Chuyên mục


Quảng Ninh ưu tiên dự án kết cấu hạ tầng đồng bộ

03/11/2023 11:55 (GMT +7)

Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh khẳng định, đầu tư công là nguồn nội lực, động lực, trụ cột cực kỳ quan trọng tạo ra tăng trưởng GRDP, phát triển kinh tế - xã hội, thu hút vốn đầu tư ngoài xã hội...

Hiện thực hóa quy hoạch phát triển tỉnh Quảng Ninh

Quan tâm rất cao đối với sự phát triển của địa bàn kinh tế trọng điểm tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa đã ký Quyết định số 1279/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Kế hoạch này nhằm cụ thể hóa, triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, xây dựng lộ trình tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, dự án nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Quy hoạch tỉnh đã đề ra.

KH Quang ninh1

Kế hoạch này xác định nội dung trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án; xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm thu hút các nguồn lực thực hiện Quy hoạch tỉnh.

Một trong những nội dung của Kế hoạch là hoàn thiện đồng bộ hệ thống các quy hoạch. Cụ thể, đến năm 2025, rà soát, lập, điều chỉnh các quy hoạch đô thị, nông thôn, các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh theo quy định của pháp luật chuyên ngành, đảm bảo thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt.

Trong năm 2023, tiếp tục rà soát bãi bỏ các quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ trên địa bàn tỉnh; thông báo công khai danh mục các quy hoạch được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh hết hiệu lực theo quy định Điều 59 Luật Quy hoạch; chủ động nghiên cứu xây dựng các đề án thay thế (nếu cần thiết) để đảm bảo duy trì ổn định công tác quản lý nhà nước và định hướng phát triển của tỉnh.

Đẩy mạnh liên kết vùng

Nội dung quan trọng khác của Kế hoạch nêu trên là hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng.

Đến năm 2025, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng xây dựng, hoàn thiện thể chế của Vùng, xác định những đề án trọng tâm, trọng điểm có ý nghĩa tạo đột phá cho phát triển Vùng, phát triển ngành (cả nước), trong đó có các đề án: Đề án xây dựng các cơ chế, chính sách thí điểm triển khai Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam-Trung Quốc (Quảng Ninh); Đề án xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm phát triển Khu kinh tế Vân Đồn; Đề án điều chỉnh ranh giới vùng đệm di sản Vịnh Hạ Long; Đề án Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận Di sản Thế giới; Đề án phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và thế giới; Đề án thí điểm phát triển công nghiệp văn hóa tại tỉnh Quảng Ninh.

Tỉnh Quảng Ninh nghiên cứu triển khai, xây dựng hoặc phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương xây dựng các đề án cơ chế chính sách phát triển, liên kết vùng gắn với lộ trình thực hiện cụ thể.

Ưu tiên các dự án kết cấu hạ tầng

Những năm qua, Quảng Ninh đi đầu cả nước về phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, đô thị, nhất là mạng lưới đường cao tốc.

Về các chương trình, dự án để triển khai thực hiện quy hoạch, trong đó, nguyên tắc xác định các dự án đầu tư công là ưu tiên thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng tạo sức lan tỏa lớn, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng gắn với các hành lang phát triển kinh tế (Hành lang kinh tế Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh; hành lang kinh tế Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh; hành lang kinh tế ven biển từ Móng Cái, Quảng Ninh đến Cà Mau); hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao, an sinh xã hội; hạ tầng kỹ thuật đô thị tại ba vùng động lực đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh để thu hút các nguồn vốn đầu tư, bảo đảm cơ cấu đầu tư hợp lý, hiệu quả.

Tiếp tục ưu tiên đầu tư hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, đê điều, cấp nước, thoát nước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại kỳ họp HĐND tỉnh chuyên đề về đầu tư công. Ảnh nguồn Báo Quảng Ninh

Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại kỳ họp HĐND tỉnh chuyên đề về đầu tư công. Ảnh nguồn Báo Quảng Ninh

Tỉnh thu hút các dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công nhằm đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng của tỉnh nhằm phát huy hiệu quả đầu tư của các công trình hạ tầng đã và đang được thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư công. Tập trung thu hút đầu tư, mở rộng, nâng cao năng suất, hiệu quả các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại ba vùng động lực của tỉnh.

Các ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư gồm hệ thống cảng biển, bến cảng đường thủy nội địa, hạ tầng logistics; hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; chế biến, chế tạo ứng dụng công nghệ cao; các khu nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao; phát triển nguồn điện; cấp nước sạch; cơ sở hạ tầng giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường, thương mại, dịch vụ.

Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh

Liên tục những năm từ 2016-2022, Quảng Ninh đạt tốc độ tăng trưởng GRDP trên hai con số, tốc độ đô thị hóa đứng ở tốp đầu cả nước chỉ sau các thành phố trực thuộc Trung ương. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện đáng kể; quy mô, tiềm lực của nền kinh tế tăng lên rõ rệt; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững hơn.

