Chuyên mục


Đề xuất lập quy hoạch tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái

07/11/2023 17:35 (GMT +7)

Theo đó, tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái có chiều dài 150 km là phần kéo dài của tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (điểm cuối tuyến tại TP. Hạ Long).

 Quy hoạch 3 tuyến đường sắt đi qua Quảng Ninh

Theo nguồn tin từ Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Quảng Ninh, Ủy ban nhân dân tỉnh này vừa có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải về việc lập quy hoạch tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái.

Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bộ GTVT giao Cục Đường sắt Việt Nam lập Quy hoạch tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái hoặc bổ sung đoạn Hạ Long - Mong Cái vào Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh do Cục Đường sắt Việt Nam đang triển khai làm cơ sở để kêu gọi, xúc tiến đầu tư cũng như để quản lý quỹ đất theo quy hoạch tuyến được phê duyệt.

duong sat2

Đường sắt Việt Nam hiện tại có khổ đường ray 1,1m. Ành minh họa

Được biết, theo quy hoạch mạng lưới đường sắt Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh được quy hoạch 3 tuyến đường sắt.

Tuyến thứ nhất là Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân có chiều dài 129 km, khổ đường 1.000 mm và 1.435 mm, lộ trình đầu tư đến năm 2030.

Tuyến thứ hai là Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh có chiều dài dự kiến là 101 km, khổ đường 1.435 mm, lộ trình đầu tư sau năm 2030.

Tuyến thứ ba là Hạ Long - Móng Cái có chiều dài dự kiến là 150 km, khổ đường 1.435 mm, lộ trình đầu tư sau năm 2030.

Triển khai Quy hoạch mạng lưới đường sắt Việt Nam, Bộ GTVT đã giao Cục Đường sắt Việt Nam lập quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (điểm cuối tại TP. Hạ Long). Và mới đây nhất, Bộ trưởng Bộ GTVT vừa ký quyết định về việc giao nhiệm vụ cho Ban quản lý dự án đường sắt tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng trước đoạn tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Đề xuất tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh dài 441km

Được biết, Quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh do liên danh tư vấn Công ty CP Tư vấn đầu tư và Xây dựng giao thông vận tải (TRICC-JSC) và Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) lập.

Tư vấn đề xuất nghiên cứu tuyến đường sắt mới Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh khổ tiêu chuẩn 1.435mm tiên tiến, hiện đại, đáp ứng được nhu cầu vận tải thời kỳ 2030, tầm nhìn đến 2050; phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương dọc hành lang tuyến.

Cụ thể, tổng chiều dài toàn tuyến hơn 441km, vận tốc thiết kế tối đa 160km/h. Hướng tuyến đi qua các tỉnh/thành phố: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh.

Toàn tuyến từ Lào Cai đến Quảng Ninh có 41 ga. Trong đó, 5 ga lập tàu gồm: Lào Cai, Yên Thường, Nam Hải Phòng, Hạ Long và Cái Lân. Ga Lào Cai còn đảm nhận là ga giao tiếp liên vận quốc tế, ga Hạ Long chỉ lập tàu khách, ga Cái Lân và ga Yên Thường chỉ lập tàu hàng.

10 ga trung gian phục vụ cả hành khách và hàng hóa gồm: Yên Bái, Phú Thọ, Việt Trì, Vĩnh Phúc, Vĩnh Yên, Tam Hợp, Bắc Hồng, Đông Anh, Lạc Đạo, Hải Dương.

5 ga trên cảng biển gồm: Lạch Huyện, Nam Đồ Sơn, Nam Đình Vũ, Đình Vũ.

Ga dọc đường nhường tránh tàu gồm 22 ga: Thái Niên (mới), Sơn Hà, Cam Cọn, Bảo Hà (mới), Châu Quế Thượng, Đông An, Tân Hợp, Yên Hợp, Y Can, Lệnh Khánh, Hạ Hòa (mới), Thanh Ba, Tiên Lữ, Thạch Lỗi, Trung Màu, Lương Tài, Bình Giang, Tứ Kỳ, Tân Viên, Phong Hải, Quảng Yên, Minh Khai.

