Chuyên mục


Doanh nghiệp lao đao theo dòng chảy thương mại

03/05/2022 07:48 (GMT +7)

Doanh nghiệp kinh doanh thường chỉ lo không bán được hàng. Nhưng sau dịch bệnh, sự thiếu hụt nguồn cung ứng, giá cước vận tải tăng cao, Trung Quốc thắt chặt các hoạt động sản xuất, xung đột Nga - Ukraine chưa có hồi kết,…thì không biết bao giờ doanh nghiệp mới phục hồi.

Chuỗi cung ứng đứt gãy, doanh nghiệp XNK đều khổ

Đối với ngành thương mại, điều khủng khiếp nhất Covid-19 tạo ra là tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng mang tính toàn diện và toàn cầu. Đó là hàng hóa không thể lưu thông từ các trung tâm sản xuất sang các trung tâm tiêu thụ, và ở ngay trong nội bộ của các quốc gia, hàng hóa cũng không thể lưu thông từ vùng này sang vùng khác.

Doanh nghiệp khổ vì thiếu nguồn nguyên liệu, nhân công không có việc làm, tìm nguồn thay thế tạm thời khó, khách hàng huỷ đơn; xuất khẩu ách tắc, nông sản hỏng;....

Doanh nghiệp khổ vì thiếu nguồn nguyên liệu, nhân công không có việc làm, tìm nguồn thay thế tạm thời khó, khách hàng huỷ đơn; xuất khẩu ách tắc, nông sản hỏng;....

Tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ngay sau khi kết thúc giai đoạn phong tỏa diện rộng, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng trở lại với tốc độ đáng ngạc nhiên. Người tiêu dùng trên thế giới đang mua sắm điên cuồng vì họ nhận được rất nhiều tiền hỗ trợ từ các gói kích cầu của chính phủ. Sự gia tăng quá nhanh của nhu cầu tiêu dùng đã tạo ra khoảng cách không dễ lấp đầy với năng lực cung cấp. 

Ngay sau dịch bệnh được kiểm soát, sự thiếu hụt hàng hóa đang len vào mọi ngóc ngách của nước này. Nguyên nhân trước hết vì nước Mỹ phụ thuộc rất lớn vào hàng nhập khẩu, cụ thể là từ châu Á. Tuyến đường vận tải biển từ châu Á sang Mỹ là dòng chảy thương mại nhộn nhịp nhất đã bị tăng chi phí vận chuyển gấp 4-5 lần so với thời điểm cùng trong năm. Khi chi phí tăng lên quá cao, sẽ có nhiều nhà phân phối phải bỏ cuộc, dẫn đến nhiều mặt hàng không còn hiện diện trên thị trường.

Tại Việt Nam, với bối cảnh khác biệt nhưng có thể nhìn nhận để thấy được một bài học nào đó. "Du lịch đã trở lại cuộc chơi" là câu nói phấn khởi của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này và có thể thấy rất rõ được nhu cầu du lịch, hàng không tăng mạnh mẽ trong dịp Lễ 30/4 - 1/5 năm nay. Số liệu của Tổng Cục Thống kê cho thấy, doanh thu từ du lịch lữ hành của một số địa phương tăng hàng chục đến hàng trăm %. Chẳng hạn như Khánh Hòa tăng 370%; Quảng Nam tăng 71,1%; Cần Thơ tăng 46,4%; Quảng Bình tăng 29,6%; Hà Nội tăng 19,8%. Tổng hợp cả nước, 4 tháng đầu năm 2022, doanh thu du lịch lữ hành tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước.

Thế nhưng, doanh thu dịch vụ khác 4 tháng đầu năm 2022 giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 4,3% (cùng kỳ năm 2021 tăng 7,2%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có quy mô 4 tháng đầu năm cao hơn nhưng tốc độ tăng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch bệnh.

Đằng sau con số tăng trưởng thấp trên không hẳn nằm ở nhu cầu, mà chính là nguồn cung. Đến nay, nhiều cửa khẩu hiện khôi phục giao thương với Trung Quốc dù vẫn còn nhiều khó khăn trong việc xuất, nhập khẩu hàng hóa.