Đặc biệt, trong 03 năm 2020 và 2021, 2022 mặc dù chịu tác động tiêu cực, nghiêm trọng chưa từng có do đại dịch COVID-19 gây ra, tỉnh Quảng Ninh vẫn trở thành một trong số ít những địa phương điển hình, điểm sáng của cả nước thực hiện thành công “mục tiêu kép”, với tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2020 đạt 10,05%, năm 2021 đạt 10,28%, GRDP năm 2022 đạt 10,28%, thu ngân sách nhà nước đạt 56.500 tỷ đồng, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước có số thu nội địa cao.

Tỉnh Quảng Ninh tập trung tạo đột phá trong cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nằm trong nhóm đứng đầu cả nước nhiều năm liên tục về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI).

Kết quả cụ thể: 6 năm liên tiếp (từ năm 2017-2022) đứng thứ I về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) dẫn đầu toàn quốc trong 5 năm (2017, 2018, 2019, 2020, 2022), đứng thứ 2 năm 2021; 4 năm liên tiếp (2019-2022) xếp thứ 1 trong bảng Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS).

Năm 2022, tỉnh Quảng Ninh trở lại đứng thứ nhất trên bảng xếp hạng PAPI toàn quốc, đây là lần thứ 2 Quảng Ninh đứng ở vị trí cao nhất trong 12 năm tham gia khảo sát PAPI. Từ đó, tạo chuyển biến căn bản, thúc đẩy có hiệu quả đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, thu hút được nguồn lực ngoài ngân sách lớn - nguồn động lực có tính đột phá mạnh mẽ cho đầu tư phát triển của Quảng Ninh những năm qua. Đồng thời, tỉnh tiếp tục thực hiện sắp xếp lại, tinh gọn bộ máy, giảm bớt các tầng nấc trung gian, bảo đảm hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.

Trong tầm nhìn đến năm 2030, xây dựng, phát triển Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng Kinh tế Trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu; GRDP bình quân đầu người đạt trên 15.000 USD (theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025).

Phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 15 - kỳ họp chuyên đề về đẩy mạnh đầu tư công của HĐND tỉnh khóa XIV, vào ngày 31/10/2023, ông Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: Khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế, yếu kém trong công tác chuẩn bị đầu tư và hoàn thiện các thủ tục đầu tư, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công rất thấp; nhất là tình trạng né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy trong thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức và có cả người đứng đầu, lãnh đạo quản lý trong lĩnh vực đầu tư công chưa được đẩy lùi để đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm, gắn với bảo đảm khối lượng, chất lượng công trình, hiệu quả sau đầu tư, thu hồi vốn tạm ứng quá hạn hợp đồng. Vì đây là nguồn nội lực, động lực, trụ cột cực kỳ quan trọng tạo ra tăng trưởng GRDP, phát triển kinh tế - xã hội, thu hút vốn đầu tư ngoài xã hội... Do đó, càng phải cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành, các địa phương liên quan trong từng khâu công việc; lấy kết quả, hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công làm căn cứ quan trọng đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao năm 2023.

Tâm Vũ
Quảng Ninh, điểm đến hấp dẫn vốn ngoại
Với sự kết hợp giữa vị trí địa lý chiến lược, hạ tầng hiện đại, nguồn tài nguyên phong phú và chính sách ưu đãi, tỉnh Quảng Ninh đã trở thành điểm sáng trên bản đồ thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam.

Chuyên gia chỉ ra 4 lý do khiến thị trường mua bán ô tô tăng đột biến so với cùng kỳ
Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, số lượng xe bán ra trong tháng 10 năm 2024 tăng tới 53% so với cùng kỳ 2023.

Tăng kỷ cương trong giải ngân vốn công
Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 542/TB-VPCP Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn tại cuộc họp Tổ công tác số 5 về việc kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công hằng năm tại các bộ, cơ quan và địa phương.

Sân bay Long Thành phải hoàn thành trong năm 2025, không thể chậm hơn
Sáng 3/12, tại Đồng Nai, Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra, đôn đốc tiến độ triển khai dự án sân bay Long Thành và đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu.

Thủ tướng: Phấn đấu tăng trưởng GDP khoảng 8% năm 2025
Tại Hội nghị toàn quốc được tổ chức sáng ngày 1/12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã báo cáo những nội dung chủ yếu về tình hình kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2024, giải pháp tăng tốc phát triển KTXH năm 2025.

Hà Tĩnh sắp có nhà máy sản xuất ô tô điện 7.300 tỷ đồng
Dự án Nhà máy sản xuất ô tô điện tại Hà Tĩnh do Công ty CP Đầu tư khu công nghiệp Vinhomes Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, có tổng vốn 7.300 tỷ đồng. Công suất thiết kế của dự án là 400.000 xe/năm.

Tăng cường các giải pháp điều hành tín dụng năm 2024
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 122/CĐ-TTg ngày 27/11/2024 gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tăng cường các giải pháp điều hành tín dụng năm 2024.