Chuyên mục


Hải Phòng chính thức triển khai mô hình chính quyền đô thị

19/12/2024 10:58 (GMT +7)

Theo đó, Hải Phòng sẽ tổ chức mô hình chính quyền đô thị một cấp (thành phố) và hai cấp hành chính (quận, phường). Tại các quận và phường sẽ không tổ chức hội đồng nhân dân.

Thành phố Hải Phòng vừa tổ chức hội nghị công bố Nghị quyết số 169/2024/QH15của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng và Nghị quyết số 1232/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố Hải Phòng giai đoạn 2023-2025.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ tới dự.

Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Việc triển khai thực hiện mô hình chính quyền đô thị và thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính là phù hợp thực tiễn, xu thế phát triển của thành phố; tạo điều kiện tập trung các nguồn lực về đất đai, dân số, mở rộng không gian để quy hoạch, tập trung mở rộng sản xuất, phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương; tiết kiệm chi cho ngân sách, góp phần nâng cao đời sống cán bộ, công chức và nhân dân; đảm bảo quốc phòng; giữ vững trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng cho Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu. Ảnh: Đàm Thanh

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị thành phố Hải Phòng cho Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu. Ảnh: Đàm Thanh

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc triển khai thực hiện mô hình chính quyền đô thị và sắp xếp đơn vị hành chính đòi hỏi sự quyết tâm, kiên trì và phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và nhân dân.

Để triển khai hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị thành phố Hải Phòng tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả, hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền đô thị theo đúng tinh thần của Nghị quyết, đảm bảo tính ổn định, thống nhất, không gây gián đoạn trong hoạt động quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công; nhanh chóng kiện toàn hệ thống chính quyền các cấp sau khi sắp xếp, đảm bảo tính thống nhất, liên thông trong quản lý nhà nước; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Để tăng cường sự đồng thuận, ủng hộ cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, thành phố cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của các Nghị quyết. Đồng thời, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nhất là liên quan đến thay đổi giấy tờ, hồ sơ của người dân và doanh nghiệp sau sắp xếp; giải quyết thấu đáo các vướng mắc, kiến nghị phát sinh trong quá trình triển khai; bảo đảm quyền lợi chính đáng của cán bộ, công chức, người lao động, nhất là những người chịu tác động từ việc tinh giản biên chế hoặc sắp xếp lại vị trí việc làm.

Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, quan trọng nhất là sắp xếp lại đơn vị hành chính thì kinh tế - xã hội của địa phương phải phát triển hơn, doanh nghiệp được phục vụ thuận lợi hơn, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được tốt hơn; các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, trao truyền và phát huy hiệu quả hơn.

Hải Phòng cần phân cấp mạnh mẽ cho các cấp chính quyền trong các lĩnh vực như quản lý đô thị, quy hoạch, đầu tư, tài chính, đảm bảo tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm; xây dựng các chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với quy mô, đặc thù của các đơn vị hành chính sau sắp xếp; tập trung nguồn lực vào phát triển, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, tạo sức hút các nhà đầu tư và nâng cao chất lượng sống của người dân, hướng tới mục tiêu trở thành đô thị thông minh, hiện đại.

Thành phố phải tăng cường giám sát việc thực hiện để kịp thời phát hiện và giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, nhất là chú ý bố trí, quản lý, sử dụng trụ sở, tài sản công của các cơ quan, đơn vị theo đúng quy định, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả; kiên quyết đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, chạy việc, chạy chức, chạy quyền.

Để xứng đáng với vai trò không chỉ là một cực tăng trưởng mà còn là động lực phát triển cho khu vực và cả nước, trở thành một thành phố hiện đại, đi đầu, hoàn thành sớm công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có vị thế không chỉ trong nước mà cả khu vực và quốc tế, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Hải Phòng cần có chính sách, cơ chế đặc thù để đáp ứng được yêu cầu phát triển, cất cánh, bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Hải Phòng cần quán triệt sâu sắc và thực hiện hiệu quả chỉ đạo, mong muốn của Tổng Bí thư Tô Lâm khi về làm việc với thành phố ngày 14/11 vừa qua là: Hải Phòng cần phải tăng tốc đô thị hóa có chất lượng để tương xứng vai trò, vị thế của một thành phố trực thuộc Trung ương và phải chủ động liên kết vùng, xây dựng Hải Phòng trở thành đô thị thông minh, hiện đại, một thành phố mẫu mực về sự trải nghiệm và đáng sống.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Đàm Thanh

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Đàm Thanh

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu khẳng định, thành phố sẽ bổ sung và hoàn thiện các chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện thật tốt Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của thành phố giai đoạn 2023 - 2025.

Cả hai nghị quyết đều có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2025. Theo đó, thành phố Hải Phòng sẽ tổ chức mô hình chính quyền đô thị một cấp và hai cấp hành chính. Tại các quận và phường sẽ không tổ chức HĐND. Đồng thời, Hải Phòng đang sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã để thành lập thành phố Thủy Nguyên và quận An Dương trực thuộc thành phố. Hải Phòng giảm bớt 50 đơn vị hành chính cấp xã, tương ứng 23% tổng số đơn vị hành chính cấp xã toàn thành phố, giảm nhiều thứ 2 cả nước.

Tâm Vũ
Hải Phòng chính thức triển khai mô hình chính quyền đô thị
Theo đó, Hải Phòng sẽ tổ chức mô hình chính quyền đô thị một cấp (thành phố) và hai cấp hành chính (quận, phường). Tại các quận và phường sẽ không tổ chức hội đồng nhân dân.

Quản lý các lĩnh vực hạ tầng đồng bộ, xuyên suốt, thống nhất trên cả nước
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh yêu cầu này khi làm việc với Bộ Xây dựng, Bộ GTVT và một số bộ, ngành liên quan về phương án hợp nhất Bộ Xây dựng và Bộ GTVT, sáng 17/12.

Thông toàn tuyến cao tốc từ Cao Bằng tới Cà Mau trong năm 2025
Làm việc với các ban ngành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu dứt khoát không thay đổi tiến độ dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông (từ Cao Bằng - Lạng Sơn đến Cà Mau), tới 31/12/2025 phải thông toàn tuyến.

Hà Nội xây dựng đủ 18 cầu vượt sông Hồng
Hà Nội đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng thêm 3 cầu (Hồng Hà, Mễ Sở, Vân Phúc) và sẽ sớm quyết định chủ trương đầu tư cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo và cầu Ngọc Hồi.

Giải pháp trọng tâm đẩy mạnh tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050
Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 44/CT-TTg ngày 9/12/2024 về triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm đẩy mạnh thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

Quyết tâm chính trị cao nhất thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh yêu cầu phải khẩn trương, tích cực thực hiện tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và tiến hành cuộc cách mạng về sắp xếp, tổ chức, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị.

Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung Đảng khóa XIII
Ngày 25/11, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã họp xem xét, cho ý kiến về một số nội dung như sau: