Chuyên mục


Đổi cách quản lý và phát triển đô thị

20/06/2022 13:16 (GMT +7)

Phát biểu tại phiên toàn thể Diễn đàn “Phát triển bền vững đô thị Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh, cần “Đổi mới tư duy, hoàn thiện thể chế chính sách và hành động thiết thực thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW”.

Đổi mới tư duy quản lý và phát triển đô thị

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, đô thị hóa là quá trình tất yếu, khách quan gắn liền với quá trình phát triển kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia. Sau hơn 35 năm đổi mới, cùng với những kết quả có ý nghĩa lịch sử về phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, tiến trình đô thị hóa Việt Nam đã đạt được nhiều thành công.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị: Cần đổi mới tư duy, hoàn thiện thể chế trong quản lý và phát triển đô thị - Ảnh: VGP/ Toàn Thắng

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị: Cần đổi mới tư duy, hoàn thiện thể chế trong quản lý và phát triển đô thị - Ảnh: VGP/ Toàn Thắng

Hệ thống các đô thị phát triển nhanh chóng cả về số lượng, chất lượng và quy mô, ước tính mỗi năm khu vực đô thị có thêm từ 1 đến 1,3 triệu dân. Hạ tầng kỹ thuật đô thị được quan tâm, đầu tư nâng cấp. Diện mạo đô thị ngày càng văn minh, hiện đại, tạo lập được nhiều không gian đô thị mới với các công trình có điểm nhấn kiến trúc, từng bước đáp ứng nhu cầu về môi trường sống và làm việc. Đô thị đã khẳng định vai trò là động lực phát triển kinh tế, là hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở mỗi địa phương, mỗi vùng và cả nước.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, bên cạnh những kết quả tích cực, đô thị Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều hạn chế như: Chất lượng đô thị hoá chưa cao, phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ yếu gây lãng phí về đất đai, giảm thiểu mức độ tập trung kinh tế; kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị; chưa thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với dịch bệnh quy mô lớn. Ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, gây ra nhiều tác động tiêu cực.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, quá trình đô thị hóa nước ta trong nhiều năm qua diễn ra trong bối cảnh khá khó khăn về các nguồn lực đầu tư, trong khi áp lực rất lớn từ đòi hỏi phải đáp ứng các nhu cầu trước mắt, ngắn hạn; phát triển đô thị chủ yếu trên nền tảng đô thị hiện hữu, mở rộng và đưa các làng xã trở thành đô thị nhanh chóng trong khi chưa đáp ứng đủ điều kiện cơ sở hạ tầng, chuyển hóa sản xuất, lối sống theo văn minh đô thị.

Đô thị đã trở thành giấc mơ của nhiều người dân, thúc đẩy dịch cư lớn, đồng thời hình thành tư duy khai thác đô thị một cách tự phát, phát triển nóng theo nhu cầu trước mắt, trong khi thiếu chú trọng về đầu tư dài hạn.

Nhiều nơi vẫn quan niệm đô thị là "nơi để khai thác", để phát triển, tìm kiếm cơ hội hơn là "nơi để đầu tư khai thác" theo bài bản, chuyên nghiệp và cần được quan tâm nuôi dưỡng, phục hồi, bảo vệ, nâng cấp, đầu tư, tạo điều kiện tối đa theo lộ trình, có chiến lược để phát huy tiềm năng, năng lực trước khi có thể khai thác với các không gian chức năng hoàn thiện, thúc đẩy gắn kết cộng đồng, thúc đẩy kinh tế.

Trong khi đó, phát triển kinh tế đô thị khá phổ biến với quan điểm là "năng lực tự nhiên" hơn là "năng lực cần được bồi đắp"…. ; biểu hiện là không gian chung đô thị chưa được quan tâm, phát triển và định hướng quản lý một cách thỏa đáng; chưa hình thành được nhận thức chung trong cộng đồng về trách nhiệm giữ gìn cảnh quan…

Trên một bình diện rộng hơn, nhiều nghiên cứu, đánh giá, trong đó có Sách trắng "Việt Nam 2035 hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ" do Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch và Đầu tư biên soạn cho thấy: Mô hình kinh tế đô thị, mô hình quản lý đô thị Việt Nam đến nay không còn phù hợp, vai trò không thật sự rõ nét, đã bộc lộ các hạn chế làm cản trở quá trình phát triển kinh tế; vai trò đầu tàu, tác động đến sự phát triển của các vùng và trong liên kết vùng chưa thật rõ rệt…

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến các hạn chế này, nhưng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh nghị, nguyên nhân có tính căn cơ nhất xuất phát từ tư duy, phương pháp luận về quản lý và phát triển đô thị đến nay không còn theo kịp và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển, và đòi hỏi cấp bách cần được nghiên cứu, đổi mới.

Hoàn thiện thể chế cho quản lý, đầu tư, phát triển đô thị

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Nghị quyết 06-NQ/TW chỉ ra yêu cầu hoàn thiện thể chế tạo thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cần ưu tiên của Chính phủ, các địa phương trong giai đoạn hiện nay.

Đồng thời cho biết, với vai trò là Bộ chủ quản phụ trách lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị, trong giai đoạn tới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung vào các nhiệm vụ cụ thể sau:

Tập trung hình thành khung pháp luật, thể chế đồng bộ để tạo điều kiện cho quá trình đô thị hóa. Trọng tâm là xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Quản lý phát triển đô thị (PTĐT), tạo nền tảng và tính thống nhất, đồng bộ trong quản lý PTĐT.

Xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, tiêu chí, chỉ số về đô thị hóa và phát triển đô thị theo các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, an ninh, an sinh, an toàn đô thị, phát triển đô thị bền vững, phù hợp đặc thù vùng miền, văn hóa, phát triển đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải…

Hoàn thiện pháp luật để thúc đẩy xử lý các vấn đề liên ngành, liên vùng như kết cầu hạ tầng liên vùng, công tác quy hoạch sử dụng đất theo các không gian kinh tế…

Hình thành các chính sách khả thi và hiệu quả hơn để  bảo đảm nguồn lực cho các mục tiêu an sinh xã hội, nhà ở xã hội, cải tạo, tái thiết đô thị và chỉnh trang đô thị.

Bốn giải pháp thiết thực thực hiện Nghị quyết 06

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh vai trò của đô thị và những nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể cần được thực hiện.

Để triển khai hiệu quả Nghị quyết, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị đề xuất một số vấn đề, đó là nâng cao nhận thức về đô thị, vai trò và đặc thù của đô thị; chủ động rà soát chỉ tiêu trung bình của Nghị quyết 06, đối chiếu với các chỉ tiêu phát triển đô thị tại địa phương (hiện trạng, đặc thù, dự báo, định hướng), đánh giá mức độ khả thi và đề xuất nhóm chỉ tiêu sát với tình hình thực hiện của địa phương cho giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Hai là, trên cơ sở các chỉ tiêu đề xuất khả thi, các địa phương xác định chương trình hành động, kế hoạch thực hiện. Trong đó có thể có chương trình/dự án thuộc trách nhiệm của địa phương và có chương trình/dự án cần phải thực hiện trên quy mô vùng hoặc toàn quốc. Đồng thời, xác định các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trên trên cơ sở bám sát các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 06 (với 6 nhóm nhiệm vụ).

Ba là, các địa phương đề xuất chính sách và nguồn lực cần thiết để thực hiện các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện đã đề xuất, cố gắng lồng ghép các chính sách, cơ chế, nguồn lực riêng ở từng địa phương với các chính sách, cơ chế liên vùng, chính sách quốc gia và nguồn lực từ ngân sách để thực hiện các vấn đề đề xuất.

Bốn là, trên cơ sở đề xuất của địa phương, Bộ Xây dựng phối hợp các bộ, ban, ngành nghiên cứu, tổng hợp và xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ triển khai Nghị quyết, ưu tiên vào các chương trình: Đầu tư, thực hiện kế hoạch hình thành các đô thị mới trong giai đoạn 2025-2030; đầu tư khắc phục các tiêu chuẩn phân loại đô thị còn thiếu (đối với đô thị loại III trở lên); đầu tư, phát triển các chỉ tiêu cơ bản về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; đầu tư khắc phục các vấn đề năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, ngập lụt, sạt lở; đầu tư/cải tạo chỉnh trang đô thị theo các khu vực cụ thể; thực hiện tái thiết đô thị; thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp khác như hoàn thiện, phủ kín quy hoạch đô thị, lập chương trình phát triển đô thị, cải tạo, chỉnh trang đô thị…

Nghị quyết 06 - NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là một dấu ấn mới, là cơ sở chính trị hết sức quan trọng và kịp thời cho định hướng phát triển đô thị Việt Nam trong giai đoạn mới, đáp ứng các yêu cầu phát triển. Bộ Xây dựng cam kết phối hợp chặt chẽ với Các bộ, ban, ngành Trung ương và chính quyền các địa phương để quyết liệt triển khai hiệu quả Nghị quyết trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh.

Theo Chính Phủ
TT.Huế: Đóng lối đi 'tử thần' băng ngang đường sắt Bắc - Nam
Đóng lối đi tự mở băng ngang đường sắt Bắc - Nam tại vị trí Km698+050 (đoạn Huế - Hương Thủy), nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Dự án đường Vành đai 3 TPHCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch chậm tiến độ
Dự án đường Vành đai 3 TPHCM đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch có chiều dài hơn 8km, đi qua địa bàn tỉnh Đồng Nai và địa bàn TPHCM. Điểm đầu giao với tỉnh lộ 25B (Nhơn Trạch, Đồng Nai). Điểm cuối giao với cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây.

Hà Tĩnh: Chây ỳ khắc phục ảnh hưởng xấu khi khai thác mỏ đá Hưng Thịnh
Mặc dù đã được chính quyền địa phương, cơ quan chức năng kiểm tra, nhắc nhở nhiều lần nhưng chủ quản lý khai thác mỏ đá Hưng Thịnh đóng trên địa bàn xã Cẩm Thịnh (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) vẫn chây ỳ trong biện pháp khắc phục gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống người dân.

Bắt kịp xu thế tất yếu - chuyển đổi năng lượng xanh
Chuyển đổi năng lượng xanh đang là xu thế tất yếu của thế giới nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng đến phát triển bền vững.

Loài hổ bị đe dọa bởi tin đồn “thần dược”
Trong khi chưa có tài liệu nào kiểm chứng về công dụng của cao hổ cốt thì việc sử dụng các sản phẩm từ hổ đã khiến loài này bị đe dọa, các cá thể trong tự nhiên suy giảm rõ rệt.

Quảng Ninh: Đề xuất dùng cát biển đắp nền đường giao thông
Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh đề xuất thí điểm dùng cát biển làm nền đường các công trình giao thông trên địa bàn, nhằm đáp ứng nhu cầu cát san lấp các dự án giao thông và mặt bằng các khu công nghiệp đang thiếu nghiêm trọng hiện nay.

Hải Phòng cấm đỗ ô tô trên đường phố trung tâm
Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng vừa đưa ra sự chỉ đạo quyết liệt, từ ngày 1/4/2025, chỉ cho phép dừng, không đỗ xe ô tô trên các tuyến đường giao thông, đặc biệt là trong khu vực trung tâm thành phố.