Chuyên mục


Đề xuất hỗ trợ tư nhân mua công nghệ nước ngoài làm đường sắt

28/10/2022 23:45 (GMT +7)

Đánh giá "không thể mãi đi vay để thuê nhà đầu tư ngoại xây từng tuyến đường sắt", đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị dành một phần nguồn lực hỗ trợ nhà đầu tư trong nước thực hiện.

Ngày 27/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kinh tế xã hội và ngân sách năm 2022, kế hoạch năm 2023.

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2023, đầu tư công dự kiến tăng 38% so với 2022. PGS.TS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, đại biểu TP Hà Nội, cho rằng đầu tư phải hướng trực tiếp vào khu vực sản xuất cuối cùng và đề nghị rót nguồn lực này vào đầu tư dứt điểm các công trình hạ tầng đang dở dang, hạn chế khởi công mới. Cụ thể, một phần nguồn vốn đầu tư công, ông kiến nghị Chính phủ nên dành để đặt hàng, hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế mạnh vào 3 lĩnh vực, gồm công nghiệp đường sắt, hậu cần vận tải biển và công nghệ thông tin cho chuyển đổi số.

"Không thể cứ đi vay tiền để thuê các nhà đầu tư nước ngoài xây dựng từng tuyến đường sắt đô thị riêng lẻ, sẽ để lại hậu quả lâu dài do không đồng bộ, thiếu kết nối và mãi phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài", ông Cường nói.

Thay vào đó, Chính phủ nên ưu tiên và cam kết dành thị phần cho các nhà đầu tư trong nước để hợp tác hoặc mua lại công nghệ nước ngoài nhằm có ngành đường sắt hiện đại. Tương tự, Chính phủ đặt hàng vào lĩnh vực hậu cần vận tải biển, hạ tầng số... để hình thành nên các tổ hợp đầu tư phát triển các ngành này.

Ông Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, đại biểu TP Hà Nội. Ảnh: Phạm Thắng

Ông Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế Quốc dân, đại biểu TP Hà Nội. Ảnh: Phạm Thắng

Trên thế giới, các cường quốc kinh tế đều phải dựa trên trụ cột là các tập đoàn kinh tế mạnh. Trong khó khăn của khủng hoảng, nhiều tập đoàn kinh tế lớn ra đời nhờ đặt hàng của chính phủ. Vì thế, đại biểu TP Hà Nội kỳ vọng giải pháp đặt hàng không chỉ giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn, còn cho ra đời thêm các tập đoàn kinh tế mạnh, tạo trụ cột và xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, tự cường.

Các đại biểu cũng dành nhiều thời gian thảo luận về khó khăn của doanh nghiệp hiện tại.

Đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) đặt câu hỏi: "Vì sao kinh tế phục hồi nhưng cộng đồng doanh nghiệp vẫn đối mặt nhiều khó khăn?".

Theo báo cáo của Chính phủ, tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 8,83% và cả năm ước đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (6-6,5%). Phát triển doanh nghiệp có nhiều khởi sắc với hơn 163.000 doanh nghiệp thành lập mới và hoạt động trở lại, nhưng vẫn có hơn 13.820 doanh nghiệp khó khăn, rời thị trường.

Theo bà Vang, doanh nghiệp hiện phụ thuộc 70-80% vốn vay từ bên ngoài, trong khi vốn từ ngân hàng có hạn do giới hạn room tín dụng. Ngoài ra, các nhà băng vẫn huy động vốn ngắn hạn, để có nguồn cho vay trung, dài hạn.

"Điều này chứa đựng nhiều nguy cơ cho ngân hàng, doanh nghiệp và nền kinh tế. Trong khi doanh nghiệp phải vay với lãi suất cao, chi phí vốn cao dẫn đến sinh lời thấp", bà Vang phân tích.

Cũng cho rằng sức khoẻ của doanh nghiệp sau hai năm dịch chưa phục hồi tốt, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu thực trạng, nợ của các doanh nghiệp đang là thách thức lớn. "Chúng ta không nên say với thành công mà phải nhìn thẳng vào nguy cơ, thách thức phía trước", ông nhận xét.

