Làm gì để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về vận tải hành khách theo tuyến cố định và bến xe khách?
Đây là chủ để của buổi tọa đàm được Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam phối hợp với Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) tổ chức ngày 24/2 tại TP. Đà Nẵng.
Tham dự buổi tọa đàm có đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp vận tải hành khách, các bến xe ở 15 tỉnh, thành phố trong cả nước đang “nhức nhối” về tình trạng “xe dù, bến cóc”, “xe hợp đồng trá hình”. Đây lần thứ 2 Hiệp hội Vận tải ô tô VN lên tiếng về vấn đề này qua hình thức hội thảo.
Theo báo cáo từ các Hiệp hội thành viên và Hội viên Hiệp hội Vận tải ô tô VN, tình hình “xe dù, bến cóc” tiếp tục tái diễn phức tạp, xe hợp đồng trá hình phát triển mạnh, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp, HTX kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định và các đơn vị kinh doanh bến xe khách. Tình trạng xe vận tải hành khách theo tuyến cố định đã và đang bỏ dần bến ra ngoài chạy vòng vo đón khách, gom khách làm giảm đáng kể lượng xe vào bến; số lượng hành khách vào bến giảm từ 20 đến 50% so với trước làm nhiều bến xe rơi vào tình trạng khó khăn, nguy cơ phá sản đang hiện hữu.
Trong khi đó, xe hợp đồng phát triển mạnh. Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện số xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng khoảng 175.000 xe trong khi xe kinh doanh vận tải theo tuyến cố định khoảng 21.000 xe. Khó kiểm soát nhất là loại xe Limousine( xe cải tạo từ xe 16 chỗ ngồi thành xe 10 đến 12 chỗ ngồi (kể cả người lái). Thực tế loại xe 16 chỗ ngồi nguyên bản đón khách từ các làng, bản ở các địa phương chở hành khách đi khám bệnh đến tận bệnh viện; chở học sinh, sinh viên hoặc các đối tượng khác đến nơi cần đến - loại xe” hợp đồng trá hình” này hiện nay rất khó quản lý, kiểm soát.
Một số đơn vị vận tải hành khách theo tuyến cố định có xu hướng bỏ bến xe ra thành lập văn phòng đại diện để hoạt động dẫn đến tình trạng bến cóc và xe dù tăng cao trong khi các cơ quan quản lý nhà nước không kiểm soát được, thậm chí còn có hiện tượng bảo kê cho xe dù bến cóc. Đối với xe vận tải hành khách theo tuyến cố định thì có quy định chặt chẽ hơn, việc xin vào bến cũng cần nhiều thủ tục khó khăn, phiền phức.
Xe tuyến cố định phải đón trả khách đúng nơi quy định nhưng hiện tại trên các tuyến đường hiện nay hầu hết không quy định điểm đón trả khách; một số tuyến đường có điểm đón trả khách nhưng điểm đón trả khách lại không có mái che, không có ghế ngồi để hành khách chờ xe. Các đơn vị vận tải hành khách theo tuyến cố định phải nộp thuế và các loại phí đầy đủ trong khi loại xe hợp đồng này hầu như không phải đóng thuế, phí gì với nhà nước tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh.
Trên phương diện một đơn vị kinh doanh vận tải, ông Dũng chỉ rõ, loại hình xe “ đưa đón tại nhà” đã vi phạm Điều 7 của Nghị định 10. Bộ GTVT cần nhanh chóng sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý sao cho phù hợp với tình hình hoạt động của loại xe này, công nhận loại hình vận tải này được phép hoạt động. Tuy nhiên, để có một môi trường cạnh tranh lành mạnh, cũng theo ông Dũng, cả nhà xe và bến xe cũng phải thay đổi.
