Ngân sách tăng thu nhờ dầu thô
Thu ngân sách từ dầu thô 2 tháng đầu năm đạt gần 8.100 tỷ đồng, tăng hơn 57% so với cùng kỳ.
Theo Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách tháng 2 đạt 138.500 tỷ đồng. Luỹ kế thu ngân sách 2 tháng khoảng 323.800 tỷ đồng, tăng gần 11% so với cùng kỳ và bằng xấp xỉ 23% dự toán.
Được biết, ba khoản thu chính là thu nội địa, thu từ dầu thô và thu từ xuất nhập khẩu đều tăng so với cùng kỳ 2021. Trong đó, riêng thu từ dầu thô 2 tháng đầu năm đã đạt xấp xỉ 8.100 tỷ đồng, bằng 28,6% dự toán và tăng tới 57,2% so với cùng kỳ.
Bộ Tài chính cho biết, mức tăng thu này là nhờ giá dầu thô bình quân tháng 2 đạt khoảng 83 USD/thùng, cao hơn 23 USD so với dự toán và cao hơn gần 60% so với cùng kỳ. Trong khi đó, sản lượng khai thác trong giai đoạn này lại giảm gần 9% so với cùng kỳ, chỉ đạt 1,3 triệu tấn, bằng 18,6% kế hoạch.
2 tháng đầu năm, khoản thu nội địa cũng tăng 7,6%, đạt 270.800 tỷ đồng. Còn thu từ xuất nhập khẩu đạt 45.000 tỷ đồng, tăng 29,4% so với cùng kỳ 2021. Mức thu này đạt được trên cơ sở tổng số thu thuế đạt 69.100 tỷ và hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ khoảng 24.100 tỷ.
Chi ngân sách Nhà nước thực hiện 2 tháng ước đạt 228.200 tỷ đồng, bằng 12,8% dự toán, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tiến độ giải ngân vốn cho đầu tư phát triển chỉ đạt 8,5% dự toán Quốc hội giao dù giải ngân tăng gần 90% so với cùng kỳ năm ngoái. Các khoản chi trả nợ lãi đạt 19,6% dự toán, giảm 4,3%. Riêng chi thường xuyên là 163.300 tỷ, bằng 14,7% dự toán và tăng 0,9% so cùng kỳ.
Khác với cùng kỳ các năm trước, ngân sách Nhà nước ghi nhận bội thu 95.600 tỷ đồng sau 2 tháng.
Về quản lý giá, giá xăng dầu tăng do ảnh hưởng từ giá thế giới, nên cuối tháng 2 cơ quan này đã đề nghị Bộ Công Thương tăng sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu tại các kỳ điều hành khi giá thế giới tiếp tục tăng ở mức cao. Việc này nhằm kìm chế mức tăng giá xăng dầu trong nước, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.
Được biết, ở kỳ điều hành ngày 11/3, giá bán lẻ xăng dầu đã tăng lên mức cao nhất trong lịch sử, sát 30.000 đồng một lít xăng RON95.
Ở kỳ điều chỉnh lần này, liên Bộ Tài chính - Công Thương trích quỹ bình ổn với dầu mazut 300 đồng/kg. Trong khi đó, liên Bộ chi sử dụng quỹ bình ổn đối với xăng E5 RON 92 ở mức 750 đồng/lít, RON 95 là 1.000 đồng/lít, dầu diesel là 1.500 đồng/lít.
Đây là lần tăng thứ 7 liên tiếp và là đợt tăng thứ 6 trong hơn 2 tháng đầu năm 2022. Mức tăng giá xăng dầu ở kỳ điều hành này mạnh nhất từ trước đến nay. Từ đầu năm 2022, liên bộ Công Thương - Tài chính liên tục chi mạnh quỹ bình ổn giá để kiềm chế mức tăng giá xăng dầu trong nước. Hiện, số dư quỹ này đang ở mức thấp, chỉ còn khoảng 620 tỷ đồng.