Theo quan sát của Banduong, hàng loạt doanh nghiệp sản xuất hàng dệt may, da giày, điện tử, nhựa vốn phụ thuộc lớn vào nguyên phụ liệu Trung Quốc đang đối diện nguy cơ phải hủy đơn hàng, không thể sản xuất dù đang trong giai đoạn cao điểm phục hồi, đơn hàng dồi dào. Nhiều doanh nghiệp cũng đang tìm cách xoay xở, bổ sung nguồn cung nguyên phụ liệu nhưng mới ở mức tạm thời.

Có thể nói việc tắc nghẽn chuỗi cung ứng hàng hóa Trung Quốc ra thế giới đã tác động hầu hết các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của Việt Nam. Đại diện Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM, cho biết đồ gỗ nội thất, phụ kiện kim khí từ Trung Quốc phục vụ cho ngành gỗ xuất khẩu đang về rất chậm. Giá vật tư sắt, thép, nhôm, đồng đội lên cao khiến những đơn hàng đã ký, doanh nghiệp mất một phần lợi nhuận. Còn với đơn hàng mới thì công ty nỗ lực đàm phán, yêu cầu khách hàng chia sẻ chi phí phát sinh nhưng vẫn rất khó. 

Ngược lại, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng như ngồi trên đống lửa vì thua lỗ, hàng hoá ứ đọng. Theo thống kê của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, tính đến quý I, giá trị xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc chỉ còn hơn 455 triệu USD, giảm hơn 25% so với cùng kỳ năm 2021. Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, các doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc đơn lẻ nên dễ bị tác động tiêu cực khi các tàu đổi lộ trình, trễ chuyến, bỏ chuyến... Vừa qua, nhiều cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trong vận chuyển cho doanh nghiệp bằng việc thuê tàu chung để vận chuyển thẳng sang Trung Quốc nhưng đến nay chưa được triển khai.

Doanh nghiệp vận tải, ô tô: Thiếu cung, hụt cước

Theo Tổng Cục Hải quan, tính trong quý I/2022, cả nước nhập khẩu gần 24 nghìn chiếc với trị giá 572 triệu USD, giảm 31,9% về lượng và giảm 29,6% về trị giá so với quý I/2021.

Cuộc khủng hoảng thiếu chip, linh kiện sản xuất kéo dài từ năm ngoái đến nay cùng với chiến dịch quân sự tại Ukraine cũng như tình hình dịch Covid-19 tại Trung Quốc đang làm đứt gãy chuỗi cung ứng phụ tùng, linh kiện sản xuất ô tô....Các hãng xe đa phần trong tình trạng khan hàng, không đủ xe để bán. Khách hàng đặt mua xe phải chờ cả tháng trời mới nhận được xe.

Ô tô là một trong những nhóm hàng đang: Cầu vượt cung. Ảnh Internet

Ô tô là một trong những nhóm hàng đang: Cầu vượt cung. Ảnh Internet

 
Nguồn cung linh kiện từ Trung Quốc cũng khá quan trọng đối với các hãng ôtô. Phía Trung Quốc phong tỏa một số nhà máy và cả bến cảng cũng đã tác động đến ngành ôtô do nguồn cung cấp linh kiện bị chậm trễ một vài tháng trở lên so với bình thường

Theo đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam

Còn ở lĩnh vực sản xuất xe máy, Công ty Honda Việt Nam vừa có thông báo về tác động của chuỗi cung ứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình trạng sẵn có của một số mẫu xe tay ga trong nước.

Đối với doanh nghiệp xe thì thiếu hàng bán, còn doanh nghiệp vận tải lại khốn đốn vì giá cước tăng, hàng của khách không về, cước hao hụt. Tại TP HCM, theo đại diện một số hãng tàu, nhiều khách hàng đã hủy cọc, hủy đơn hàng vận chuyển xuất khẩu vì không đợi được, phải xử lý bằng phương án khác. Thường doanh nghiệp đặt tàu đi từ TP HCM để xuất khẩu các mặt hàng nông sản sang Trung Quốc. Một số trường hợp tàu đã đi buộc phải quay về vì không cập cảng được, trong khi rất nhiều hàng đã đóng container, đóng kiện đợi đi.

