dự kiến sẽ hoàn thành vượt tiến độ từ 3 - 6 tháng. Nhiều dự án khác đang được chủ đầu tư, nhà thầu tập trung nguồn lực, tổ chức thi công "3 ca 4" kíp để đẩy nhanh tiến độ với quan điểm: Không đánh đổi chất lượng lấy tiến độ.
Công trường bứt tốc, công tác giải ngân vốn đầu tư công cũng ghi nhận nhiều điểm sáng. Năm 2024, Bộ GTVT được giao khoảng 75.481 tỷ đồng (gồm 71.288 tỷ đồng được giao và kéo dài theo Kế hoạch năm 2024 và 4.193 tỷ đồng được giao bổ sung từ tháng 11/2024 ). Dự kiến hết tháng 12/2024, Bộ GTVT giải ngân khoảng 60.200 tỷ đồng, đạt 80% kế hoạch và phấn đấu hết niên độ tài chính đạt 95% kế hoạch, thuộc nhóm dẫn đầu về giải ngân trên cả nước.
Giải ngân dẫn đầu, vận tải tăng trưởng 2 con số
Năm 2024, hoạt động vận tải tiếp tục giữ được đà tăng trưởng ổn định 2 con số gắn với việc cắt giảm mạnh mẽ thủ tục hành chính, phí lệ phí, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Năm 2024, sản lượng vận chuyển hàng hóa ước đạt 2.450 triệu tấn, tăng 14,5%; Vận chuyển hành khách ước đạt 4.7 triệu lượt khách, tăng 11,2% so với năm 2023.
Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa quan trọng góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, chất lượng đời sống, hạnh phúc của nhân dân và duy trì sự phát triển bền vững của đất nước. Bộ GTVT tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai xây dựng kế hoạch các hoạt động tuyên tuyền về an toàn giao thông gắn với chủ đề của Năm An toàn giao thông 2024 "Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn"; trong đó tập trung tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục về ATGT, đặc biệt là Luật TTATGT đường bộ, Luật Đường bộ, tuyên truyền các quy định, quy tắc tham gia giao thông an toàn trên các phương tiện thông tin đại chúng.
TNGT giảm trên cả 3 tiêu chí
Công tác xử lý điểm đen, nhất là điểm đen đường bộ được tập trung thực hiện kịp thời. Với nguồn kinh phí còn hạn chế, đến nay đã xử lý: 15 điểm đen; 11 điểm tiềm ẩn TNGT; 160 vị trí có nguy cơ mất ATGT. Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường, Bộ GTVT đã thực hiện sửa chữa đột xuất trong năm 2024 để bổ sung các công trình, hạng mục công trình ATGT đối với trên 640 trường học và tiếp tục rà soát xử lý triệt để các vị trí trường học còn bất cập, nguy cơ mất ATGT trong kế hoạch bảo trì năm 2025.
Trong năm 2024, toàn quốc xảy ra 23.837 vụ, làm chết 10.996 người, bị thương 17.705 người. So với năm 2023, tăng 855 vụ (3,72%), giảm 889 người chết (-7,48%), tăng 1.578 người bị thương (9,78%).
Công tác phòng, chống bão, lũ đã được Bộ GTVT chủ động triển khai thực hiện, kịp thời ứng phó từ sớm, từ xa; tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, hợp tác quốc tế; tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp; Chú trọng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng thẳng thắn nhận diện một số tồn tại, hạn chế như: Một số dự án trọng điểm chưa được bàn giao 100% mặt bằng; tiến độ triển khai dự án thành phần 4 Cảng hàng không quốc tế Long Thành còn chậm; nguồn cung cấp cát khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuy được giải quyết nhưng chưa triệt để, công suất khai thác vẫn chưa đáp ứng được tiến độ yêu cầu.
Tai nạn giao thông vẫn tiềm ẩn diễn biến phức tạp, còn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng; Nhiều công trình dự án đường bộ cao tốc sớm hoàn thành, đưa vào khai thác, song các trạm dừng nghỉ, hệ thống giám sát điều hành giao thông chưa được đầu tư đồng bộ dẫn đến sự bất tiện đối với người dân…
Ngành giao thông chủ động đi trước, đón đầu
Ghi nhận và đánh giá cao kết quả ngành GTVT đạt được, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ GTVT, sau quá trình thực hiện việc sáp nhập, những việc gì đã làm tốt, ngành GTVT cần làm tốt hơn theo đúng tinh thần "Bộ tinh, tỉnh mạnh", từng bước đào tạo đội ngũ cán bộ có tư duy đột phá, đổi mới, tổ chức bộ máy quản lý theo hướng "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả", có sự tích hợp với quản lý các lĩnh vực đô thị, nông thôn, tạo dựng sức mạnh tổng hợp.
Ngành GTVT cũng cần chủ động đón nhận cơ hội, đi đầu trong phát triển ngành công nghiệp, nhất là cơ hội từ dự án đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị.
Song song với triển khai đồng bộ các phương thức giao thông, bộ cũng cần tính toán phát triển đồng bộ giữa các vùng miền. Các tuyến giao thông khi đầu tư phải được đặt trong hệ sinh thái, có tính liên kết, đồng bộ để phát huy hiệu quả đầu tư.