Eximbank sắp đón 'đại bàng'
Đúng như dự đoán của giới đầu tư, Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) đã chính thức chia tay Eximbank trước hạn cam kết. Động thái này cũng cho thấy, Eximbank đang có nhà đầu tư chiến lược khác.
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa công bố thông tin chấm dứt trước hời hạn thỏa thuận liên minh chiến lược ký ngày 27/11/2007 với Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC).
Việc thoái lui của SMBC có thể mở đường cho ngân hàng này thoát khỏi những lùm xùm nội bộ kéo dài suốt nhiều năm qua.
Trong phiên cuối năm Tân Sửu (28/1/2022), EIB là cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nhất với mức tăng 6,1%, đồng thời lập đỉnh 37.450 đồng/cp.
Khối lượng giao dịch khớp lệnh EIB trong phiên này đạt 2,9 triệu cổ phiếu, gấp 7 lần so với phiên liền trước. Trong đó, điểm đáng chú ý là giao dịch của khối ngoại và giao dịch thoả thuận. Trong phiên, khối ngoại giao dịch với lượng "hàng" là 20.003.500 cổ phiếu mua vào và cũng bán ra 20.008.300 cổ phiếu.
Cổ phiếu EIB phiên ngày 8/2/2022 đã được điều chỉnh xuống mức giá 35.750 đồng/cp.
Do bất đồng giữa các cổ đông, kể từ năm 2019 đến nay, Eximbank không thể tổ chức Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị đang hoạt động dù đã kết thúc thời gian nhiệm kỳ.
Năm 2008, SMBC trở thành cổ đông chiến lược tại Eximbank khi nắm giữ 15% cổ phần Eximbank trị giá 225 triệu USD. Khi đó, ngân hàng Nhật Bản đánh giá thị trường tài chính tại Việt Nam đang phát triển nhanh và việc hợp tác với Eximbank giúp SMBC nâng cao cơ hội kinh doanh tại Việt Nam.
Tuy nhiên, “nội chiến” liên tục giữa các nhóm cổ đông trong nhiều năm qua khiến SMBC không đạt kỳ vọng mục tiêu nào. Dù vậy, SMBC cũng không dễ dàng rút khỏi thương vụ này khi giá cổ phiếu EIB luôn ở mức thấp trong nhiều năm.
Phiên giao dịch cổ phiếu EIB cuối năm Tân Sửu đã có những chuyển biến đáng chú ý trước lịch họp ĐHĐCĐ ngày 15/2 tới đây để bầu HĐQT mới. Đây là sự kiện được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm.
Nội dung cuộc họp ngoài các tờ trình về kế hoạch kinh doanh, báo cáo hoạt động thì quan trọng nhất là sẽ tiến hành bầu thành viên HĐQT, BKS nhiệm kỳ VII (2020-2025). Trước đó tại cuộc họp ĐHĐCĐ ngày 27/4/2021, HĐQT Eximbank nhận được 2 văn bản đề nghị "thay máu" HĐQT của 2 nhóm cổ đông lớn.
HĐQT của Eximbank hiện có 9 người, trong đó ông Yasuhiro Saitoh là Chủ tịch HĐQT . Trên thực tế, HĐQT hiện tại đã hết nhiệm kỳ 1 năm nay và buộc phải bầu HĐQT nhiệm kỳ mới. Tuy nhiên điều này chưa thể thực hiện do các cuộc họp ĐHĐCĐ những năm qua đều không thể tiến hành vì không có sự đồng thuận giữa các nhóm cổ đông.
Trên thị trường chứng khoán, nhiều thông tin cho rằng, SMBC muốn thoái vốn khỏi Eximbank để trở thành cổ đông chiến lược của VPBank. Điều này cũng có thể là thực tế khi trùng hợp với việc VPBank cũng đang lấy ý kiến cổ đông về việc chốt room ngoại ở mức 17,5% để phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài.
Theo quan sát, SMBC đã không cử người tham dự đại hội thường niên 2021 của nhà băng này sau động thái rút thành viên đại diện vốn góp trong Hội đồng quản trị vào cuối năm 2019.
Cũng không khó hiểu chuyện SMBC sẽ rời Eximbank sau hơn 13 năm gắn bó để trở thành cổ đông chiến lược tại VPBank. Bởi theo luật định, một tập đoàn tài chính nước ngoài không thể là cổ đông chiến lược lâu dài và quy mô (nắm giữ 15% vốn) cùng lúc tại hai tổ chức tín dụng.
Vừa qua, SMBC đã mua lại 49% vốn tại FE Credit – công ty con của VPBank. Hiện tỷ lệ sở hữu của NĐTNN tại VPBank đã xuống mức 17%. Theo đó, sau khi được cổ đông thông qua việc chốt room ngoại, ngân hàng có thể tiến hành luôn việc phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài.
Hội đồng quản trị EIB ngày 31/12/2021 đã ra quyết định điều chỉnh các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2021. Theo đó, lợi nhuận trước thuế mục tiêu cả năm được điều chỉnh giảm xuống còn 1.300 tỷ đồng, thấp hơn 40% so với kế hoạch ban đầu và giảm nhẹ 1,5% so với năm 2020.
Tổng tài sản chốt năm 2021 khoảng ở mức 167.000 tỷ đồng, thấp hơn 10.000 tỷ so với trước. Huy động vốn dự kiến là 139.500 tỷ, giảm 8.500 tỷ. Dư nợ cấp tín dụng ở mức 115.790 tỷ đồng, giảm hơn 1.200 tỷ.
Hiện ngân hàng này chưa công bố kết quả kinh doanh năm 2021. Trước đó, 9 tháng đầu năm 2021, Eximbank là ngân hàng niêm yết duy nhất ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng âm. Lợi nhuận trước thuế Eximbank chỉ đạt 966 tỷ đồng, giảm 12% và thực hiện được gần 45% kế hoạch lợi nhuận đề ra ban đầu.