Hải Dương: Phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030
Hiện nay, toàn tỉnh Hải Dương đang ra sức thi đua, nỗ lực phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030, tạo nền tảng sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII.
Sáng nay (18/10), Hải Dương long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 220 năm khởi lập Thành Đông (1804 - 2024), 70 năm ngày giải phóng thành phố Hải Dương (30/10/1954 - 30/10/2024) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
“Phên dậu phía Đông” của Kinh thành Thăng Long
Từng được mệnh danh là “Phên dậu phía Đông” che chắn thành Thăng Long, hơn 2 thế kỷ, trải qua 5 lần đổi thay danh xưng, tên gọi và địa giới hành chính, mảnh đất Thành Đông xưa chính thức mang tên thành phố Hải Dương hôm nay.
Theo sử sách ghi lại, tên gọi Hải Dương xuất hiện từ thời Lê (năm 1469) với hàm ý “ánh sáng từ miền duyên hải chiếu về”. Ba thế kỷ sau, vào năm 1804 triều đình nhà Nguyễn phân chia lại địa giới hành chính trong cả nước. Lỵ sở Hải Dương khi ấy đang ở Mao Điền đã được dời về tổng Hàn Giang, đặt trên vùng đất cao thuộc ngã ba sông Thái Bình và sông Kẻ Sặt (địa phận của 3 xã là Hàn Giang, Hàn Thượng và Bình Lao).
Tổng đốc Hải Dương thời ấy là Trần Công Hiến cho khởi công xây dựng tòa thành, làm trụ sở hành chính và đồn trú quân sự, gọi là Thành Đông - một trong 4 thành trong “Thăng Long tứ trấn”.
Thành Đông ban đầu không có dân, chỉ có giới chức quan lại và quân lính. Mãi đến năm 1866, Đông Kiều phố cùng nhiều phố nghề khác như hàng Giày, hàng Đồng, hàng Bạc, hàng Lọng… mới ra đời. Trong đó, phải kể đến phố Hàng Lọng là biểu tượng cho nền giáo dục của xứ Đông, nơi vinh danh những sĩ tử đỗ đạt cao, được triều đình nhà Nguyễn cho ân huệ “vinh quy bái tổ”.
Năm 1889, Thành Đông bị thực dân Pháp phá bỏ để lấy mặt bằng xây dựng nhà máy rượu và vài tòa dinh thự của người Pháp nay đã thành phế tích. Năm 1923, Toàn quyền Đông Dương quyết định thành lập thành phố Hải Dương, không gian được chia thành hai khu vực rõ rệt: Khu hành chính - nằm ven sông Sặt và Khu kinh tế - từ nhà máy rượu đến nhà ga xe lửa. Một số tòa công sở và dinh thự mang kiến trúc Pháp xây dựng từ năm ấy, hiện nay vẫn còn được chính quyền cách mạng tôn tạo sử dụng, như dinh Công sứ, dinh Phó sứ, Sở Lục bộ, nhà Séc-tây, Kho bạc… dấu tích của một thời lịch sử.
Với vị trí thuận lợi về giao thông và phát triển kinh tế, văn hóa…, từ ấy cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Nam Định, Hải Dương đã trở thành một trong bốn thành phố quan trọng bậc nhất của Bắc Kỳ.
Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam độc lập ra đời nhưng năm 1946, thực dân Pháp trở lại xâm lược và Hải Dương thành vùng tạm chiếm. Tháng 3/1947, nhà cầm quyền Pháp chia thành phố ra 2 quận và cuối cùng chuyển thành “thị xã”. Người dân thị xã Hải Dương vẫn kiên cường bám đất, phố phường, làng quê, rút vào hoạt động bí mật để bảo toàn lực lượng… Sau 8 năm kháng chiến, đất trời thị xã bỗng vỡ òa trong khúc hát khải hoàn, chào mừng Đoàn quân chiến thắng trở về giải phóng quê hương.
Ôn lại những dấu mốc quan trọng về chặng đường lịch sử gian khó, hào hùng và truyền thống anh dũng, vẻ vang của TP Hải Dương qua từng thời kỳ, ông Lê Đình Long - Bí thư Thành ủy Hải Dương xúc động: “Chúng ta mãi mãi không bao giờ quên thời khắc lịch sử, 8 giờ 17 phút ngày 30/10/1954, khi hồi còi vang lên trên nóc rạp chiếu bóng Hoà Bình cũng là lúc báo hiệu thị xã Hải Dương đã sạch bóng quân viễn chinh Pháp. Chúng ta cũng khắc ghi vào 13 giờ cùng ngày 30/10/1954, đoàn quân giải phóng tiến vào tiếp quản, thị xã Hải Dương của chúng ta được hoàn toàn giải phóng. Kể từ ngày đó, Hải Dương tham gia cùng cả nước bước vào thời kỳ mới, khôi phục và phát triển kinh tế, thực hiện Hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà”.
