Giá chung cư tăng mạnh
Thời gian gần đây, giá nhà chung tại TP. Hà Nội và TPHCM liên tục tăng mạnh làm cho giấc mơ có nhà của nhiều người càng trở nên xa vời.
Theo các chuyên gia, một trong các giải pháp là sớm thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với đất khác.
Vì sao giá chung cư ‘tăng phi mã’?
TS. Trần Minh Sơn (Bộ Tư pháp), Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài thương mại quốc tế Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (PACC)
Trong những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, giá chung cư tăng mạnh, đặc biệt tại thị trường Hà Nội, TPHCM giá chung cư "tăng dựng đứng", cao nhất trong lịch sử giá chung cư trong thời gian qua.
Theo nghiên cứu của NetCredit về thị trường bất động sản tại Hà Nội cho thấy, thành phố đang nằm trong top 10 thủ đô trên thế giới có giá nhà cao so với thu nhập bình quân người dân năm 2023. Giá nhà chung cư nội thành tăng đột ngột 77% trong năm qua, tương đương với 45 năm thu nhập bình quân của người lao động.
Bước sang năm 2024, TP. Hà Nội vẫn thuộc nhóm các thủ đô khó mua nhà nhất thế giới. Thị trường TPHCM ghi nhận sản phẩm chung cư One Central Saigon tại quận 1 của Tập đoàn Masterise Homes có giá bán 530 triệu/m2, đứng đầu Top 5 căn hộ có giá bán cao nhất TPHCM, tức là để sở hữu 1 căn chung cư 03 phòng ngủ khoảng 130m2 ở đây, người mua phải chi gần 70 tỷ đồng.
Nhìn nhận về việc giá chung cư tăng mạnh trong thời gian gần đây, trao đổi với TS. Trần Minh Sơn (Bộ Tư pháp), Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài thương mại quốc tế Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (PACC) phân tích: Có nhiều nguyên nhân như nguồn cung khan hiếm, đặc biệt là các căn hộ giá rẻ, bình dân thiếu hụt khiến giá chung cư liên tục tăng cao, cộng với đó là việc tăng chi phí đầu vào từ vật liệu, nhân công, đến giá đất… trong khi đó nhu cầu về nhà ở của người dân ở các đô thị lớn vẫn rất cao, công tác chuẩn bị đầu tư các dự án bất động sản kéo dài, nhiều dự án bị đình trệ do vướng mắc pháp lý.
Để giải quyết vấn đề này, theo TS. Trần Minh Sơn cần có các giải pháp căn cơ, trong đó có việc cần xử lý các vướng mắc pháp lý liên quan đến các dự án nhằm đảm bảo các dự án hiện đang vướng mắc có thể được triển khai nhằm tăng cường nguồn cung cho thị trường và sớm thí điểm thực hiện Dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với đất khác.
Trong đó, có việc thí điểm thực hiện nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với đất khác nhằm khẩn trương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Báo cáo số 729/BC-UBTVQH15 ngày 17/01/2024 trong đó quy định về "Trường hợp cần thiết, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, xây dựng đề án thí điểm trình cấp có thẩm quyền để trình Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết cho phép thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất khác quy định của Luật".
Việc thí điểm trên căn cứ vào Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/06/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về "tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" đã xác định nhiệm vụ, giải pháp "Tiếp tục thực hiện cơ chế tự thoả thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại" và phù hợp với ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Báo cáo số 729/BC-UBTVQH15 nêu trên.
Đồng thời, nhằm chuẩn bị cho việc triển khai Luật Đất đai năm 2024 vừa được Quốc hội thông qua, khắc phục hạn chế việc nhà đầu tư chỉ được thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với 01 trường hợp "đất ở", hoặc nhà đầu tư đang có quyền sử dụng đất đối với 02 trường hợp "đất ở" hoặc "đất ở và đất khác" thì được sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại.
Bởi lẽ, việc sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển KT-XH thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất là cơ chế chuyển dịch đất đai tự nguyện bên cạnh cơ chế Nhà nước "thu hồi đất để phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng" để "phát triển, quản lý và khai thác quỹ đất", tạo quỹ đất để thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất đã được hình thành trong hệ thống pháp luật đất đai (từ Luật Đất đai năm 1993 và tiếp tục duy trì cho đến nay).
Cơ chế này có ưu điểm rút ngắn thời gian bàn giao đất từ người sử dụng đất sang nhà đầu tư nếu đạt được sự đồng thuận; bảo đảm sự chia sẻ quyền lợi thỏa đáng giữa nhà đầu tư và người sử dụng đất và lợi ích công cộng do Nhà nước là đại diện, được tính đến trong hệ thống thuế về bất động sản và các quy định về chi ngân sách nhà nước của các cấp hành chính; trên cơ sở giải quyết tốt bài toán chia sẻ lợi ích, hài hòa lợi ích giữa người sử dụng đất và nhà đầu tư.
