Đường Vành đai 2 được thông xe
Tuyến đường vành đai 2 trên cao, đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở được thông xe chính thức ngày 11/1/2023.
Dự án đường vành đai 2 trên cao, đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở (Hà Nội) bao gồm xây mới tuyến đường bộ trên cao dài hơn 5km và mở rộng tuyến đường dưới thấp dài 3,1 km, là một trong những công trình giao thông huyết mạch quan trọng của Thủ đô Hà Nội. Tổng vốn đầu tư dự án gần 9.500 tỷ đồng theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao).
Điểm đầu tuyến tiếp giáp phía nam cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tiếp giáp với nút giao Ngã Tư Sở. Phần dưới thấp điểm đầu kết nối với cầu Vĩnh Tuy, điểm cuối tại nút giao Ngã Tư Vọng. Dự án nối liền ba quận trung tâm gồm Đống Đa, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, được khởi công từ năm 2018.
Theo quy định người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ không được đi lên đường Vành đai 2 trên cao, bao gồm: Máy kéo, xe môtô hai bánh, xe môtô ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự; xe máy thi công tự hành, xe bánh xích (trừ các phương tiện làm nhiệm vụ duy tu bảo dưỡng, kiểm tra, sửa chữa đường trên cao); người đi bộ, xe thô sơ; súc vật.
Xe được đi đường vành đai 2 trên cao gồm: xe cơ giới đường bộ có kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, đảm bảo các quy định của pháp luật có liên quan. Việc lưu hành các loại xe quá khổ giới hạn, quá tải trọng trên đường trên cao thực hiện theo giấy phép lưu hành xe được cơ quan quản lý đường bộ có thẩm quyền cấp.
Giao thông đường trên cao theo hai chiều riêng biệt (phân chia bởi dải phân cách cứng). Các xe chỉ được ra, vào đường trên cao ở các đường đầu cầu và nhánh lên xuống tại Ngã Tư Sở; Ngã Tư Vọng; Trần Đại Nghĩa và điểm đầu tuyến chân cầu Cầu Vĩnh Tuy; không được quay đầu xe trên đường trên cao.
Theo thiết kế, mỗi chiều xe chạy gồm 2 làn xe cơ giới rộng 3,75m và dải an toàn trong rộng 0,5m, dải an toàn ngoài 0,67m. Đối với các nhánh lên/xuống có bề rộng 7m, bố trí 1 làn đường xe chạy là 6m, dải an toàn hai bên là 0,5m. Tốc độ lưu hành cho phép đối với các phương tiện tham gia giao thông trên cầu chính là 80km/h, trên cầu nhánh là 60 km/h.
Tại lễ khánh thành, ông Dương Đức Tuấn - phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết việc hoàn chỉnh, thông xe đường vành đai 2 trên cao sẽ khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến đường Minh Khai - Đại La - Trường Chinh phía dưới. Đồng thời, tạo sự thông suốt, thuận tiện cho người và xe tại tuyến đường trên.
Việc thông xe đường vành đai 2 trên cao là sự hoàn thiện theo quy hoạch một trong những tuyến đường vành đai nội đô quan trọng trong hệ thống hạ tầng giao thông chung của TP. Việc hoàn chỉnh vành đai 3 và nay là vành đai 2 của TP tạo điều kiện thuận lợi để thủ đô tiếp tục đầu tư xây dựng, hoàn thiện các tuyến đường vành đai khác; đặc biệt là vành đai 4 đang được triển khai đồng bộ, chuẩn bị đầu tư dự án.
Lãnh đạo thành phố yêu cầu các đơn vị liên quan theo dõi tình hình giao thông trên các tuyến đường, nút giao trong khu vực ảnh hưởng sau khi công trình thông xe, đặc biệt là tổ chức giao thông nút giao Ngã Tư Sở. Nếu có vấn đề phát sinh thì lên phương án tổ chức giao thông hợp lý đảm bảo an toàn, thuận lợi, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.
Được biết, luỹ kế từ 23/8/2018 đến 31/12/2021, Vingroup phân bổ 7.180 tỷ đồng cho dự án đường Vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở, kết hợp với mở rộng theo quy hoạch phần đi bằng đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng theo hình thức BT.
Cùng với đó, mới đây, đại diện Vingroup cho biết tập đoàn sẽ tham gia xây dựng tuyến đường Vành đai 4, nhưng chưa có kế hoạch làm các dự án bất động sản quanh vành đai bởi muốn dồn nguồn lực tài chính vào các dự án lớn khác.
Dự án Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội có chiều dài gần 113 km. Điểm đầu nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội), điểm cuối nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).
Dự án qua địa phận 3 tỉnh, thành phố, cụ thể đi qua 7 quận, huyện của Hà Nội gồm Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông; đi qua 4 huyện của Hưng Yên: Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm; qua địa phận tỉnh Bắc Ninh: huyện Thuận Thành, Quế Võ, Gia Bình và TP Bắc Ninh.
Tổng mức đầu tư dự án khoảng 87.000 tỷ đồng, xây dựng từ năm 2022 đến 2029. Theo dự kiến, dự án sẽ được Chính phủ trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào kỳ họp Quốc hội tháng 5/2022. Tại dự án này, Vingroup là đơn vị lập hồ sơ đề xuất đầu tư, ngoài ra còn một số doanh nghiệp khác cũng bày tỏ quan tâm như T&T, Him Lam, DIC Corp, Phương Thành, Geleximco.