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, nhân dân thị xã hăng hái thi đua lao động sản xuất, xây dựng hậu phương vững chắc, dốc sức chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam với tinh thần:“Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Từ thành phố này, hàng nghìn người con ưu tú đã tham gia bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, thanh niên xung phong, dân quân du kích, dân công hỏa tuyến, phục vụ kháng chiến, đã cống hiến xương máu, hy sinh để giành độc lập cho Tổ quốc, thống nhất đất nước.
Trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030
Hơn 2 thế kỷ khởi lập Thành Đông và 70 năm giải phóng thành phố Hải Dương là những dấu son còn mãi của Thành phố Hải Dương cho tới ngày nay khi 4 lần đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Tất cả đã truyền động lực, quyết tâm cho thành phố này xây dựng và trưởng thành vững mạnh.
Đặc biệt, trong sự nghiệp đổi mới, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp giúp đỡ của các Sở, ban ngành, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hải Dương đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng, vượt qua khó khăn, thử thách; khai thác tiềm năng, thế mạnh; chủ động đổi mới, tranh thủ thời cơ; ra sức thi đua đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; quốc phòng - an ninh; đối ngoại mở rộng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh.
Trong 10 năm, từ 2009 đến 2019, thành phố Hải Dương đã được nâng cấp từ đô thị loại II lên đô thị loại I (trở thành 1 trong 16 đô thị loại I của cả nước); mở rộng địa giới hành chính lên gấp hơn 1,5 lần, đạt tỷ lệ đô thị hóa 100%. Từ một "Thị xã nhỏ bé, khó khăn", một “thành phố đi qua”, Hải Dương đã chuyển mình mạnh mẽ trở thành một địa phương phát triển năng động, một đô thị có hạ tầng tương đối đồng bộ, văn minh, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa, hướng tới kinh tế tri thức và đô thị thông minh, có hoạt động kinh tế sôi động, đời sống nhân dân ở mức cao.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng cho hay, toàn tỉnh Hải Dương đang nỗ lực phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030, tạo nền tảng sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVII. Trong đó, xác định Thành phố Hải Dương là đô thị hạt nhân của đô thị lõi, là đô thị trung tâm và là một cực tăng trưởng vùng, đảm bảo liên kết, thúc đẩy phát triển giữa các chùm, chuỗi đô thị trong tỉnh và vùng thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng Sông Hồng.
Ông Trần Đức Thắng khẳng định, hành trình xây dựng, phát triển Thành phố Hải Dương đang mở ra những cơ hội lớn đan xen những khó khăn, thách thức trong xu thế hội nhập. Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương yêu cầu Thành phố Hải Dương cần nhận thức sâu sắc vai trò, vị thế “đầu tầu, bứt phá, động lực” của Thành phố trong tiến trình xây dựng và phát triển tỉnh Hải Dương. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ XVII, xây dựng thành phố Hải Dương xanh, thông minh, hiện đại, hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại I.
Bên cạnh đó, tập trung thực hiện đồng bộ Quy hoạch chung thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để mở rộng không gian đô thị, hệ thống các trung tâm lớn (hành chính chính trị, trung tâm thể dục thể thao, công viên cây xanh, dịch vụ - sản xuất công nghiệp…) và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cảnh quan môi trường…
“Tôi yêu cầu Thành phố tập trung huy động tối đa các nguồn lực, nâng cao chất lượng đô thị gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa. Thành phố cần phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, thân thiện của người Thành Đông, quan tâm phát triển nhà ở cho người dân, nhất là nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp và kết nối hạ tầng đô thị tạo sự phát triển chung cho tỉnh Hải Dương. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút đầu tư, tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ, du lịch, văn hóa. Xây dựng Hải Dương trở thành một đô thị thông minh, hiện đại, thành phố đáng sống, thân thiện, là đô thị vệ tinh, trọng điểm gắn kết vùng Thủ đô theo đúng định hướng phát triển: là đô thị trung tâm cấp vùng, phát triển công nghiệp nhẹ, kỹ thuật cao và hỗ trợ phát triển các loại công nghiệp chế biến của vùng đồng bằng phía Nam, Đông Nam đồng bằng sông Hồng”, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương nhấn mạnh.