Lên Lạng Sơn ăn Tết Pây Tái của người Tày, Nùng rằm tháng 7
Dịp Rằm tháng 7, bà con Tày, Nùng Lạng Sơn lại cùng đón một cái Tết vô cùng quan trọng và mang nhiều ý nghĩa - Tết "Pây tái". Cùng với Tết Nguyên Đán, "Pây tái" là một trong hai cái Tết quan trọng nhất trong năm của đồng bào, góp phần tô điểm thêm bản sắc văn hóa của người Tày, người Nùng.
"Pây tái" theo tiếng Tày, Nùng có nghĩa là "về ngoại", là dịp để những người con gần xa trong gia đình cùng nhau về sum họp tại nhà ngoại. Theo truyền thống, Tết “Pây Tái” thường được bắt đầu từ ngày 10/7 Âm lịch đến hết ngày 15/7 Âm lịch. Khi đó, con gái và con rể sẽ đem lễ về thăm nhà ngoại để tỏ lòng biết ơn sinh thành của cha mẹ.
Món quà mang về thăm cha mẹ bên ngoại ít nhiều do từng nhà, nhưng không thể thiếu là 2 con vịt béo, vài cặp bánh gai hoặc bánh chuối và một chai rượu nhỏ. Đây cũng là nét văn hóa đặc sắc trong đời sống tinh thần của đồng bào Tày, Nùng.
Với bà Hoàng Thị Bái (91 tuổi), ở xã Mai Pha, TP Lạng Sơn, những ngày Pây Tái thời thơ ấu như chỉ vừa mới đây. Đó là không khí rộn ràng của đám trẻ ra đứng gốc đa đầu làng “để đếm người, đếm xe” trở về ăn Rằm tháng Bảy, là hình ảnh cha mẹ bồng con trên vai, tay xách nách mang về lễ ngoại, là hình ảnh bà con thôn xóm mang từng chiếc bánh gai thơm nức đem biếu tặng cho những anh lính Bộ đội thời kì đất nước còn chiến tranh…
Bà Bái kể: “Vào Rằm tháng 7 thì người dân tộc Tày Làm bánh gai để cúng vào ngày 14, con cháu đi làm xa đến ngày ấy thì cũng về để cùng ăn bữa cơm gia đình. Những ngày này thì mọi người chỉ mong cầu cho bố mẹ khỏe, được thấy con cháu quây quần thì đã là điều tuyệt vời nhất rồi. Năm nào nhà tôi mọi người buổi trưa đều ở nhà để cùng ăn cơm, vui lắm. Các con các cháu về, đó thực sự là điều thiêng liêng nhất".
Chẳng ai biết Tết "Pây Tái” có từ bao giờ, chỉ biết rằng phong tục đặc sắc này được lưu truyền qua nhiều thế hệ và vẫn đang được đồng bào dân tộc Tày, Nùng tại Lạng Sơn nói riêng và cộng đồng Tày, Nùng Việt Nam lưu giữ cho đến tận ngày hôm nay.
Cứ đến ngày 13/7 Âm lịch, bà Lộc Bích Kiệm dân tộc Tày, trú tại thành phố Lạng Sơn lại cùng gia đình của mình tạm gác công việc còn đang dở dang, để cùng nhau gói những chiếc bánh gai, tiếng Tày còn gọi là “Pẻng tải”. Đây là món bánh quen thuộc không thể thiếu trên mâm cúng gia tiên của người Tày - Nùng ở Lạng Sơn vào dịp Rằm tháng Bảy. Bánh có vị ngọt sắc của đường, vị dẻo thơm của nếp và lá gai, vị bùi của nhân đậu, ăn không ngấy. Bánh gai có thể để nhiều ngày mà không sợ mốc. Món bánh đặc trưng này đã tạo nên 1 nét văn hóa riêng có và đặc sắc của đồng bào Tày, Nùng.
Theo bà Kiệm, chiếc bánh đã trở nên gần gũi, quen thuộc trong lối sống của họ ngay từ khi còn thơ bé, vì vậy nó trở thành 1 món ăn mang tính gắn kết, yêu thương gần gũi nhau, giữa những người trong cùng 1 dòng tộc… Bà Lộc Bích Kiệm tâm sự: “Rằm tháng 7 là rằm báo hiếu với cha mẹ, với tổ tiên, đặc biệt là người con gái khi đã đi làm dâu. Không phải chỉ về ăn cơm, con gái đã đi lấy chồng xa những ngày này sẽ về nấu cho bố mẹ 1 bữa cơm, và bữa cơm đó dâng lên tổ tiên bằng đôi bàn tay của người con gái hiếu thảo. Chúng tôi đôi khi rất bận nhưng luôn luôn phải bố trí để về cùng với gia đình. Đối với người Tày chúng tôi thì cảm thấy thiêng liêng lắm bởi vì đó là sự báo hiếu, tất cả hội tụ lại đó sự xum họp, gắn kết, yêu thương để động viên nhau thêm nhiều sức khỏe, nhiều niềm vui, đó cũng chính là những ân tình hết sức sâu nặng".
Từ bao đời nay, người Tày, Nùng vẫn gìn giữ phong tục "Pây tái" dịp rằm tháng 7 với những giá trị nhân văn sâu sắc. Đây là dịp để các gia đình đoàn viên, sum họp. Cùng với ý nghĩa lễ Vu Lan trong Phật giáo, tết “Pây tái” mang đậm tín ngưỡng hiếu kính cha mẹ của người Tày, Nùng.
Tiến sĩ Hoàng Văn Páo, Chủ tịch Hội Di sản Lạng Sơn, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn, cho biết: “Rằm tháng 7 với riêng người Tày Nùng ở khu Việt Bắc nói chung cũng như ở Lạng Sơn nói riêng vô cùng ý nghĩa. Bởi lẽ nó tạo ra tình cảm, sự nhớ thương, là sự tạ ơn với đấng sinh thành, với tổ tiên. Bởi vậy Tết Pây Tai đã và đang tồn tại và phát triển hết sức nhân văn, được truyền từ đời này sang đời khác và dần trở thành phong tục tập quán hết sức tốt đẹp. Cá nhân tôi đây đánh giá đây là 1 hình thức di sản quý báu và là hiện tượng độc nhất vô nhị. Mặc dù điều kiện môi trường đô thị nay đã khác xưa nhiều nhưng tập quán này vẫn tồn tại hết sức rõ nét ở vùng làng quê. Đây là điều cần bảo tồn. lưu giữ và tiếp nối cho muôn đời sau”.