Mở đường thúc đẩy nền kinh tế
Những công trình trọng điểm quốc gia vừa được khởi công tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế trong bối cảnh Chính phủ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Trong 10 năm qua, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam phải đối mặt với tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng, dư địa đất đai, không gian đô thị phát triển không tương xứng.
13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long muốn kết nối thông thương với các tỉnh Đông Nam Bộ đều phụ thuộc chính vào Quốc lộ 1, hệ thống giao thông thủy các tỉnh phía Nam cũng không được khai thác tối đa lợi thế, trong khi đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ được đề xuất từ lâu, nhưng chưa thể triển khai vì thiếu vốn, cơ chế chính sách và quyết tâm của các cấp chính quyền. Nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hóa, hành khách so sánh hoạt động vận tải từ cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) đến Tây Ninh tốn kém tiền bạc, thời gian, công sức hơn từ Trung Quốc về TP Hồ Chí Minh…
Tương tự, theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, đến trước năm 2023, tuyến đường Vành đai 3 của thành phố cơ bản hoàn thành, nhưng đã thực sự quá tải. Nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách liên tỉnh từ các tỉnh phía Nam đi các tỉnh phía Bắc, phía Tây và ngược lại, quá cảnh qua Thủ đô đều chủ yếu thông qua đường Vành đai 3. Các cửa ngõ giao thông, đầu mối giao thông ra vào thành phố; các nút giao giữa các trục hướng tâm với đường Vành đai 3 thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc, nhất là khu vực cửa ngõ phía Nam. Thực tế này khiến việc liên kết phát triển kinh tế xã hội các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô, Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ thiếu tính kết nối, lan tỏa, làm giảm năng lực cạnh tranh của Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong khu vực…
Dự án đường vành đai 4 Vùng Thủ đô và "siêu dự án" đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh mang theo kỳ vọng tạo động lực phát triển cho hai khu vực "đầu tầu" và cả nền kinh tế đất nước.
Chưa hết, trước khi 2 công trình trọng điểm này được khởi công, thị trường bất động sản tại hai vùng kinh tế trọng điểm Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đang trong giai đoạn trầm lắng sau thời gian dài phát triển ồ ạt, khó có khả năng hồi phục do “ngấm” các chính sách siết chặt quản lý thị trường, các phân khúc sản phẩm, dòng tiền… từ Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Chủ trương đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công vào những công trình giao thông trọng điểm quốc gia hiện nay có vai trò lớn, trở thành lực đẩy trực tiếp để lấy lại niềm tin hồi phục cho thị trường bất động sản – kênh dẫn liên quan đến 40 ngành nghề kinh tế khác phát triển theo…
Trong bối cảnh nền kinh tế cần trợ lực lớn đề khơi thông, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, với chiều dài hơn 76 km, đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh đã được khởi công từ ngày 18/6, với tổng mức đầu tư hơn 75.000 tỷ đồng. Tuyến đường không chỉ kết nối TP Hồ Chí Minh với các Bình Dương, Long An, Đồng Nai, mà còn kết nối với 5 tuyến cao tốc hướng tâm gồm: TP Hồ Chí Minh - Trung Lương, TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài và TP Hồ Chí Minh - Chơn Thành và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Vì vậy, dự án này sẽ mở ra không gian đô thị, kết nối cảng biển, logistics, cảng container, tạo ra động lực mới cho phát triển vùng Đông Nam Bộ kết nối thông tuyến với Tây Nam Bộ.
Còn tại vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, ngày sau khởi công đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, đường Vành đai 4 Vùng Thủ độ cũng đã được khởi công ngày 25/6. Tuyến đường này dài 112,8 km, có tổng mức đầu tư 85.813 tỷ đồng, đi qua 3 tỉnh Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. Đường Vành đai 4 vùng Thủ đô được hình thành sẽ giúp thúc đẩy các hoạt động thương mại, vận tải, thông thương giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố phía Bắc, phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án hạ tầng đã và đang được đầu tư tạo không gian phát triển mới, giải quyết các vấn đề tồn tại của Thủ đô Hà Nội. Đặc biệt, dự án được Chính phủ đánh giá sẽ khai thác tiềm năng sử dụng quỹ đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại, góp phần thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Động lực thúc đẩy nền kinh tế
Theo PGS.TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), đầu tư công có vai trò lớn đối với sự phát triển và tăng trưởng của nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản và được xem là "đầu ra” của thị trường, nền kinh tế. Khi đầu tư công được đẩy mạnh, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm được tập trung triển khai, thị trường bất động sản sẽ hưởng lợi lớn, thu hút nhiều nhà đầu tư, thanh khoản sản phẩm tốt. Ngược lại, đầu tư công chậm giải ngân, thị trường bất động sản sẽ chịu tác động rõ rệt.