Tán đồng quan điểm với ông Nguyễn Ngọc Dũng, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng cho rằng cần đưa vào quản lý loại hình “xe hợp đồng” này, không thể để loại xe này tự tung tự tác như hiện tại. Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan- đơn vị được coi là tiên phong trong lĩnh vực “xe đưa đón tại nhà” lại cho rằng sự phát triển của các loại hình dịch vụ vận tải “ phi truyền thống” là tất yếu của thời đại công nghệ 4.0, mọi người dân có quyền quyết định sử dụng loại hình dịch vụ vận tải có lợi cho họ. Do đó, khi bàn về quản lý nhà nước các vấn đề về vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định và bến xe khách cần gắn với yêu cầu đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch và tiến bộ xã hội.
Giám đốc Công ty CP Vận tải, Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng- đơn vị có số nốt chạy xe lớn nhất tại Hải Phòng- Khúc Hữu Thanh Hải cho rằng, các bến xe và doanh nghiệp vận tải phải có tiếng nói chung, phải cùng đồng hành. Cần đặt câu hỏi, tại sao các doanh nghiệp vận tải lại bỏ bến ra ngoài, phải chăng là các bến xe chưa có chất lượng dịch vụ tốt hơn để thu hút khách vào bến? Với xu thế hiện nay, không thể cấm loại hình xe vận tải hành khách hợp đồng mà cần phải có các giải pháp quản lý hữu hiệu.
Còn ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý Vận tải, phương tiện và người lái (Sở GTVT Hà Nội) nêu ý kiến, trong khi chờ các cơ quan quản lý nhà nước sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý loại hình xe hợp đồng thì bản thân các bến xe và các nhà xe cũng phải thay đổi, như tăng cường, mở rộng quảng bá hình ảnh, áp dụng công nghệ thông tin…
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bến xe tàu phà Cần Thơ nghị các cơ quan quản lý nhà nước cần có kế hoạch kiểm tra, xử lý địa điểm có “xe dù, bến cóc”, xe chạy hợp đồng trá hình, xe cá nhân không đăng ký kinh doanh, xe tuyến cố định bỏ bến ra ngoài để lập lại kỷ cương, trật tự vận tải, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, công bằng giữa các đơn vị kinh doanh vận tải và bến xe.
Ở một khía cạnh khác, ông Ngô Minh Định, Phó Trưởng phòng Quản lý Vận tải, phương tiện và người lái ( Sở GTVT tỉnh Bắc Giang) cho rằng, cần sửa đổi Nghị định 10 và định nghĩa, phân định lại các loại hình vận tải. Theo ông Định, chỉ cần quy định, phân loại 2 loại hình vận tải hành khách là theo tuyến cố định và không cố định, đồng thời siết chặt điều kiện kinh doanh vận tải.
Ông Đỗ Xuân Hoa, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam đề xuất cần có giải pháp hữu hiệu để xác định mức thuế đối với các loại xe hợp đồng; cho phép đơn vị kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định được khảo sát nhu cầu đi lại, xác định hành trình, vị trí dừng đón trả khách; có chế tài xử lý xe khách tuyến cố định bỏ tuyến chạy trái quy định; có biện pháp khai thác hiệu quả dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình, camera để phát hiện và xử lý vi phạm đối với xe hợp đồng. Đồng thời nhà nước phải quy định trách nhiệm quản lý đối với các địa phương (từ cấp xã phường trở lên) để xảy ra tình trạng “ bến cóc, xe dù” trên địa bàn.
Tại Hội thảo, ông Hoàng Anh, Phó Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, Bộ GTVT sẽ bổ sung việc sửa đổi NĐ 10 vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật 6 tháng đầu năm nay. Trước mắt, Cục Đường bộ đề xuất sửa đổi một số điều khoản trong Nghị định 10/2020/NĐ-CP về cấp phép tuyến mới, chế tài xử phạt, thời hạn phù hiệu, xe hợp đồng, lệnh vận chuyển, cự ly của tuyến.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho biết, Hiệp hội sẽ tổng hợp đầy đủ các ý kiến này để kiến nghị, đề xuất với Bộ GTVT và các cơ quan có trách nhiệm. Từ đó điều chỉnh, sửa đổi, bổ xung các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật về các biện pháp quản lý đối với xe hợp đồng, tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động vận tải để tạo môi trường kinh doanh vận tải minh bạch, bình đẳng, phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân, đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và hành khách.