Kịch bản nào cho giá dầu năm 2022?
Giá dầu trung bình năm 2022 được dự báo ở mức 75 USD/thùng nếu biến chủng Omicron được khống chế trong một vài tháng.
Nhìn lại năm 2021, giá dầu Brent từng đạt đỉnh 86 USD/thùng trong tháng 10, mức cao nhất kể từ tháng 10/2018, trong khi đầu năm giá mặt hàng này chỉ hơn 50 USD/thùng. Ước chừng, giá trung bình cả năm 2021 là 71,5 USD/thùng.
Theo báo cáo của CTCK VnDirect, sự xuất hiện của biến thể mới Omicron đã phủ bóng lên thị trường dầu thô toàn cầu vì hoạt động đi lại bị hạn chế và gây cản trở nhu cầu tiêu thụ dầu. Công ty này đưa ra ba kịch bản giả định cho giá dầu Brent trong năm 2022.
Một là, kịch bản tích cực nhất diễn ra khi biến thể Omicron không nguy hiểm như lo ngại. Do đó, vaccine hiện tại vẫn sẽ có hiệu quả với loại biến thể này và giá dầu có thể nhanh chóng phục hồi. Với kịch bản này, giá dầu sẽ ở mức trên 80 USD/thùng.
Tiếp theo, ở kịch bản cơ sở, có thể chỉ mất một vài tháng để khống chế biến thể Omicron nhờ năng lực sản xuất vaccine và tiêm chủng tốt. Nhu cầu dầu toàn cầu có thể bị ảnh hưởng trong ngắn hạn, trước khi tiếp tục phục hồi nhờ các hoạt động du lịch quốc tế ngày càng tăng. Trong trường hợp này, các chuyên gia kỳ vọng giá dầu Brent sẽ đạt mức trung bình 75 USD/thùng trong năm 2022.
Kịch bản thứ ba, trường hợp tiêu cực nhất là khi Omicron diễn biến phức tạp khiến các biện pháp hạn chế đi lại chặt chẽ hơn trên toàn thế giới, gây áp lực giảm giá dầu khi nhu cầu dầu toàn cầu sụt giảm. Khi đó, giá dầu Brent trung bình năm 2022 sẽ là 60-65 USD/thùng.
Tuy nhiên, công ty này tin rằng, biến thể Omicron sẽ được giải quyết trong vài tháng tới và giá dầu sẽ chỉ bị ảnh hưởng trong ngắn hạn trước khi quay trở lại quỹ đạo tăng giá. Do đó, VnDirect dự báo giá dầu Brent sẽ đạt mức trung bình là 75 USD/thùng trong năm 2022.
Theo nhóm nghiên cứu, nhu cầu tiếp tục phục hồi mạnh mẽ trong khi nguồn cung có thể không bắt kịp nhu cầu do các khoản đầu tư mới cho hoạt động thượng nguồn sụt giảm trong nhiều năm, gây khó khăn trong việc gia tăng sản lượng.
Nhu cầu dầu thô thế giới sẽ được thúc đẩy bởi mức tiêu thụ xăng dầu tăng mạnh và hoạt động du lịch quốc tế sôi động trở lại khi nhiều quốc gia mở lại biên giới bên cạnh động lực ngắn hạn đến từ việc chuyển đổi từ khí sang dầu trong ngành điện ở khu vực châu Á và châu Âu.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) dự báo nhu cầu toàn cầu sẽ tăng 3,3 triệu thùng/ngày lên mức trung bình 100,9 triệu thùng/ngày cho cả năm 2022, tương đương nhu cầu dầu thô trước đại dịch.
Về nguồn cung, dường như vẫn bị thắt chặt do OPEC+ thận trọng trong việc tăng sản lượng và sự phục hồi chậm của ngành dầu mỏ Mỹ. Một trong những nguyên nhân chính đến từ việc thiếu hụt các khoản đầu tư mới trong nhiều năm khiến việc tăng sản lượng khai thác dầu gặp nhiều khó khăn.
Tháng 11/2021, các nước tiêu thụ dầu lớn do Mỹ dẫn đầu đã tuyên bố giải phóng lượng dầu dự trữ chiến lược nhằm hạn chế đà tăng của giá dầu, nhưng đây chỉ là yếu tố ngắn hạn và có tác động hạn chế đến cán cân toàn cầu. Mặc dù sự phục hồi nguồn cung theo sau đà tăng giá dầu có thể đang diễn ra, các chuyên gia nhận thấy nguồn cung sẽ không tăng đủ nhanh để bắt kịp với sự phục hồi nhu cầu dầu thô toàn cầu, và điều này sẽ hỗ trợ cho giá dầu tiếp tục duy trì ở mức cao trong vài quý tới.