Giá thép lao dốc không dừng
Giá thép xây dựng trong nước tiếp tục được điều chỉnh giảm thêm từ 100 đồng/kg – 450 đồng/kg. Chỉ trong vòng 5 ngày, từ 22/7 – 27/7 giá thép đã có 2 đợt giảm giá liên tiếp.
Từ giữa tháng 5/2022 đến nay, thép xây dựng đã có lần thứ 11 giảm giá liên tiếp. Hiện, giá thép xoay quanh mức 14.850 đồng/kg – 16.700 đồng/kg (tùy từng thương hiệu và loại thép). Trong đợt điều chỉnh ngày 27/7, thương hiệu thép Việt Mỹ có mức giảm mạnh nhất. Thương hiệu thép Hòa Phát tại miền Bắc giảm 310 đồng/kg đối với thép cuộn CB240, xuống mức 15.380 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 hiện có giá 16.240 đồng/kg, giảm 150 đồng/kg.
Tại miền Trung, thép cuộn CB240 giảm 310 đồng/kg, xuống mức 15.580 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 giảm 160 đồng/kg, xuống ở mức 16.340 đồng/kg. Tại miền Nam, thép cuộn CB240 giảm 310 đồng/kg, hiện ở mức 15.480 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 giảm 150 đồng, xuống mức 16.140 đồng/kg.
Thép Việt Mỹ tại miền Bắc, giá thép cuộn CB240 giảm 450 đồng/kg, xuống mức 14.850 đồng/kg; thép thanh vằn D10 CB300 giảm 360 đồng/kg, hiện có giá 15.400 đồng/kg.
Còn tại miền Trung, Việt Mỹ điều chỉnh giảm 300 đồng/kg đối với thép cuộn CB240 và giảm 200 đồng/kg với thép thanh vằn D10 CB300. Hiện mức giá lần lượt của hai sản phẩm này là 15.250 đồng/kg và 15.710 đồng/kg. Tại miền Nam, trong khi giá thép cuộn CB240 được điều chỉnh tăng 50 đồng/kg, lên mức 15.450 đồng/kg, thì thép thanh vằn D10 CB300 giảm 160 đồng/kg, xuống mức 15.500 đồng/kg.
Nguyên nhân giá thép liên tục giảm trong thời gian qua là do trong tháng 5 và tháng 6, giá nguyên liệu đầu vào giảm, cùng với đó nguồn cung dồi dào, hàng tồn kho còn nhiều. Tính đến hết tháng 5/2022, lượng thép tồn kho nội địa đã đạt mức kỷ lục là 1,49 triệu tấn. Việc lượng hàng tồn kho tăng cao đã khiến các công ty thép buộc hạ giá bán nhằm kích cầu.
Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng sẽ tiếp tục giảm, bởi từ tháng 7 đến tháng 9 là thời điểm mưa nhiều, ảnh hưởng đến tiến độ các công trình xây dựng. Nhu cầu thép xây dựng vốn đang ở mức thấp lại thêm tác động của thời tiết xấu sẽ tác động đến tình hình tiêu thụ thép trong quý 3/2022.
4 rủi ro mà ngành thép có thể phải đối mặt từ nay đến cuối năm
Trong báo cáo về triển vọng ngành thép và tôn mạ 6 tháng cuối năm 2022, Công ty Cổ Phần Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) đưa ra nhận định, ngành bất động sản sẽ khó hồi phục như kỳ vọng do các chính sách kiểm soát tín dụng bất động sản, và ngành thép cũng sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp về sản lượng.
Nhu cầu ngành thép vốn liên quan trực tiếp đến ngành bất động sản. Với việc dòng vốn cho thị trường bất động sản bị kiểm soát, MASVN cho rằng ngành bất động sản trong vòng 12 tháng tới sẽ khó khăn.
Dự báo cho cả năm 2022, sản lượng thép toàn ngành sẽ đạt 27,76 triệu tấn, giảm 10% so với năm 2021; trong đó, sản lượng thép tiêu thụ nội địa chỉ đạt 20,1 triệu tấn, giảm 13,6%, và sản lượng xuất khẩu đạt mức 7,6 triệu tấn, tăng 1%.
Thứ nhất, biến động giá nguyên vật liệu liệu. Ngành thép và tôn mạ có rủi ro lớn do chi phí nguyên liệu chiếm 65-75% giá thành sản xuất. Đặc biệt trong ngành tôn mạ, giá thép tấm cuộn cán nóng (HRC) chiếm hơn 80% chi phí nguyên liệu đầu vào, khiến lợi nhuận của cả ngành biến động rất lớn theo HRC.
Thứ hai, rủi ro về lạm phát khiến nhu cầu xây dựng giảm. Từ quý 3/2021, việc giá than tăng cao đã trực tiếp gây áp lực tăng giá lên toàn bộ ngành vật liệu xây dựng và nhiên liệu. MASVN đánh giá trường hợp các loại vật liệu xây dựng không điều chỉnh, trong 6 tháng cuối 2022, diện tích sàn xây dựng có thể suy giảm từ 3-5% so với cùng kỳ.
Thứ ba, rủi ro về các nhà sản xuất Trung Quốc tăng cường xuất khẩu. Trong 4 tháng đầu năm 2022, các nhà sản xuất Trung Quốc do ảnh hưởng của lệnh hạn chế khí CO2 và giãn cách xã hội nên chỉ xuất khẩu 18,2 triệu tấn, giảm 29% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong trường hợp 6 tháng cuối năm, các nhà sản xuất ở Trung Quốc hoạt động lại bình thường, thị trường thép có thể đối diện với nhiều khó khăn hơn khi các sản phẩm từ Trung Quốc thường có giá cạnh tranh hơn nhờ ưu thế về quy mô sản xuất
Thứ tư, rủi ro về chính sách. Nghị định 101/2021/NĐ-CP thông qua chủ trương tăng thuế xuất khẩu mặt hàng phôi thép nếu trong trường hợp giá thép tăng quá cao nhằm góp phần ổn định nguồn cung phôi thép, hạn chế việc xuất khẩu phôi thép để giữ lại cho sản xuất trong nước, bảo đảm sự phát triển bền vững của ngành thép trong dài hạn.