Dỡ biển cấm taxi nhiều tuyến đường Hà Nội
Ngay sau khi kết thúc cuộc họp giữa Sở GTVT Hà Nội và các đơn vị chức năng về việc nghiên cứu dỡ bỏ biển cấm taxi trên một số tuyến phố trung tâm Hà Nội, liên ngành chức năng đồng thuận về việc dỡ bỏ biển cấm xe taxi tại phố Cát Linh.
Sáng nay (14/2), Sở giao thông vận tải Hà Nội đã cùng với các đơn vị chức năng họp bàn, nghiên cứu dỡ bỏ biển cấm taxi trên một số tuyến phố trung tâm Hà Nội.
Ngay sau khi cuộc họp kết thúc, ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội thông tin, liên ngành chức năng đã đồng thuận 100% về việc dỡ bỏ biển cấm xe taxi tại phố Cát Linh, nội dung này sẽ triển khai trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Công Hùng cũng cho biết, trong cuộc họp, các sở, ngành chức năng và đại diện của quận Long Biên cũng đang nghiên cứu để bỏ biển cấm giờ cao điểm đối xe taxi khi lưu thông qua cầu Chương Dương.
Liên ngành chức năng đồng thuận rất cao việc nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng tính khả thi về việc dỡ bỏ biển cấm taxi theo giờ tại 4 tuyến phố bao gồm: Giảng Võ, Lê Văn Lương, Khâm Thiên, Láng Hạ, sau đó đó tham mưu UBND TP Hà Nội tháo dỡ biển cấm ở các tuyến phố này trong thời gian tới.
Theo một số người dân, việc nghiên cứu, đánh giá để bỏ biển cấm taxi theo giờ tại một số tuyến phố trung tâm Hà Nội là một động thái tích cực của thành phố giúp tăng năng lực vận tải hành khách công cộng, tạo thuận lợi cho người dân.
Tuy nhiên, cũng cần phải có phương án tổ chức giao thông phù hợp cho giao thông sau khi tháo dỡ biển cấm, tránh tình trạng ùn tắc tại chính tuyến phố được tháo dỡ biển cũng như các tuyến phố lân cận.
Hiện nay, đa phần các hãng taxi đều đã xây dựng ứng dụng đặt xe. Ông Nguyễn Công Hùng - Chủ tịch hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, không như trước đây là khách dùng thì gọi lên tổng đài rồi 3,4 xe cùng đến.
Giờ khách gọi xe vào ứng dụng là biết xe đỗ ở đâu, đặc biệt xe không di chuyển nhiều trên đường như trước đây mà sẽ đỗ ở những điểm giao thông tĩnh được phép dừng đỗ từ đó khi có khách gọi xe thì mới di chuyển vào.
Anh Lê Đức Thanh - tài xế hãng Mai Linh chia sẻ, hiện nay chúng tôi chỉ cần đỗ đúng điểm được phép đỗ, khi có khách gọi ứng dụng sẽ báo. Khi một tài xế đã nhận đón khách, tại máy của các tài xế khác cũng sẽ báo để biết không tới điểm đón khách nữa.
Anh Thanh cùng nhiều tài xế taxi mong rằng, sẽ sớm có quyết định dỡ bỏ biển cấm taxi ở một số tuyến phố để từ đó phục vụ nhu cầu của hành khách được tốt hơn. Vì trước kia ở một số phố cấm khi đưa khách về sẽ phải trả ở điểm gần nhất có thể, mà điểm gần nhất cũng cách từ 200m tới 300m, ngày nắng không sao vào ngày mưa rất khó để phục vụ khách trọn vẹn.
Có cấm thì cấm phương tiện cá nhân, taxi vẫn nên ưu tiên thông, không thể cấm hoàn toàn được. Ví dụ: người nước ngoài họ đi lại hầu hết bằng phương tiện taxi, khi bị cấm giờ cao điểm đến nỗi họ không thể đi được nữa hay người già, trẻ em đau ốm đi bệnh viện nhiều lúc taxi cũng không thể vào được. Ưu tiên cho giao thông công cộng, tạo điều kiện cho giải quyết bài toán ùn tắc giao thông.”
Tiến sĩ Phan Lê Bình nhấn mạnh
Chuyên gia giao thông, Tiến sĩ Phan Lê Bình cho biết, taxi cũng là phương tiện vận tải hành khách công cộng, việc nghiên cứu dỡ bỏ biển cấm là cần thiết, không chỉ tuyến Lê Văn Lương mà các tuyến khác cũng vậy. Nên hạn chế ô tô cá nhân đi vào thì đúng hơn là việc cấm taxi.
Cũng liên quan đến vấn đề tháo dỡ biển cấm taxi ở một số tuyến phố, ông Nguyễn Công Hùng – Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, để góp phần khuyến khích người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng cần xây dựng các “chuỗi cung ứng liên kết với nhau”.
Chúng ta đã có đường sắt trên cao, dưới đường sắt trên cao có thể kết hợp với xe taxi để đưa người dân tới các nhà ga. Chúng ta đã có trạm dừng xe buýt thì ở những tuyến dài người dân khi dừng ở các trạm đó có thể tiếp tục dùng xe taxi di chuyển sang các khu vực khác phục vụ các mục đích cá nhân.
Ngoài ra, Chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cũng cho rằng, cùng với việc nghiên cứu, tháo dỡ các biển cấm xe taxi theo giờ, tại các ngã tư hiện nay cũng cần tăng cường thêm lực lượng chức năng để ngăn chặn các hành vi thiếu ý thức của người điều khiển tham gia giao thông.
Vì thực tế có rất nhiều người khi vào giờ cao điểm ý thức tham gia giao thông rất kém không tuân thủ theo đèn tín hiệu hay hiệu lệnh của lực lượng chức năng, từ đó dẫn tới sự xung đột giao thông, gây ùn tắc cho các phương tiện đang tham gia giao thông và cả phương tiện vận tải công cộng như xe buýt./.