Ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất tiết kiệm
Hàng loạt nhà băng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm với mức tăng lên tới 0,5%/năm trong tuần này.
Chỉ trong vòng một tuần có tới 9 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm bao gồm: Techcombank, TPBank, PGBank, SeABank, VIB, Bac A Bank, Sacombank, BVBank, CBBank.
Đi đầu là Techcombank thông báo điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm trong ngày 2 liên tiếp là 9/5 và 8/5. Theo đó, biểu lãi suất tiết kiệm mới nhất ngày 9/5 tăng trung bình 0,1 điểm % tại tất cả các kỳ hạn so với lần điều chỉnh vào ngày 8/5. Lãi suất tiết kiệm thông thường cao nhất tại Techcombank hiện là 4,7%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng trở lên.
Cùng trong ngày 9/5, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) công bố biểu lãi suất tiết kiệm mới với mức tăng 0,2%/năm đối với các kỳ hạn từ 1 đến dưới 12 tháng, và tăng 0,2 - 0,4%/năm tại kỳ hạn 18 – 36 tháng. Theo đó, biểu lãi suất tiết kiệm trực tuyến hiện dao động từ 3%/năm-5,6%/năm cho kỳ hạn từ 1-24 tháng.
Các ngân hàng khác như TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank) cũng điều chỉnh lãi suất tiết kiệm trong tuần qua với mức tăng cao nhất 0,4 điểm phần trăm từ kỳ hạn 12 tháng - 36 tháng. Hiện lãi suất cao nhất tại ngân hàng này là 5,4%/năm áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng.
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng thêm 0,3%/năm lên 4,05%/năm. Các kỳ hạn khác giữ nguyên. Hiện lãi suất tiết kiệm cao nhất tại SeABank là kỳ hạn 18-36 tháng (4,6%/năm).
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm mới từ ngày 8/5. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm trực tuyến kỳ hạn 2-5 tháng được VIB điều chỉnh tăng thêm 0,2 điểm %, lên 2,8%/năm - 3%/năm. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6-11 tháng cũng tăng thêm 0,1 điểm % lên 4,1%/năm.
Gia nhập vào nhóm nhà băng tăng lãi suất tiết kiệm trong tuần này còn có Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank). Theo đó, ngân hàng này điều chỉnh tăng 0,15 điểm % tại các kỳ hạn 6 - 11 tháng, và tăng 0,25 điểm % tại kỳ hạn 12-18 tháng. Hiện, mức lãi suất áp dụng tại ngân hàng này cao nhất ở kỳ hạn 18 tháng, niêm yết ở mức 5,5%/năm cho khoản tiền gửi dưới 1 tỷ đồng.
Trong ngày đầu tuần 6/5, ghi nhận 3 ngân hàng tăng lãi suất là Sacombank, BVBank, CBBank. Đầu tiên là ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tăng mạnh lãi suất tiết kiệm với mức tăng 0,2 - 0,5 điểm % ở tất cả kỳ hạn. Sau lần điều chỉnh này, lãi suất tiết kiệm tại các kỳ hạn dài của Sacombank cũng đã tăng trở lại mức trên 5%/năm. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 15 tháng là 5%/năm, kỳ hạn 24 tháng 5,2%/năm và kỳ hạn 36 tháng 5,4%/năm.
Ngân hàng TMCP Bản Việt (BVBank) điều chỉnh tăng thêm lãi suất từ 0,1 – 0,2 điểm % lãi suất huy động các kỳ hạn tiền gửi 1 – 12 tháng. Hiện, lãi suất BVBank dao động từ 3,1%/năm-5,35%/năm từ kỳ hạn 1 tháng -18 tháng.
Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank) cũng tăng lãi suất tiết kiệm ngay trong ngành đầu tuần với mức tăng lên tới 0,35 điểm phần trăm. Lãi suất tiết kiệm mới nhất tại CBBank đang niêm yết ở mức 3,1%%/năm-5,2%/năm từ kỳ hạn 1 tháng -13 tháng.
Như vậy, từ đầu tháng 5 trở lại đây có đã 12 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm gồm ACB, VIB, GPBank, NCB, BVBank, Sacombank, CB, Bac A Bank, Techcombank, TPBank, PGBank, và SeABank. Trước đó tháng 4, 15 ngân hàng thương mại tăng lãi suất tiết kiệm. Động thái này đang là tâm điểm đáng chú ý trên thị trường tiền tệ và điều đặc biệt là làn sóng đang lan rộng ra nhiều ngân hàng chứ không chỉ ở một vài ngân hàng.
Diễn biến tại thị trường liên ngân hàng thời gian qua cũng cho thấy nhu cầu thanh khoản của hệ thống ngân hàng cũng đang có xu hướng gia tăng. Lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng hiện đã lên mức 4,6%/năm. Đây là mặt bằng suất cao hơn rất nhiều so với thời điểm đáy hồi cuối tháng 3 khi có lúc lãi suất qua đêm về chỉ còn 0,13%/năm.
Ngoài ra, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cũng liên tục bơm tiền qua thị trường mở và có những phiên khối lượng bơm tiền cũng khá lớn. Trong đó, một số phiên có khối lượng bơm tiền rất lớn, chẳng hạn như phiên 23/4 bơm 36 nghìn tỷ đồng; phiên 24 và 25/4 mỗi phiên bơm 25 nghìn tỷ đồng; phiên 26/4 là hơn 23 nghìn tỷ đồng…
Mặc dù vậy, việc các ngân hàng gia tăng nhu cầu vốn cũng là quy luật hợp lý bởi 3 tháng đầu năm tín dụng tăng trưởng rất chậm (đặc biệt tăng trưởng âm trong 2 tháng đầu năm), khiến vốn huy động dư thừa trong giai đoạn này.