Ngoài việc tốn kém do cước vận tải tăng, các doanh ngiệp còn chịu thêm chi phí tháo dỡ hàng, chuyển hướng vì có tình trạng hàng đã lên tàu nhưng phải hủy, thay đổi và trả ngược về kho, xưởng. Khi Trung Quốc có lệnh đóng cảng thì mọi giao dịch về tàu với khách hàng đã xáo trộn, giá cước lập tức tăng thêm 15%-20%. Đặc biệt, hàng đi container lạnh giá càng cao hơn do phía Trung Quốc điều hướng vận chuyển.

Doanh nghiệp vận tải hành khách tăng giá cước vì bất đắc dĩ. Ảnh nhà xe

Doanh nghiệp vận tải hành khách tăng giá cước vì bất đắc dĩ. Ảnh nhà xe

Khoảng 80 - 90% số doanh nghiệp vận tải hành khách theo tuyến cố định kê khai điều chỉnh tăng giá cước vận tải từ 7 - 10%. Bộ Giao thông vận tải chỉ rõ, trước đây, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 30 - 35% chi phí của hoạt động vận tải đường bộ. Tuy nhiên, tỷ lệ thuận với việc tăng giá xăng, dầu, hiện nay chi phí nhiên liệu đã chiếm tới 40 - 45% chi phí của vận tải đường bộ, cao nhất trong các phương thức vận tải hiện nay.

Khi chuỗi cung ứng đứt gãy đồng nghĩa với việc doanh nghiệp vận tải không có chuyến hàng, không tạo doanh thu, khó khăn hơn trong việc trả nợ gốc và lãi vay ngân hàng. Việc tăng giá cước là do tăng giá xăng dầu, doanh nghiệp cũng không thêm được nguồn thu từ việc này.

Giá cước tăng khiến giá hàng hoá được vận chuyển tăng theo. Theo Tổng cục Thống kê, một trong những nguyên nhân làm tăng CPI trong 4 tháng đầu năm 2022 là do giá xăng dầu được điều chỉnh 10 đợt. Bình quân 4 tháng đầu năm, giá xăng dầu trong nước tăng 48,84% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,76 điểm phần trăm.

Mới đây nhất, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính quyết định theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền miễn, giảm phí sử dụng hạ tầng đường sắt, phí ra vào vùng nước cảng biển, cảng thủy nội địa và giảm thuế giá trị gia tăng cho các dịch vụ vận tải, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng thời, "tăng cường kiểm tra việc chấp hành niêm yết giá, thu vé đúng giá niêm yết của các doanh nghiệp. Xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý, thu cao hơn mức giá kê khai, niêm yết", Bộ Giao thông vận tải đề nghị.

Để tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp vận tải tháo gỡ khó khăn, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các địa phương quyết định theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền có chính sách miễn giảm phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển; phí đậu, đỗ đón khách tại nhà ga, bến cảng.

Thảo Vy
Bắc Ninh tăng xe phục vụ người dân dịp Lễ
Do thời gian nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài, dự báo lượng hành khách đi lại trên các tuyến vận tải khách sẽ tăng cao. Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Bắc ninh triển khai nhiều kế hoạch nhằm phục vụ nhu cầu tối đa nhu cầu đi lại của người dân, du khách.

Rà soát tình hình gia tăng nhập khẩu thép cán nóng
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát, nắm tình hình gia tăng nhập khẩu thép cán nóng để chủ động thực hiện các biện pháp phù hợp.

Kiểm soát an ninh hàng không cấp độ 1 trong dịp 30/4
Biện pháp kiểm soát an ninh hàng không tăng cường cấp độ 1 được áp dụng tại cảng hàng không gồm: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Buôn Ma Thuột, Pleiku, Liên Khương từ ngày 27/4 đến hết ngày 1/5.

Yêu cầu đơn vị vận tải không tăng giá vé dịp lễ
Cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu các đơn vị vận tải không tăng giá cước hoặc có thì phải đáp ứng các biện pháp bình ổn giá cước vận tải theo chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan,…

Xem xét giảm phí trước bạ ô tô lắp ráp trong nước
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ trong tháng 5/2024 về việc gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.

Ưu tiên đầu tư đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Lạng Sơn
Chiều ngày 21/4, tại thành phố Lạng Sơn, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Lạng Sơn năm 2024.

Cao tốc bị ngắt điện vì ban quản lý nợ phí
Ban quản lý dự án Thăng Long chưa bố trí kinh phí trả tiền điện khiến đơn vị điện tạm ngưng cung cấp điện tại các nút giao trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đi qua hai tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận.