Chuyên mục


Khởi công cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang

29/05/2023 09:03 (GMT +7)

Chiều 28/5, tại huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khởi công xây dựng Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông có quy mô lớn nhất từ trước tới nay trên địa bàn 2 tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang.

Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) có tổng chiều dài 105 km, tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng, trong đó đoạn qua Hà Giang có chiều dài khoảng 27 km, là dự án cao tốc đầu tiên của tỉnh. 

Dự án được Chính phủ phân cấp cho tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang làm cơ quan chủ quản, thực hiện theo hình thức đầu tư công trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Dự án có quy mô 2 làn xe song phạm vi giải phóng mặt bằng theo quy mô 4 làn xe, dự kiến hoàn thành năm 2025.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang giai đoạn 1 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu thực hiện nghi thức khởi công Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang giai đoạn 1 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Dự án giai đoạn 1 hoàn thành sẽ tạo hành lang phát triển kinh tế từ trung tâm Thủ đô Hà Nội theo cao tốc Nội Bài - Lào Cai, cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ đến Hà Giang, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa ngày càng tăng cao. Đồng thời, giải quyết điểm nghẽn về giao thông liên kết vùng, nội vùng giữa  tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang.

Những năm tới, tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang sẽ được tiếp tục nghiên cứu, đầu tư giai đoạn 2 (nâng lên quy mô 4 làn xe) và đầu tư xây dựng đoạn kết nối đến cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy (Hà Giang).

Tuyến cao tốc Hà Giang - Tuyên Quang sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khu vực miền núi phía bắc nói chung, tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang nói riêng, cụ thể hóa Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Dự án càng có ý nghĩa hơn khi góp phần giải quyết điểm nghẽn lớn của Hà Giang về hạ tầng giao thông, góp phần thực hiện thành công mục tiêu mà Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII đề ra: "Đến năm 2030 Hà Giang là tỉnh có kinh tế - xã hội phát triển khá trong khu vực trung du miền núi phía bắc; đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế - xã hội trung bình khá của cả nước".

Thủ tướng yêu cầu dứt khoát hoàn thành dự án đúng tiến độ, chậm nhất là 31/12/2025; bảo đảm chất lượng; không tăng tổng mức đầu tư; không để xảy ra mất trật tự, an toàn xã hội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng yêu cầu dứt khoát hoàn thành dự án đúng tiến độ, chậm nhất là 31/12/2025; bảo đảm chất lượng; không tăng tổng mức đầu tư; không để xảy ra mất trật tự, an toàn xã hội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu tại lễ khởi công, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục xác định xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ là một trong ba đột phá chiến lược để đất nước ta phát triển nhanh, bền vững; đồng thời đặt ra mục tiêu đến năm 2030, cả nước có 5.000 km đường bộ cao tốc. Như vậy, trong giai đoạn 2021-2030, chúng ta phải đầu tư, xây dựng gần gấp 4 lần số km đường bộ cao tốc đã xây dựng trong giai đoạn 2000 – 2020.

Các tuyến cao tốc sẽ góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh, đẩy mạnh kết nối vùng, tạo không gian phát triển mới, khí thế phát triển mới cho các vùng, các địa phương, thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị mới, phát triển dịch vụ, đặc biệt là du lịch… 

Đặc biệt, phát triển hạ tầng giao thông còn giúp giảm chi phí logistics (chi phí logistics ở Việt Nam đang là khoảng 17% trong khi đó các nước trong khu vực chỉ là 12-13%, làm cho hàng hóa xuất nhập khẩu của chúng ta thiếu tính cạnh tranh).

Để đạt được mục tiêu đã đề ra, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của tất cả các cấp, các bộ ngành, các địa phương với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, hợp lý, hiệu quả; sự đồng lòng, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là các chủ đầu tư, nhà thầu tham gia các dự án hạ tầng giao thông và những người dân sinh sống, làm ăn trong khu vực dự án đi qua. 

Thủ tướng chúc mừng, đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực, phấn đấu của chính quyền các cấp của hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang, cùng các bộ ngành chức năng đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thực hiện được một khối lượng công việc lớn trong quá trình chuẩn bị dự án.

Đặc biệt, Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương sự đồng hành, chia sẻ của hàng trăm hộ dân sinh sống, làm ăn trong khu vực dự án đi qua đã ủng hộ chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, sẵn sàng nhường đất, dời nhà, chuyển đến nơi ở mới, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai dự án.

Kết quả đã đạt được là rất đáng khích lệ, tuy nhiên đây mới chỉ là bước khởi đầu. Thủ tướng yêu cầu Hà Giang và Tuyên Quang phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, bảo đảm người dân nhường đất cho dự án có nơi ở mới, có công việc mới bằng và tốt hơn ở nơi cũ.

Thủ tướng lưu ý các địa phương bảo đảm nguồn nguyên vật liệu cho các dự án, theo nguyên tắc giao trực tiếp các mỏ đất đá cho nhà thầu, không giao qua trung gian tư nhân, tránh việc găm hàng, nâng giá, đội giá, dẫn đến tiêu cực.

