Khó cộng thêm hệ số khi tính lương tối thiểu giờ
Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết cơ quan này vừa góp ý vào dự thảo Nghị định về tiền lương tối thiểu. Tuy nhiên, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giữ nguyên quan điểm như dự thảo đã đề xuất.
Ngày 2/6, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết cơ quan này vừa góp ý vào dự thảo Nghị định về tiền lương tối thiểu gửi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Đề xuất được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổng hợp trong công văn vừa gửi Bộ Tư pháp đề nghị thẩm định dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Theo đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về việc xây dựng Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo trình tự, thủ tục rút gọn, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã dự thảo Tờ trình Chính phủ và nghị định nêu trên, gửi lấy ý kiến các Bộ, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
Tại bảng tổng hợp ý kiến góp ý, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết có 42 đơn vị (trong đó: Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là 7 đơn vị; địa phương là 30 đơn vị; Hiệp hội doanh nghiệp là 3 đơn vị; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) góp ý. Qua đó, có 36 đơn vị có ý kiến thống nhất hoàn toàn với nội dung của dự thảo; 6 đơn vị ý kiến thống nhất và có ý kiến khác.
Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, mức đề xuất mà Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đưa ra lấy ý kiến từ 15.600 - 22.500 đồng/giờ, dự kiến áp dụng từ 1/7/2022, là quá thấp. Trong khi đó, thị trường lao động thực tế đã trả cao hơn nhiều.
Vì vậy, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị xem xét tính mức lương tối thiểu giờ có cộng thêm hệ số bổ sung để bù đắp cho người lao động. Cụ thể, cần nhân thêm hệ số 1,3 - 1,5 để bảo vệ người lao động làm việc theo giờ.
Tuy nhiên, giải trình về nội dung này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội giữ nguyên quan điểm như dự thảo đã đề xuất. Cơ quan này cho rằng, đây là loại hình lương tối thiểu được quy định mới nhằm triển khai quy định của Bộ luật Lao động năm 2019.
Về mức lương tối thiểu giờ hiện được đề xuất cho 4 vùng tương ứng, vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 2 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ, vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.
Về việc áp dụng mức lương tối thiểu, Bộ Nội vụ và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị quy định mức lương áp dụng đối với người lao động qua đào tạo cao hơn 7% so với mức lương tối thiểu như tại Nghị định số 90 của Chính phủ.
Về thời điểm áp dụng mức lương tối thiểu, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam tiếp tục đề nghị cân nhắc lùi thời gian điều chỉnh sang ngày 1/1/2023. Tuy nhiên, với cả hai nội dung này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết quan điểm là giữ nguyên như dự thảo và đã giải trình tại tờ trình trước đó.