Đồng thời, tạo điều kiện để giảm đi đáng kể tình trạng khiếu kiện của người bị ảnh hưởng do chuyển dịch đất đai, tạo ổn định xã hội trong quá trình phát triển kinh tế; giảm đáng kể chi phí, nhân lực của bộ máy hành chính và hạn chế được tiêu cực, nhũng nhiễu khi Nhà nước thực hiện thu hồi đất.
Hơn nữa, nếu chỉ cho phép nhà đầu tư được thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với "đất ở" thì sẽ không thể có quỹ "đất ở" đủ lớn để đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô lớn để có đầy đủ kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ và các tiện ích, dịch vụ đô thị phục vụ cư dân và khách vãng lai, bởi lẽ thửa đất ở lớn nhất theo quy định của pháp luật đất đai về hạn mức giao đất ở không quá 400 m2 (quy định tại Luật Đất đai 1987), còn các thửa đất ở hiện hữu có diện tích lớn nhất tại các đô thị cũng chỉ khoảng vài ngàn mét vuông, điển hình là biệt thự cổ 110-112 Võ Văn Tần, Quận 3, TPHCM có 3 mặt tiền đường cũng chỉ có diện tích hơn 2.700 m2.
Do vậy, việc sớm xây dựng dự thảo Đề án thí điểm trình Chính phủ để trình Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết cho phép thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất khác là rất cần thiết và còn có tính "kế thừa" các quy định phù hợp pháp luật và thực tiễn của Luật Đất đai năm 2013, đồng thời sẽ là giải pháp quan trọng để tăng nguồn cung cho thị trường bất động sản ở Việt Nam, tháo gỡ các vướng mắc pháp lý cho các dự án bất động sản nhà chung cư.
Phòng ngừa và ngăn chặn được ‘rủi ro’ gây thất thu ngân sách nhà nước
Luật sư Mạnh Xuân Sơn (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội)
Đề cập đến việc phòng ngừa và ngăn chặn rủi ro, Luật sư Mạnh Xuân Sơn (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, cần thiết phòng ngừa và ngăn chặn "rủi ro" gây thất thu ngân sách nhà nước, thất thoát tài sản công là nguồn lực đất đai và không để xảy ra tình trạng nhà đầu tư chiếm hưởng không chính đáng "chênh lệch địa tô" khi "thực hiện cơ chế tự thoả thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại".
Các quy định chặt chẽ, đồng bộ về "giá đất" của Luật Đất đai 2024 nếu được thực thi đầy đủ thì sẽ phòng ngừa và ngăn chặn được "rủi ro" gây thất thu ngân sách nhà nước, thất thoát tài sản công là nguồn lực đất đai hoặc không để xảy ra tình trạng nhà đầu tư chiếm hưởng không chính đáng "chênh lệch địa tô".
Bởi lẽ, chỉ có Nhà nước mới có trách nhiệm và thẩm quyền "quyết định giá đất, quyết định các phương pháp định giá đất, quyết định các trường hợp và điều kiện áp dụng phương pháp định giá đất" để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất các dự án bất động sản, nhà ở thương mại và bước đầu đã được khẳng định tại Nghị định số 12/2024/NĐ-CP ngày 05/02/2024 "sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 của Chính phủ quy định về giá đất…", chứ không phải "rủi ro" gây thất thu ngân sách nhà nước, thất thoát tài sản công là nguồn lực đất đai là do cơ chế cho phép nhà đầu tư được thỏa thuận về nhận quyền sử dụng "đất ở và đất khác" hoặc "đất khác không phải là đất ở" hoặc trường hợp nhà đầu tư đang có quyền sử dụng "đất khác không phải là đất ở" để thực hiện dự án nhà ở thương mại.
Do vậy, rất cần thiết sớm xây dựng phương án cho phép nhà đầu tư được thỏa thuận về nhận quyền sử dụng "đất ở và đất khác" hoặc "đất khác không phải là đất ở"; hoặc trường hợp nhà đầu tư đang có quyền sử dụng "đất khác không phải là đất ở" khác với các quy định tại Luật Đất đai 2024, với điều kiện phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch của pháp luật có liên quan đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện dự án đầu tư, trong đó có dự án nhà ở thương mại và nhà đầu tư phải thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất và hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước.
Theo đó, Luật sư Mạnh Xuân Sơn kiến nghị, dự thảo Nghị quyết trên cần đề xuất theo hướng: Chính sách cho phép doanh nghiệp kinh doanh bất động sản nhận chuyển nhượng quyền sử dụng các loại đất theo quy định tại Luật Đất đai năm 2024 để thực hiện dự án nhà ở thương mại; chính sách cho phép doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đang có quyền sử dụng đất được thực hiện dự án nhà ở thương mại đối với các loại đất khác không phải là đất ở theo quy định tại Luật Đất đai năm 2024.
Việc xây dựng và thí điểm này sẽ góp phần tháo gỡ các vướng mắc pháp lý cho các dự án hiện nay và quan trọng là tăng cường nguồn cung cho thị trường nhà ở thương mại ở Việt Nam trong thời gian tới.