Doanh nghiệp dầu khí "được mùa bội thu"
Trong 6 tháng đầu năm, giá dầu leo thang đã giúp nhiều doanh nghiệp ngành dầu khí tăng trưởng ấn tượng về doanh thu và lợi nhuận.
Lợi nhuận tăng trưởng hai chữ số
Trong 6 tháng đầu năm, giá dầu leo thang đã giúp nhiều doanh nghiệp ngành dầu khí hưởng lợi lớn. Đơn cử như Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS, mã GAS) đạt doanh thu trong quý II/2022 đạt khoảng 27.871 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế (LNST) 3.424 tỷ đồng; tăng từ 20 - 50. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, PV GAS ước tính doanh thu đạt 54.560 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm 2021 và LNST đạt 6.919 tỷ đồng, tăng 59%.
Tương tự, CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã BSR). Theo tiết lộ của Tổng giám đốc BSR tại một sự kiện mới đây, kết quả kinh doanh nửa đầu năm của công ty tăng trưởng rất mạnh so với cùng kỳ. Hiện tại BSR đã vượt xa so với kế hoạch và hoàn thành kế hoạch lợi nhuận của năm 2022. Ông dự báo năm 2022 BSR có thể đạt mức lợi nhuận cao kỷ lục, hơn 7.000 tỷ đồng.
Tại đại hội cổ đông thường niên 2022 mới đây, lãnh đạo Tổng công ty Vận tải Dầu khí (PVTrans, mã PVT), cho biết 6 tháng đầu năm, doanh thu của công ty khoảng 4.100 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 500 tỷ đồng, lần lượt tăng 14% và giảm 12% so với cùng kỳ 2021. Như vậy, PV Trans đã hoàn thành 63% kế hoạch doanh thu.
Được hưởng lợi từ việc giá cước vận tải biển neo ở mức cao, CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (mã HAH) ước tính doanh thu quý 2 đạt khoảng 963 tỷ đồng và LNST 174 tỷ đồng, lần lượt tăng 114% và 77% so với cùng kỳ năm ngoái. 6 tháng đầu năm, công ty ghi nhận tổng doanh thu ước đạt 1.615 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 437 tỷ, lần lượt gấp 2 lần và gấp gần 2,4 lần so với cùng kỳ năm trước.
Hay như CTCP Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Phát (mã VPG) công bố kết quả kinh doanh ước tính quý 2/2022 với doanh thu đạt 1.700 tỷ đồng, tăng 54% và lợi nhuận sau thuế 120 tỷ đồng gần như đi ngang so với cùng kỳ.
Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố cuối tháng 6, GDP quý II/2022 ước tính tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất 10 năm trở lại đây. Qua đó, kéo GDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,42%, cao hơn tốc độ tăng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020 và tốc độ tăng 5,74% của 6 tháng đầu năm 2021.
Đáng chú ý cùng với đà hồi phục và tăng trưởng của nền kinh tế, kết quả kinh doanh (KQKD) của nhiều doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm, đặc biệt là trong quý 2 ghi nhận nhiều khởi sắc. Đa phần các doanh nghiệp hé lộ KQKD quý 2 sớm đều thuộc các nhóm ngành có hoạt động sản xuất kinh doanh gặp thuận lợi so với cùng kỳ năm trước.
Vẫn còn kỳ vọng
Dự báo về KQKD quý II năm nay, ông Tô Quốc Bảo, Trưởng nhóm Chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) cho rằng, hầu hết các doanh nghiệp niêm yết sẽ chứng kiến tăng trưởng dương. Trong đó, một số nhóm ngành được kỳ vọng sẽ có mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng là dầu khí, thủy sản, dệt may, bán lẻ hàng tiêu dùng, ngân hàng.
Cụ thể, nhóm doanh nghiệp thuộc ngành dầu khí sẽ chứng kiến tăng trưởng vượt trội nhờ hưởng lợi từ giá dầu cao. Ngành thủy sản, dệt may cũng sẽ ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực khi giá bán và số lượng đơn hàng xuất khẩu tăng mạnh. Bán lẻ hàng tiêu dùng được hưởng lợi khi nhu cầu tiêu dùng tăng lên cùng tăng trưởng kinh tế và xu hướng tiêu dùng “trả thù” của người dân sau khi bị kìm hãm trong 2 năm dịch bệnh.
Ngành ngân hàng chứng kiến tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm đạt 8,51%, cao hơn cả mức tăng trưởng những năm trước dịch, hứa hẹn một mùa báo cáo tài chính rất đáng mong chờ.
Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành xây dựng và vật liệu xây dựng có thể sẽ chứng kiến một mùa báo cáo tài chính ảm đạm quý 2 này.
Trong khi đó, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Môi giới Công ty Chứng khoán HSC nhận định, hầu hết nhóm ngành vẫn tăng trưởng tốt nhưng khó có đột biến cao vì nền so sánh quý II/2021 vẫn còn cao. Do đó mùa KQKD quý II/2022 dự kiến không phải quá nổi bật.
Tuy nhiên, theo ông Bùi Văn Huy, có một số doanh nghiệp hưởng lợi từ thị trường hàng hóa và chiến tranh Nga – Ukraine như thủy sản, hóa chất, dầu khí, phân bón,… khả năng sẽ có đột biến (tương tự như quý I/2022).
Nhìn rộng ra triển vọng của các doanh nghiệp niêm yết giai đoạn 2022-2023, báo cáo chiến lược mới đây của Công ty Chứng khoán VNDIRECT đặt kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE giai đoạn 2022-2023 sẽ tăng trưởng 21% so với cùng kỳ trong hai năm tới. Tốc độ tăng trưởng này cao gấp đôi tốc độ của bình quân 15 năm qua.
Đặc biệt, tăng trưởng lợi nhuận một số ngành có thể cải thiện mạnh mẽ trong năm 2022, bao gồm hàng công nghiệp và dịch vụ, bán lẻ và bất động sản, trong khi tăng trưởng của nhóm dầu khí, dịch vụ thiết yếu và công nghệ vẫn tương đối mạnh.
"Theo dữ liệu lịch sử, VN-Index hầu hết ghi nhận mức tăng trưởng dương trong những năm mà tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết cao trên 10%, ngoại trừ năm 2010 khi Việt Nam phải đối mặt với lạm phát cao và vụ vỡ nợ của Vinashin", báo cáo nêu.