Làng Việt Hải - Cát Bà khó hiểu vì xe điện
Làng Việt Hải vốn là một làng cổ nằm sâu trong vườn quốc gia Cát Bà đang ngày càng hút khách du lịch; tuy nhiên, việc cấp phép vận hành phương tiện dịch vụ nào để phục vụ khách thăm quan, thì địa phương lại đang không rõ ràng.
Việt Hải đang vượt khó về giao thông để làm du lịch
Vốn là một xã đảo nhỏ nằm cách xa đảo trung tâm Cát Bà 10km về phía Nam, xã Việt Hải là xã duy nhất trong số 12 xã, thị trấn thuộc huyện Cát Hải không có đường bộ dành cho phương tiện giao thông từ trung tâm huyện đến xã. Từ thị trấn Cát Bà di chuyển đến xã Việt Hải phải mất 50 phút đi đò; 15 phút đi xuồng cao tốc hoặc 3,5 giờ đi bộ xuyên rừng Quốc gia Cát Bà.
Đây là xã đảo xa đất liền, biệt lập trong vùng vịnh Lan Hạ nên đời sống của bà con trên đảo hết sức khó khăn và thiếu thốn, dân chủ yếu tự cung tự cấp. Những năm gần đây, với sự phát triển của du lịch Cát Bà, người dân xã Việt Hải bắt đầu làm du lịch theo mô hình du lịch cộng đồng.
Để thuận tiện cho việc di chuyển, một số hộ dân và doanh nghiệp trong xã Việt Hải đã tự phát đầu tư 15 xe 4 bánh hoán cải chạy bằng xăng, gần 1.000 xe đạp để phục vụ người dân và du khách. Thậm chí, lãnh đạo huyện, thành phố khi về thăm làng Việt Hải cũng di chuyển trên các phương tiện này.
Đến năm 2018, UBND huyện Cát Hải ban hành văn bản số 1134/UBND-KH&HT ngày 13/08/2018 và thông báo số 18/TB-UBND ngày 17/08/2018 về việc dừng hoạt động xe ô tô hết niên hạn sử dụng, hết hạn chưa đăng kiểm, xe bốn bánh chạy bằng động cơ điện, động cơ xăng chở người tại xã Việt Hải.
Dù chủ trương là vậy, nhưng toàn bộ các cá nhân kinh doanh vận tải bằng các phương tiện hoán cải nêu trên không được biết, và cũng không có hướng dẫn chuyển đổi nên các xe nói trên vẫn tiếp tục vận hành bình thường. Thực tế, nếu không có các phương tiện đó thì toàn dân trong xã và cả khách du lịch không hề có phương án nào thay thế. Phương tiện vận chuyển trên cũng là tâm huyết và là kế sinh nhai của người dân xã đảo theo đúng chủ trương khắc phục khó khăn vươn lên làm kinh tế.
Doanh nghiệp được ưu ái thì "chậm chân", dân nắm bắt cơ hội lại chưa được hoạt động?
Ngày 15/06/2020 tại văn bản số 3895/UBND-GT của UBND Thành phố Hải Phòng chỉ đạo về việc mở tuyến ô tô điện vận chuyển khách du lịch xã Việt Hải, huyện Cát Hải. Cũng ngay tại thời điểm đó Công ty TNHH Làng Sinh Thái Việt Hải - đơn vị chưa từng hoạt động tại địa phương đã làm hồ sơ xin được mở tuyến xe ô tô điện vận chuyển khách du lịch tại xã Việt Hải.
Ngày 25/11/2020, UBND Thành phố Hải Phòng ban hành văn bản số 7476/UBND-GT về việc điều chỉnh phương án quản lý hoạt động xe 4 bánh vận chuyển khách trong phạm vi hạn chế trên đảo Cát Bà. Cũng theo văn bản, thành phố đồng ý bổ sung thêm tuyến số 09 từ bến tàu khách đến trung tâm xã Việt Hải và đồng ý cho công ty TNHH Làng Sinh thái Việt Hải đầu tư phương tiện xe ô tô điện vận chuyển khách du lịch tại xã Việt Hải.
Cũng từ năm 2020 đến nay, công ty TNHH Làng Sinh Thái Việt Hải mặc dù được phép hoạt động nhưng không đầu tư xe ô tô điện, không vận hành cũng như không có bất kỳ hoạt động nào tại địa bàn xã Việt Hải. Người dân và khách du lịch muốn đến Việt Hải vẫn phải sử dụng xe hoán cải, xe bị dừng hoạt động và chưa được cấp phép hoạt động để di chuyển.
Trong khi, các hộ kinh doanh và Hợp tác xã Việt Hải cũng nhận thấy chủ trương của Thành phố là đúng, các hộ kinh doanh cũng đã chủ động đầu tư 10 chiếc xe điện 4 bánh từ tháng 5/2022 để vận hành và làm tờ trình xin cấp phép hoạt động. Nhưng từ tháng 5/2022 đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa cấp phép cho Hợp tác xã Việt Hải hoạt động trong khi họ có đầy đủ năng lực, phương tiện, kinh nghiệm. Bên cạnh đó, việc chở khách du lịch đến xã chính là nguồn sống duy nhất của các hộ dân tại đảo.
Ngày 15/06/2022, những chiếc xe điện đầu tiên của Công ty TNHH Làng Sinh thái Việt Hải được đưa về đảo, bắt đầu vận hành và những chiếc xe điện do bà con Hợp tác xã Việt Hải đã đầu tư trước đó đương nhiên trở thành các phương tiện hoạt động không phép.
Vẫn biết rằng, việc vận chuyển hành khách bằng các phương tiện mà chưa được cấp phép là sai; tuy nhiên chính vì sự chậm trễ của các cơ quan ban ngành, sự vào cuộc không quyết liệt đã dẫn đến tình trạng như trên. Một bên là những người dân gốc dễ của làng, họ bám làng, bám biển họ cùng nhau thoát nghèo vươn lên làm kinh tế để giảm đi gánh nặng trợ cấp cho ngân sách nhà nước và một bên là doanh nghiệp dù đăng ký tại địa phương nhưng chưa từng hoạt động tại địa phương…
Thiết nghĩ, UBND Thành phố Hải Phòng, UBND Huyện Cát Hải, các cơ quan ban ngành cần phải có những chính sách kịp thời, hướng dẫn người dân tại địa phương hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, tránh tình trạng tranh chấp đã và đang xảy ra, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân và hình ảnh du khách. Chúng tôi sẽ còn trở lại vấn đề này trong thời gian tới.