Chuyên mục


Kéo giảm tai nạn giao thông trên 3 tiêu chí

21/09/2023 13:39 (GMT +7)

Tại cuộc họp của Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia ngày 19/9, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang yêu cầu các lực lượng chức năng quyết liệt hơn trong công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) để bảo vệ sức khỏe, sinh mạng và tài sản của nhân dân.

Theo báo cáo tại cuộc họp, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/9/2023, toàn quốc đã xảy ra 8.333 vụ TNGT, làm chết 4.763 người, bị thương 5.802 người, giảm 194 vụ (-2,28%), giảm 124 người chết (-2,54%), tăng 161 người bị thương (+2,85%), so với cùng kỳ năm 2022.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì cuộc họp của Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì cuộc họp của Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia

Các vụ tai nạn giao thông chủ yếu xảy ra trên đường bộ, với 8.237 vụ, làm chết 4.695 người, bị thương 5.777 người, giảm 184 vụ (-2,19%), giảm 94 người chết (-1,96%), tăng 158 người bị thương (+2,81%) so với cùng kỳ năm 2022.

Đáng chú ý, số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn trong các dịp cao điểm giảm sâu so với các năm trước.

Số vụ ùn, tắc giao thông trên các tuyến giao thông trọng điểm vào dịp cao điểm được kéo giảm sâu so với cùng kỳ năm 2022; tình hình vi phạm trọng tải xe, vi phạm về cơi nới thành thùng xe tại các địa phương đã được xử lý một cách căn bản.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong 9 tháng đầu năm còn những tồn tại, hạn chế như còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội; tình trạng sạt lở, lũ quét trong mùa mưa lũ làm hư hại nghiêm trọng kết cấu hạ tầng giao thông, gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

Vi phạm về hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, tuyến luồng hàng hải, đường thủy nội địa vẫn diễn biến phức tạp; còn tồn tại tình trạng xếp hàng lên xe ô tô tải không đúng quy định, khiến cho hàng hóa bị rơi xuống đường, gây mất an toàn giao thông.

Tình trạng tụ tập, điều khiển xe thành đoàn, có dấu hiệu đua xe trái phép còn xảy ra tại một số địa phương; tình hình ùn tắc giao thông tại các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM có xu hướng ngày càng phức tạp.

Nguyên nhân của những tồn tại trên là do ý thức chấp hành các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn yếu kém.

Nguồn kinh phí dành cho công tác bảo đảm an toàn giao thông còn hạn chế, nhất là kinh phí thực hiện duy tu, bảo trì, khắc phục điểm đen về TNGT trên mạng lưới kết cấu hạ tầng.

Hiệu lực thực thi pháp luật về TTATGT ở một số địa phương còn hạn chế; sự phối hợp thực hiện các nhiệm vụ bảo đảm TTATGT giữa các cơ quan, lực lượng có nơi có lúc chưa chặt chẽ, nhất là trong kiểm tra việc thực hiện quy định an toàn giao thông đối với các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ, đường thủy nội địa.

Cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương còn thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, có nơi ỷ lại hoàn toàn vào lực lượng chức năng.

Theo các ý kiến phát biểu tại cuộc họp, công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm và liên tục vi phạm kết hợp với tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng là giải pháp rất hữu hiệu, có tác dụng giáo dục, răn đe trực tiếp, làm thay đổi nhận thức của người tham gia giao thông theo hướng tốt hơn.

Thường trực Ủy ban nhấn mạnh sự cần thiết phải đưa nội dung giáo dục kỹ năng về an toàn giao thông và phòng cháy, chữa cháy vào trong nhà trường, coi đây là giải pháp mưa dầm, thấm lâu để hình thành văn hóa giao thông.

Bên cạnh các giải pháp trên, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết Bộ đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để hoàn thiện và trình Quốc hội 2 luật (Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ) để phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chức năng về bảo đảm TTATGT, quản lý tốt hơn phương tiện và người tham gia giao thông.

Hai Bộ sẽ phối hợp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để thắt chặt quản lý phương tiện giao thông, hướng đến làm sao để người tham gia giao thông "không dám" và "không muốn" vi phạm.

Bộ Giao thông vận tải sẽ tập trung phát triển mạnh kết cấu hạ tầng đường bộ. Kinh nghiệm cho thấy phát triển đường cao tốc góp phần kéo giảm tai nạn giao thông, giảm xung đột các phương tiện trong quá trình lưu thông.

Bộ Giao thông vận tải cũng sẽ tái cơ cấu lại thị trường vận tải, theo hướng giảm tỉ trọng vận tải hành khách bằng đường bộ (đang chiếm gần 91%) và vận tải hàng hóa (đang chiếm gần 73%).

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao những kết quả đạt được trong việc kéo giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí. Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu các lực lượng chức năng quyết liệt hơn trong việc tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm TTATGT vì thực tiễn cho thấy cứ "làm quyết liệt là chúng ta thắng".

Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định hiện hành về TTATGT; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý; hoàn tất việc xây dựng các quy hoạch ngành, quy hoạch của các địa phương còn lại theo quy định. Đồng thời, cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải nghiên cứu để luật hóa việc đánh giá tác động của các công trình hạ tầng xã hội đối với giao thông đô thị để tránh tình trạng ùn tắc giao thông ở các đô thị.

Về công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng, Phó Thủ tướng cho đây vẫn là khâu yếu nhất, do đó cần xây dựng quy chế phối hợp thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể.

Báo Chính phủ
Dừng phân luồng, điều tiết giao thông qua cầu Hồ
Khu Quản lý Đường bộ I (Cục Đường bộ Việt Nam) vừa quyết định dừng thực hiện phân luồng, điều tiết giao thông qua cầu Hồ Km12+963 QL.38, tỉnh Bắc Ninh.

TT.Huế: Đánh giá mức an toàn các cây cầu
Ngày 13/9, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Khu Quản lý Đường bộ II tổ chức kiểm tra tổng thể mố trụ các cầu trên địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo an toàn cho các cầu, giao thông, người và phương tiện lưu thông trước mùa mưa bão.

Dỡ lệnh cấm qua cầu Long Biên, cầu Đuống
Từ 15h chiều ngày 13/9, người và phương tiện đã có thể lưu thông trở lại bình thường trên cầu Long Biên và cầu Đuống sau khi Hà Nội khôi phục lại phương án tổ chức giao thông khi nước sông rút.

Quảng Bình: Công an TP. Đồng Hới tăng cường kiểm tra xe tự lắp ráp
Trước thực trạng nhiều xe ba bánh, bốn bánh tự sản xuất lắp ráp, không bảo đảm an toàn, được sử dụng để chở hàng hóa cồng kềnh tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn, Công an TP. Đồng Hới đã tăng cường kiểm tra, xử lý.

TP.HCM kiểm tra cầu Sài Gòn, Bình Triệu 1 và Tân Thuận 1
Để tránh sự cố sập cầu, hầm đường bộ, Sở GTVT TP.HCM vừa đề nghị các đơn vị liên quan kiểm tra toàn bộ các công trình trong mùa mưa bão. Đặc biệt với các cầu sắt cũ, lâu năm như cầu Tân Thuận 1, cầu Sài Gòn, cầu Bình Triệu 1, cầu Bình Phước 1, cầu Vàm Sát (cũ)…

Phát hiện hai thi thể trong tàu chìm sau bão số 3
Sáng ngày 11/9, Tàu 285 của Lữ đoàn 170, Vùng 1 Hải quân đã đưa được thi thể hai nạn nhân mắc kẹt trong con tàu chìm ở Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) về Cảng quốc tế Tuần Châu, bàn giao cho địa phương.

Đóng cầu Long Biên
Chiều 10/9, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội vừa phát đi thông báo cấm tất cả phương tiện qua cầu Long Biên bắt đầu từ 15h ngày 10/9/2024 đến khi có thông báo thay thế.