Chuyên mục


Xem xét khả năng giải ngân mới đề xuất dự án đầu tư

19/09/2023 14:39 (GMT +7)

Đối với các dự án đầu tư công trong tương lai, các bộ, cơ quan phải xem xét thấu đáo những điều kiện, khả năng giải ngân để tránh tình trạng đưa vào kế hoạch nhưng nhiều năm không giải ngân được và phải trả lại vốn.

Chiều 18/9, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Tổ trưởng Tổ công tác số 3, chủ trì họp rà soát tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại 17 bộ, cơ quan Trung ương thuộc Tổ công tác.

Theo Báo cáo của Bộ KH&ĐT, tổng kế hoạch vốn đầu tư năm 2023 được Quốc hội giao là hơn 711.684 tỷ đồng, bao gồm gần 43.000 tỷ đồng cho 17 bộ, cơ quan Trung ương thuộc Tổ công tác số 3.

Tính đến ngày 31/8/2023, tỉ lệ giải ngân của 17 bộ, cơ quan Trung ương thuộc Tổ công tác số 3 đạt 44,12% kế hoạch Thủ tướng giao, cao hơn mức trung bình của cả nước là 42,35%.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Tổ trưởng Tổ công tác số 3, chủ trì họp rà soát tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại 17 bộ, cơ quan Trung ương thuộc Tổ công tác - Ảnh: VGP/Hải Minh

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Tổ trưởng Tổ công tác số 3, chủ trì họp rà soát tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại 17 bộ, cơ quan Trung ương thuộc Tổ công tác - Ảnh: VGP/Hải Minh

Trong số 17 bộ, cơ quan Trung ương thuộc Tổ công tác, có 4 bộ, cơ quan Trung ương giải ngân cao hơn mức trung bình của cả nước, gồm Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh (58,49%), Bộ Quốc phòng (50%), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (48,2%) và Hội Nông dân Việt Nam (48,16%). Một số bộ, ngành còn lại có mức giải ngân dưới 10% hoặc chưa giải ngân.

Các bộ, cơ quan phản ánh, một số dự án chậm đều là các dự án mới, dự án mua sắm thiết bị chuyên dùng, dự án xây dựng trụ sở cơ quan của các bộ, ngành ở địa phương, các dự án công nghệ thông tin… phải thực hiện nhiều quy trình, thủ tục, nên đòi hỏi cần có thời gian.

Đặc biệt, có những dự án nhiều năm chưa triển khai được do nguyên nhân chủ quan từ đơn vị chủ đầu tư chưa chuẩn bị kỹ lưỡng nên lúc bắt tay vào triển khai gặp nhiều vướng mắc.

Các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an chia sẻ nhiều kinh nghiệm về quản lý đầu tư công: Phân công một thứ trưởng phụ trách trực tiếp công tác xây dựng cơ bản; giao các đơn vị có năng lực, kinh nghiệm tham gia quản lý đầu tư; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý số liệu giải ngân theo thời gian thực; giao ban định kỳ hằng tháng với tất cả các chủ đầu tư, nhà thầu; phân loại từng nhóm dự án để có phương án xử lý vướng mắc; thực hiện việc kiểm điểm, đánh giá tiến độ hằng tháng.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung đề nghị các bộ, cơ quan khi làm dự án phải lưu ý tuân thủ 3 quy hoạch, gồm quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết; chú trọng ưu tiên bố trí vốn để chuẩn bị đầu tư.

Thứ trưởng Đỗ Thành Chung cho biết mới đây, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết cho phép điều vốn giữa các nhiệm vụ, dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội với các nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để tăng tiến độ giải ngân. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản hướng dẫn, trong đó quy định rõ trình tự, thủ tục thực hiện nội dung này.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh tiến độ giải ngân đầu tư công có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.

Phó Thủ tướng đánh giá cao những bước tiến tích cực của các bộ, cơ quan kể từ phiên họp của Tổ công tác tháng 4/2023, cũng như khả năng hoàn thành nhiệm vụ giải ngân đến cuối năm, nhất là các bộ, cơ quan có được phân bổ số lượng vốn đầu tư công lớn.

Về nhiệm vụ những tháng cuối năm, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan phải tích cực cố gắng quyết liệt hơn; lập kế hoạch chi tiết thực hiện các dự án đầu tư, trong đó phân định rõ trách nhiệm của người đứng đầu; lựa chọn tư vấn có đủ năng lực, nhất là đối với các bộ, ngành không có cơ quan chuyên trách về đầu tư để tránh sai sót, mất cán bộ; thực hiện nghiêm việc báo cáo tiến độ giải ngân hằng tháng về Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Chính phủ.

Phó Thủ tướng lưu ý đối với các dự án đầu tư công trong tương lai, các bộ, cơ quan phải xem xét thấu đáo những điều kiện, khả năng giải ngân, nhất là về giải phóng mặt bằng, đền bù, quy hoạch…, tránh tình trạng đưa vào kế hoạch nhưng nhiều năm không giải ngân được và phải trả lại vốn.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh ông sẽ theo dõi chặt chẽ việc các bộ, cơ quan trả lại vốn chỉ với mục đích để làm đẹp tỉ lệ giải ngân của bộ, cơ quan mình; nếu bộ, cơ quan nào làm như vậy thì coi như không hoàn thành nhiệm vụ.

Phó Thủ tướng đề nghị trong quá trình thực hiện các công trình, dự án đầu tư công, các bộ, cơ quan gặp khó khăn, vướng mắc thì phản ánh kịp thời về Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp cùng các tổ công tác khác để có giải pháp tháo gỡ.

Tổ công tác số 3 là một trong 5 tổ công tác được thành lập theo Quyết định số 235/QĐ-TTg ngày 14/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ nhằm kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.

Tổ công tác có nhiệm vụ kiểm tra 17 Bộ, cơ quan: Văn phòng Trung ương Đảng, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ, Ủy ban Dân tộc, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam; và 13 địa phương: TP. Hải Phòng, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Bắc Giang, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên.

Theo Báo Điện tử Chính phủ
Đề xuất nâng cấp 3 tuyến quốc lộ kết nối với Lào, Trung Quốc
Theo đề xuất của Cục Đường bộ Việt Nam, tổng mức đầu tư dự án nâng cấp, cải tạo các tuyến quốc lộ kết nối Việt Nam với Bắc Lào và Trung Quốc dự kiến khoảng 9.419 tỷ đồng.

Hải Phòng sẽ có thêm cảng nước sâu Nam Đồ Sơn
UBND thành phố Hải Phòng và các doanh nghiệp Việt Nam gồm: Saigontel, Kinh Bắc, ECV vừa ký kết ghi nhớ hợp tác với cảng Quốc tế Los Angelesc, Hoa Kỳ về việc nghiên cứu phát triển dự án Cảng tổng hợp Nam Đồ Sơn.

Đề xuất làm cao tốc Nha Trang - Liên Khương
Cao tốc sẽ có 4 làn xe, rộng 17 m, bố trí làn khẩn cấp, tốc độ 80 - 100 km/h. Trong đó, 48 km trên tuyến thuộc tỉnh Khánh Hoà, 55km còn lại đi qua Lâm Đồng.

Đầu tư 65.000 tỷ đồng làm thêm đường sắt đô thị
Tuyến số 5, Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc được xây dựng theo tiêu chuẩn đường đôi khổ 1.435mm, dài 38,43 km với 21 nhà ga.

Xây dựng cầu Bến Thủy 3 nối hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh
Dự án đầu tư xây dựng cầu Bến Thủy 3 là một trong những dự án được ưu tiên đầu tư từ nguồn vốn ngân sách trong thời gian tới theo Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vừa được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định phê duyệt.

Đầu tư thêm cho cầu Rạch Miễu 2
Theo điều chỉnh, cầu Rạch Miễu 2 có tổng chiều dài tuyến khoảng 17,6 km, thời gian thực hiện dự án từ năm 2021 - 2026; tổng mức đầu tư dự án là 6.810,11 tỷ đồng, tăng 1.600 tỷ đồng so với hồi cuối năm 2020.

37.000 tỷ đồng làm 5 dự án BOT
Trong đó, có 4 dự án sẽ được triển khai theo hợp đồng BOT với phương án doanh nghiệp tham gia 46-50% vốn, phần còn lại ngân sách đầu tư. Riêng dự án xây cầu đường Bình Tiên sẽ được bố trí ngân sách với tỷ lệ 54%, phần còn lại là vốn doanh nghiệp.