Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam góp ý Nghị định về đào tạo và sát hạch lái xe
Trong cuộc họp rà soát, hoàn thiện dự thảo 4 nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam góp ý nhiều nội dung Nghị định quy định về đào tạo và sát hạch lái xe.
Sáng 8/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tiếp, kết hợp trực tuyến toàn quốc về rà soát, hoàn thiện dự thảo 4 nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Lãnh đạo Bộ, ban ngành, các địa phương, Ủy ban ATGT Quốc gia, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, Hiệp hội ATGT Việt Nam cùng tham dự.
Cụ thể, 4 Nghị định bao gồm: Nghị định quy định danh mục hàng hóa nguy hiểm và trình tự, thủ tục cấp giấy phép, giấy chứng nhận hoàn thành chương trình tập huấn cho người lái xe hoặc áp tải vận chuyển hàng hóa nguy hiểm trên đường bộ (dự thảo Nghị định vận chuyển hàng hoá nguy hiểm); Nghị định quy định về hoạt động vận tải đường bộ; Nghị định quy định về đào tạo và sát hạch lái xe; Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường bộ (dự thảo Nghị định quản lý đường bộ).
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho biết, việc xây dựng, ban hành thể chế phải hết sức đổi mới, thay vì "không biết thì cấm" thì mạnh dạn phân cấp thí điểm những nội dung, chính sách mới nếu được thực tiễn chứng minh là đúng thì tổng kết, đưa vào những văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn. Các văn bản pháp luật, trong đó có nghị định, phải tạo ra không gian sáng tạo cho cơ quan quản lý, các bên tham gia thực hiện, cũng như giám sát quá trình thực hiện.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, đại diện các hiệp hội trong việc rà soát dự thảo 4 nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông với sự tham dự của lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, đại diện các hiệp hội là rất quan trọng trước khi Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành bởi việc này có liên quan đến nhiều đối tượng, nhiều bên tham gia.
"Quan trọng nhất là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương kèm theo cơ chế, chính sách, nguồn lực thực hiện nhiệm vụ", Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương xây dựng, ban hành các thông tư, hướng dẫn theo nhiệm vụ được giao trong luật, nghị định. Bên cạnh đó, các địa phương phải chủ động thực hiện nhiệm vụ ban hành văn bản quy phạm theo thẩm quyền được giao trong luật, nghị định, thông tư; trao đổi, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Bộ, ngành, địa phương nào chậm tiến độ thì phải chịu trách nhiệm.
Tham gia góp ý vào Nghị định quy định về đào tạo và sát hạch lái xe, đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề nghị bổ sung đối tượng giáo viên dạy thực hành lái xe có bằng tốt nghiệp THPT, ngoài những người có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề theo quy định từ năm 2007 đến nay; rà soát, xem xét lại quy định cứng về diện tích diện tích sân tập lái.
Theo dự thảo, diện tích tối thiểu của sân tập lái: Hạng B1 và B2 là 8000 m2; hạng B1,B2 và C là 10.000m2; hạng B1, B2, C, D, E và F là 14.000m2,... Đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng điều này không còn phù hợp bởi hiện nay tình hình quỹ đất rất hạn hẹp, vì thế sẽ gây lãng phí, nguồn lực xã hội, không hiệu quả.
Hiệp hội Vận tải ô tô đề nghị không nên quy định cứng về diện tích sân tập lái mà thực hiện như Thông tư số 170 của Bộ Quốc phòng (Sân tập lái xe ôtô có thể tập trung vào một hoặc hai nơi, có đầy đủ các bài tập theo chương trình đào tạo, có đủ hệ thống biển báo hiệu đường bộ theo tình huống thực tế tại sân tập lái; kích thước các bài tập phải phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Trung tâm sát hạch lái xe cơ giới đường bộ đối với từng hạng tương ứng).
Về tiêu chuẩn giáo viên dạy thực hành lái xe, theo điểm a, khoản 2, điều 10 của Dự thảo, giáo viên dạy lái xe phải có "Bằng tốt nghiệp Trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề trở lên". Hiệp hội đánh giá điều này không còn phù hợp với thực tế bởi trước đây thời gian đào tạo lái xe trên 3 tháng sau giảm xuống dưới 3 tháng nên tiêu chuẩn trên là không cần thiết.
Thêm vào đó, việc quy định trình độ trung cấp trở lên chỉ là hình thức, không có tác dụng nâng cao chất lượng đào tạo, bởi theo khảo sát của Hiệp hội tại một số cơ sở đào tạo một số giáo viên có bằng trung cấp nhưng bằng cấp không liên quan gì tới đào tạo như Trung cấp Xây dựng, Nông nghiệp, Thú y,…
Ngoài ra, quy định bằng cấp như trên có thể dẫn tới nhiều trường hợp bằng cấp giả để hợp lý hóa hồ sơ; Các cơ sở đào tạo không thể tuyển dụng giáo viên dạy lái vì không có bằng trung cấp.
Cùng với đó, Luật Giáo dục nghề nghiệp khuyến khích những nghệ nhân, người có tay nghề cao tham gia dạy nghề, những người này chẳng cần bằng cấp nhưng khi dạy thì cực kỳ chất lượng.
Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề nghị sửa đổi tiêu chuẩn giáo viên dạy lái xe ô tô thành “có bằng tốt nghiệp THPT hoặc Trung cấp chuyên nghiệp hoặc Trung cấp nghề trở lên” cho phù hợp.