Cũng theo tư vấn, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh bao gồm toàn bộ tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và một đoạn tuyến từ Hải Phòng đến Hạ Long của tuyến đường sắt ven biển Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Kết nối, hòa mạng đường sắt quốc tế

UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, phía Trung Quốc đang triển khai đầu tư tuyến đường sắt từ TP. Phòng Thành đến TP. Đông Hưng thuộc Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Sau khi hoàn thành, tuyến đường sắt cảng Phòng Thành đến TP. Đông Hưng sẽ kết nối với mạng lưới đường sắt của Trung Quốc.

duong sat1

Mạng lưới đường sắt Việt Nam với khổ đường ray 1,1mét như hiện tại lạc hậu so với tiêu chuẩn quốc tế. Ảnh: TL

Trên cơ sở nâng cấp khổ đường sắt lên 1,435 mét theo tiêu chuẩn quốc tế, đường sắt Việt Nam sẽ dễ dàng hòa mạng đường sắt quốc tế, trước mắt là với Trung Quốc và các nước ASEAN.

“Do vậy, việc sớm triển khai tuyến đường sắt Hạ Long - Móng Cái sẽ tạo thành mạng lưới đường sắt khép kín kết nối từ Hà Khẩu (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái - Đông Hưng (Trung Quốc), góp phần quan trọng đối với việc vận chuyển hàng hoá và hành khách giữa Việt Nam với Trung Quốc và ASEAN”, nguồn tin trên Cổng thông tin điện tử Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Quảng Ninh dẫn lời lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh đánh giá.

Phù hợp với quyết tâm của Bộ Giao thông Vận tải

Trên diễn đàn Quốc hội, mới đây nhất, ngày 6/11/2023, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, phát triển đường sắt đang là vấn đề được Bộ Chính trị, Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm. Vừa rồi, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 49 và đặt ra nhiều nhiệm vụ cho ngành giao thông vận tải trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường sắt.

Riêng Dự án đường sắt Lào Cai - Hải Phòng đang xây dựng báo cáo tiền khả thi, dự kiến tổng mức đầu tư 6,5 tỷ USD đối với đường đơn và đường đôi hoàn chỉnh là 10-11 tỷ USD.

Nhấn mạnh đây đều là những con số ngân sách rất lớn, Bộ trưởng Thắng khẳng định, về phía Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội để kêu gọi, huy động tất cả các nguồn lực ngân sách nhà nước, nguồn lực xã hội hóa và huy động từ các tổ chức tài chính quốc tế để bảo đảm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vì đầu tư đường sắt rất lớn.

Như vậy có thể thấy, đề xuất của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh về việc mở rộng, phát triển quy hoạch mạng lưới đường sắt trên địa bàn tỉnh này thêm đoạn tuyến Hạ Long - Móng Cái là phù hợp với quyết tâm của Bộ giao thông Vận tải.

Tâm Vũ
Quảng Bình công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở đất
UBND tỉnh Quảng Bình vừa công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở đất và lũ quét tại bản Tân Ly, xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy.

Sơn La: 'Xẻ thịt' đất đồi thu lợi ở huyện Yên Châu
Dọc Quốc lộ 6C (QL.6C) đoạn qua xã Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La trong hai tuần trở lại đây xuất hiện tình trạng nhiều người đưa máy móc vào san gạt các đồi đất. Sau đó vận chuyển ra ngoài tiêu thụ diễn ra rầm rộ nhưng đến nay vẫn không bị xử lý.

Hoàn thành 9 cầu bộ hành tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên
9 cầu bộ hành tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã hoàn thành, giúp kết nối các nhà ga với khu dân cư và xe buýt, mang lại sự an toàn di chuyển cho hành khách.

Sáp nhập nhiều đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Bến Tre
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1237/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Bến Tre giai đoạn 2023 – 2025.

Quảng Ninh: Dự án nâng cấp hạ tầng Vựng Đâng gây ô nhiễm môi trường
Công ty Cổ phần Xây dựng Công trình 507 là đơn vị thi công Dự án đã không đảm bảo an toàn giao thông và gây ô nhiễm môi trường. Bụi bặm mù mịt, các hố ga chưa hoàn thiện ngổn ngang trên tuyến đường nâng cấp Vựng Đâng tại tổ 6,9,10 phường Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long đã kéo dài nhiều năm.

Bắc Ninh giảm 5 đơn vị hành chính cấp xã
Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 1255/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023 - 2025. Theo đó, Thành phố Bắc Ninh giảm 2 phường, huyện Lương Tài giảm 2 xã và thị xã Quế Võ giảm 1 xã.

Bình Thuận sắp xếp lại các phường, xã của thành phố Phan Thiết
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1253/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Bình Thuận.