Đưa Bắc Ninh thành một cực trong tam giác phát triển vùng Thủ đô
Sau hơn 25 năm tái lập tỉnh và 17 năm thực hiện Nghị quyết số 54, tỉnh Bắc Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại; từng bước trở thành cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng Thủ đô; đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng chung của cả nước.
Ngày 19/7, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW chủ trì, phối hợp Tỉnh Ủy Bắc Ninh tổ chức Hội thảo “Phát triển công nghiệp và đô thị vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Quốc Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh Ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh cho biết, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 54 và Kết luận số 13 là chủ trương có ý nghĩa chiến lược, nhằm huy động các nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế để vùng Đồng bằng sông Hồng phát triển, đi đầu cả nước và là cầu nối hội nhập, hợp tác kinh tế với quốc tế.
"Đến nay, 7/11 địa phương trong khu vực đã tự cân đối được ngân sách và có điều tiết về Trung ương. Quy mô kinh tế đứng thứ 2 trong 6 vùng của cả nước. Nhiều địa phương đã nỗ lực vươn lên trở thành điểm sáng của cả nước.
Với Bắc Ninh, sau hơn 25 năm tái lập tỉnh và 17 năm thực hiện Nghị quyết số 54, tỉnh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại; từng bước trở thành cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng Thủ đô, đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng chung của cả nước", ông Nguyễn Quốc Chung nhấn mạnh.
Trong giai đoạn 2005 - 2021, tốc độ tăng trưởng bình quân của Bắc Ninh đạt 13,9%/năm. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tỉnh đạt 14,7%, đứng thứ 2 cả nước. Về quy mô nền kinh tế, tỉnh đứng thứ 8 toàn quốc và thứ 4 vùng đồng bằng sông Hồng. Thu ngân sách tăng hàng năm, đạt 33.260 tỷ đồng năm 2021, gấp hơn 19 lần năm 2005, đứng thứ 8 toàn quốc.
Xác định công nghiệp “là khâu đột phá”, Bắc Ninh hiện có 16 khu công nghiệp tập trung và 33 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 7.455 ha. Năm 2021, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt 1,5 triệu tỷ đồng, gấp hơn 91 lần năm 2005, đứng thứ nhất cả nước; tạo việc làm cho 450.000 lao động và thu hút nhà đầu tư ở 38 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đến nay toàn tỉnh có 01 đô thị loại I, 01 đô thị loại III, 02 đô thị loại IV, 05 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 50%.
"Những kết quả trên đã tạo ra tiền đề quan trọng để tỉnh Bắc Ninh tiếp tục phát triển và lan tỏa cùng các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng, khẳng định vị thế của một khu vực trọng điểm của cả nước", ông Nguyễn Quốc Chung nói.
Chia sẻ ý kiến của địa phương, ông Nguyễn Duy Hưng- Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 54 đánh giá cao những thành tích các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng đạt được sau gần 17 năm thực hiện Nghị quyết, xứng đáng với vai trò là 1 trong 2 đầu tàu kinh tế của cả nước.
Để phát huy hơn nữa kết quả đạt được, Ban Kinh tế Trung ương được Bộ Chính trị giao công tác tham mưu ban hành Nghị quyết mới về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Ban Kinh tế Trung ương đã phối hợp với 20 Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy trực thuộc Trung ương và Thường trực Tỉnh ủy, Thành ủy của 11 địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng để thành lập Ban Chỉ đạo.
Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng xác định ba nội dung trọng tâm tại Hội thảo là: Tạo diễn đàn để cơ quan quản lý, chuyên gia, nhà khoa học trao đổi về thực trạng và định hướng phát triển công nghiệp, đô thị vùng Đồng bằng sông Hồng; Thống nhất đánh giá về thực trạng khu vực; Chỉ rõ cơ hội, thách thức, các giải pháp chủ yếu về phát triển công nghiệp và đô thị trong vùng.
Tham luận tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông- Phan Tâm đề xuất một số biện pháp thúc đẩy Đồng bằng sông Hồng phát triển dựa trên các giải pháp số. Trong đó, đầu tiên là phát triển hạ tầng số.
Ông Phan Tâm cho rằng, vùng cần đẩy nhanh chương trình mỗi người dân một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường Internet cáp quang, mỗi hộ gia đình một địa chỉ số, triển khai 5G tại các khu công nghiệp
Tiếp đó là triển khai chính quyền số thông qua việc đảm bảo 100% dịch vụ công trực tuyến của các tỉnh ở mức độ 4, mở dữ liệu cho doanh nghiệp tham gia sáng tạo thêm các dịch vụ mới, triển khai chính quyền số từ cấp xã, giảm phí, lệ phí thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Thứ trưởng Phan Tâm cũng nhấn mạnh công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng, coi đây là điều kiện tiên quyết để chuyển đổi số. Đồng thời khuyến cáo các tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng cần dành tối thiểu 1% ngân sách hàng năm cho công nghệ thông tin, đồng thời lập các tổ công nghệ số cộng đồng ở thôn, bản và tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho công chức, viên chức về chuyển đổi số theo định kỳ.
Lắng nghe các ý kiến, bà Nguyễn Hương Giang, Phó Bí thư Tỉnh Ủy- Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cam kết, Tỉnh Ủy Bắc Ninh sẽ sớm xây dựng và ban hành nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch tổ chức thực hiện nghị quyết về việc xây dựng và phát triển tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
Đồng thời bà Giang cũng nêu ra bảy nhóm giải pháp tại Hội thảo. Trong đó, nhấn mạnh công tác quy hoạch Bắc Ninh đến năm 2045 theo mô hình cấu trúc chùm đô thị đa trung tâm, gồm TP Bắc Ninh, Tiên Du, Từ Sơn; 3 hành lang phát triển gồm hành lang Đô thị - Dịch vụ dọc quốc lộ 1; Hành lang Đô thị - Công nghiệp dọc quốc lộ 18; Hành lang Sinh thái dọc sông Đuống và sông Cầu gắn với 7 khu vực phát triển theo cấu trúc không gian quận tương lai; mục tiêu đưa Bắc Ninh cùng Vĩnh Phúc, Hà Nội trở thành 3 cực trong tam giác phát triển vùng Thủ đô.
“Về phát triển kinh tế, công nghiệp, Bắc Ninh chủ trương phối hợp các tỉnh lân cân cận đầu tư các công trình hạ tầng kết nối cấp vùng Thủ đô, giảm sức ép cho Hà Nội như: Hệ thống các trung tâm thương mại lớn kết hợp khu vui chơi giải trí; hạ tầng xã hội; bệnh viện, các trường đại học, khu công nghệ cao.
Bắc Ninh cam kết tập trung chỉ đạo hoàn thành và phê duyệt Quy hoạch vùng, Quy hoạch quốc gia, trong đó làm rõ định hướng, cơ chế điều tiết liên kết giữa các vùng, liên kết giữa các tỉnh với Bắc Ninh trong Đồng Bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và vùng Thủ đô Hà Nội", bà Giang nhấn mạnh.