“Nếu 2 dự án này đảm bảo tiến độ, chất lượng, không chỉ thị trường bất động sản, mà nền kinh tế cũng sẽ hưởng lợi lớn, nhất là tại các địa phương có dự án đi qua. Liều thuốc từ hạ tầng sẽ khiến thị trường bất động sản được ‘hâm nóng’, không phải nhờ giá đất tại các vùng quy hoạch dự án tăng giá khiến thị trường ‘sốt nóng’, mà thị trường hồi phục từ niềm tin của các nhà nhà đầu tư quay trở lại, thanh khoản thị trường cải thiện, nguồn cung các dự án gia tăng…”, PGS.TS. Ngô Trí Long cho hay.
Đối với đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, các chuyên gia kinh tế cho rằng, dự án này là công cụ để tạo thành một không gian phát triển kinh tế đô thị mới, kết nối và biến ý tưởng phát triển TP Hồ Chí Minh thành khu vực đa trung tâm, trở thành “cú hích” phát triển cho các tỉnh lân cận không chỉ trong ngắn hạn, mà sẽ là trong dài hạn. Dự kiến, chỉ tính riêng tại TP Hồ Chí Minh, khoảng 2.000 ha đất dọc tuyến đường Vành đai 3 sẽ được khai thác. Nếu quy hoạch và khai thác được, các khu công nghiệp mới sẽ xuất hiện, các khu dân cư mới ra đời nằm ngay giao điểm giữa Vành đai 3 với các trục xuyên tâm. Điều này đồng nghĩa với việc tăng sức cạnh tranh, rút ngắn thời gian phát triển, hạn chế nguồn vốn đầu tư bị chững lại của TP Hồ Chí Minh trong nhiều năm qua chỉ vì "điểm nghẽn" giao thông.
Trong khi đó, với đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô, GS. TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhận định, về lợi ích kinh tế, tuyến đường sẽ tạo ra tính chất liên kết Vùng Thủ đô, các tỉnh trong Vùng Thủ đô và mở rộng không gian phát triển cho Hà Nội. Như vậy, các địa phương có đường Vành đai 4 chạy qua sẽ gia tăng các nguồn lực phát triển đất đai, đô thị, đầu tư các trung tâm công nghiệp… để mang lại nguồn lực kinh tế tốt. Đường Vành đai 4 có thể coi là "vành đai kết nối mọi vành đai", tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển đồng đều, toàn diện và bền vững của Thủ đô.
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh): Động lực tăng trưởng cho các vùng kinh tế của cả nước: Nhiều năm qua, hệ thống đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông đường bộ còn hạn chế. Đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô và đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo động lực tăng trưởng cho các vùng kinh tế cả nước. Hai dự án này hoàn thành sẽ là điểm nhấn để quảng bá, thu hút đầu tư và du lịch quốc tế đến với Việt Nam. Riêng với đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh càng có ý nghĩa cho khu vực Đông Nam Bộ, với dân số khoảng 18 triệu dân.
Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô giúp đẩy mạnh phát triển kinh tế, thu hút đầu tư: Tuyến đường không chỉ khắc phục tình trạng quá tải về giao thông, giúp mở rộng không gian, nguồn lực phát triển, khả năng liên kết, giao thương hàng hóa với các tỉnh lân cận trong Vùng Thủ đô, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, mà còn giúp Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh... từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông theo quy hoạch; tạo điều kiện để Hà Nội và các địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư phát triển mạnh mẽ…
Trưởng ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP Hồ Chí Minh Lương Minh Phúc: Đường Vành đai 3 sẽ “kích hoạt” vùng kinh tế trọng điểm phía Nam: Đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh đi qua Đồng Nai, Bình Dương, Long An, sẽ “kích hoạt” toàn bộ vùng kinh tế trọng điểm phía Nam – khu vực nắm giữ vai trò “đầu tàu”, dẫn dắt, phát triển bền vững đối với kinh tế đất nước. Tuy diện tích chỉ chiếm 9,2%, nhưng GRDP của vùng chiếm hơn 45% cả nước và gần 51% GRDP của 4 vùng kinh tế trọng điểm, đóng góp hơn 42% tổng thu ngân sách; trong đó, có 4 địa phương có tỷ lệ điều tiết ngân sách về Trung ương thuộc nhóm cao nhất: TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Dương.