Hà Tĩnh: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đứng thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ
Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm của Hà Tĩnh ước tăng so với cùng kỳ năm 2023, đứng thứ 20 cả nước và thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ (sau Thanh Hóa).
Theo thông tin từ báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024 của tỉnh Hà Tĩnh vừa đưa ra mới đây cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng bình quân chung cả nước (cả nước tăng tăng 6,42%), đứng thứ 20 cả nước, thứ 2 khu vực Bắc Trung bộ (sau tỉnh Thanh Hóa). Thu ngân sách nhà nước đạt 7.048,80 tỷ đồng, tăng 7,03% so với cùng kỳ.
Về tình hình sản xuất công nghiệp, trong 6 tháng đầu năm 2024, mặc dù sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có nhiều dấu hiệu tích cực, khi có 3/4 nhóm ngành công nghiệp cấp 1 đều ghi nhận mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên, do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, nhất là vào thời điểm đầu tháng 4 năm 2024, xưởng cán nóng đại tu sửa, dây chuyền sản xuất thép dừng sản xuất; thị phần bán nội địa giảm, thị trường quốc tế gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp Formosa Hà Tĩnh do đó sản lượng thép sản xuất giảm mạnh so cùng kỳ năm 2023. Vì vậy, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Thông tin từ Cục Thống kê Hà Tĩnh, tính chung 6 tháng đầu năm 2024 tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội ước đạt 25.051,41 tỷ đồng, tăng 15,94% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó: Vốn nhà nước trên địa bàn ước đạt 7.586,76 tỷ đồng, tăng 79,12% nhờ các dự án trọng điểm Trung ương triển khai trên địa bàn như cao tốc bắc-nam, đường dây 500kV; vốn đầu tư ngoài nhà nước ước đạt 7.766,56 tỷ đồng, giảm 16,19% do hoạt động đầu tư từ khu vực doanh nghiệp còn khó khăn; vốn đầu tư thực hiện khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 9.896,1 tỷ đồng, tăng 19,65% nhờ một số dự án lớn như nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II, Nhà máy Pin Lithium.
Một số dự án quy mô lớn được chấp thuận trong năm 2024 như: Dự án đường dây 500KV Vũng Áng - rẽ Hà Tĩnh - Đà Nẵng (mạch 3,4) (Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia) với quy mô diện tích hơn 61 ha, tổng vốn đăng ký hơn 673 tỷ đồng; Khu dân cư tại xã Phú Phong (huyện Hương Khê) với quy mô diện tích 9,83 ha, tổng vốn đăng ký hơn 154 tỷ đồng; Nhà máy Sản xuất ván ép xuất khẩu (huyện Nghi Xuân) của Công ty TNHH SX&TM Wintech với quy mô diện tích 4,32 ha, tổng vốn đăng ký hơn 125 tỷ đồng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, nhiều dự án lớn từ các năm trước đang tiếp tục được tỉnh đôn đốc triển khai thực hiện như: Dự án nhà máy sản xuất Lithium (6.500 tỷ đồng); nhà máy luyện gang thép do Công ty cổ phần gang thép Vũng Áng đầu tư bước đầu chuẩn bị mặt bằng, tổng mức dự án là 2.200 tỷ đồng, dự kiến đi vào hoạt động đầu năm 2025; dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2; dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Bắc Thạch Hà đã triển khai giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư 1.555 tỷ đồng. Đây là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian tới.
Thời gian tới, Hà Tĩnh tiếp tục tập trung chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến hồ sơ, thủ tục; triển khai các giải pháp đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, kịp thời thông tin, tháo gỡ các khó khăn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Hiện toàn tỉnh có 528 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với vốn đăng ký hơn 3.000 tỷ đồng.