Thủ tướng đi thị sát công trường dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ trên địa bàn thành phố Tuyên Quang - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng đi thị sát công trường dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ trên địa bàn thành phố Tuyên Quang - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng yêu cầu dứt khoát hoàn thành dự án đúng tiến độ, chậm nhất là 31/12/2025; bảo đảm chất lượng; không tăng tổng mức đầu tư; không để xảy ra mất trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí…

Các nhà thầu phải đề cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, tích cực triển khai dự án, bảo đảm đạt tiêu chí về quản lý tiến độ - chất lượng - mỹ quan, tiết kiệm chi phí, đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ, thi công nhanh, thực hiện đúng các quy định về quản lý chất lượng công trình, bảo đảm tuyệt đối an toàn lao động và vệ sinh môi trường trong quá trình thi công, không để xảy ra tình trạng tiêu cực, tham ô, lãng phí, tiêu cực trong đấu thầu.

Thủ tướng mong muốn người dân tiếp tục ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho dự án hoàn thành, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước và địa phương, tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân.

Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp với hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang để hỗ trợ, cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tiến độ dự án bảo đảm mục tiêu chung là chất lượng, tiến độ, an toàn và hiệu quả như đã được thẩm định và phê duyệt.

Tại lễ khởi công, đại diện các nhà thầu, Tổng công ty VINACONEX cam kết sẽ nỗ lực thực hiện dự án ngay từ những ngày đầu tiên, phấn đấu hoàn thành phần việc được giao vượt tiến độ chủ đầu tư đề ra, đảm bảo chất lượng kỹ - mỹ thuật và an toàn lao động tuyệt đối, góp phần thực hiện thắng lợi một trong những dự án trọng điểm tỉnh Hà Giang và ngành giao thông.

Dự án được chia thành 3 gói thầu xây lắp với tổng giá dự toán hơn 2.582 tỷ đồng. 

VINACONEX là đơn vị trúng thầu thi công gói thầu 03-XL có tổng giá trị xây lắp gần 900 tỷ đồng, thời gian thực hiện 30 tháng.

Tối cùng ngày, Thủ tướng đi thị sát công trường dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ trên địa bàn thành phố Tuyên Quang. 

Thăm hỏi, tặng quà động viên đội ngũ cán bộ, công nhân đang thi công, Thủ tướng chỉ đạo các đơn vị tranh thủ thời tiết đang thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ, tập trung nhân lực, máy móc thiết bị, thi công "3 ca 4 kíp", bảo đảm chất lượng, kỹ mỹ thuật, vệ sinh môi trường, an toàn lao động; không được để xảy ra tiêu cực, lãng phí, kéo dài thời gian thi công, đội vốn công trình; sớm đưa tuyến cao tốc này vào vận hành.

Theo Báo Điện tử Chính phủ
Quảng Ninh: Đề xuất dùng cát biển đắp nền đường giao thông
Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh đề xuất thí điểm dùng cát biển làm nền đường các công trình giao thông trên địa bàn, nhằm đáp ứng nhu cầu cát san lấp các dự án giao thông và mặt bằng các khu công nghiệp đang thiếu nghiêm trọng hiện nay.

Hải Phòng cấm đỗ ô tô trên đường phố trung tâm
Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng vừa đưa ra sự chỉ đạo quyết liệt, từ ngày 1/4/2025, chỉ cho phép dừng, không đỗ xe ô tô trên các tuyến đường giao thông, đặc biệt là trong khu vực trung tâm thành phố.

Quảng Bình: Khởi công Dự án cải tạo đường sắt đèo Khe Nét hơn 2.000 tỷ đồng.
Ngày 22/3, tại Quảng Bình diễn ra Lễ khởi công Dự án cải tạo đường sắt khu vực Đèo Khe Nét (xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa), thuộc tuyến đường sắt Hà Nội - TPHCM.

Nhanh chóng xử lý ô nhiễm bụi đỏ của sân bay Long Thành
Thời gian gần đây, tình trạng bụi đỏ từ sân bay Long Thành bị gió cuốn phát tán, gây ảnh hưởng tầm nhìn của các phương tiện lưu thông trên cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây lại tái diễn. Bụi đỏ bay trên tuyến cao tốc, che khuất tầm nhìn của các phương tiện, gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

Bất an xe “hổ vồ” nườm nượp trên đường Bắc Sơn, Uông Bí
Tuyến đường Bắc Sơn chạy qua phường Bắc Sơn và phường Quang Trung, TP Uông Bí (Quảng Ninh) hàng ngày phải chịu cảnh từng đoàn xe “hổ vồ” chở đất đi qua gây mất ATGT và không đảm bảo vệ sinh môi trường.

Cử tri Hà Nội góp ý giải phóng mặt bằng cầu đường bộ Đuống
Bộ GTVT vừa có Công văn số 2790/BGTVT-KHĐT gửi đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội trả lời kiến nghị cử tri thành phố Hà Nội gửi tới sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV về dự án nâng cấp tuyến đường vận tải thủy sông Đuống (cầu đường bộ Đuống).

Mở rộng thí điểm sử dụng cát biển làm nền đường cao tốc
Theo Bộ GTVT, việc sử dụng đại trà vật liệu cát biển để xây dựng đường ô tô cần được tiếp tục thí điểm mở rộng ở các dự án với cấp quy mô, cấp thiết kế cao hơn, cũng như thí điểm ở các điều kiện tự nhiên, điều kiện môi trường, nguồn vật liệu cát biển khác nhau để đánh giá toàn diện.