Năm 2023, thời hạn hỗ trợ các chính sách tài khóa kết thúc, ông Cường chỉ ra áp lực kép mà doanh nghiệp phải đối mặt. Đó là, họ vừa phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính, vừa trả dần các khoản tiền được giãn, hoãn trong hai năm dịch và trả các khoản nợ tới kỳ đáo hạn.

"Chính phủ cần chuẩn bị sẵn phương án hỗ trợ doanh nghiệp đối phó kịch bản xấu nhất khi xảy ra suy giảm kinh tế", ông Cường nói.

Bà Tô Ái Vang, đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội, ngày 27/10. Ảnh: Phạm Thắng

Bà Tô Ái Vang, đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội, ngày 27/10. Ảnh: Phạm Thắng

Trong báo cáo giải trình các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận ở tổ tuần trước về kinh tế xã hội 2022, kế hoạch 2023, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận, doanh nghiệp đang phải chịu sức ép rất lớn về chi phí sản xuất.

Theo ông, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chưa tăng cao, 9 tháng tăng 2,73% so với cùng kỳ 2021 và dự báo 4% năm nay, nhưng giá sản xuất đang có xu hướng tạo sức ép lên giá cả hàng hóa tiêu dùng. Chỉ số giá nguyên, nhiên vật liệu dùng cho sản xuất đã tăng 6% trong bình quân 9 tháng đầu năm, mức cao nhất 10 năm qua. Cùng đó, chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp tăng 4,71%; giá nhập khẩu hàng hóa tăng cao nhất kể từ năm 2012, gần 10,9%...

Bối cảnh này, ông Hoàng Văn Cường cho rằng, chính sách tài khoá ngược, tức là Chính phủ thu hẹp tài khóa khi tăng trưởng nóng và mở rộng tài khóa trong thời kỳ kinh tế suy giảm, để hỗ trợ doanh nghiệp là lựa chọn phù hợp. Nhưng ông băn khoăn, kế hoạch bội chi cân đối ngân sách ở mức 2,89%, thấp hơn mức 3,75% năm 2022, là khó khả thi và sẽ thu hẹp các chính sách tài khoá.

Ông Cường nói, kiểm soát bội chi thấp là mục tiêu dài hạn, nhưng trong bối cảnh cần sử dụng chính sách tài khóa ngược thì chấp nhận tăng bội chi để có nguồn lực cho phát triển, cần được tính đến.

Bà Tô Ái Vang cũng kiến nghị Chính phủ rà soát, xây dựng lại các giải pháp hỗ trợ mạnh mẽ hơn, để giúp doanh nghiệp phục hồi, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chẳng hạn, kéo dài các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí; điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp, tiếp tục cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp.

"Các ngân hàng thương mại cần tiết giảm chi phí hoạt động để có dư địa giảm lãi suất cho vay, nhất là lĩnh vực ưu tiên như chế biến nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến...", bà Vang gợi ý.

Ông Trần Hoàng Ngân, đại biểu TP HCM đề nghị chuyển nguồn vốn từ chính sách hỗ trợ lãi suất 2% chưa giải ngân sang chính sách hỗ trợ miễn, giảm, giãn thuế cho doanh nghiệp và kéo dài thời gian áp dụng.

Theo chương trình nghị sự, Quốc hội thảo luận kinh tế xã hội và ngân sách 2022, kế hoạch 2023 trong hai ngày 27 - 28/10.

Theo Báo điện tử Vnexpress
Hải Phòng yêu cầu di chuyển hàng hoá ra khỏi Cảng Hoàng Diệu
UBND quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng yêu cầu các Đại lý/Hãng tàu và chủ hàng chủ động liên hệ tới Công ty TNHH MTV Cảng Hoàng Diệu để thực hiện di chuyển hàng hoá, tài sản ra khỏi các kho, bãi tại Công ty TNHH MTV Cảng Hoàng Diệu trước ngày 22/8/2024.

Chủ đầu tư xây cao tốc vướng khi khai thác mỏ cát
Bộ GTVT vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Bình hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB) và khai thác mỏ cát theo cơ chế đặc thù phục vụ thi công gói thầu XL02 dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Vũng Áng - Bùng.

Quảng Ngãi giải ngân vốn đầu tư công thấp
Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh Quảng Ngãi giải ngân hơn 1.500 tỷ đồng, đạt hơn 22% kế hoạch được giao.

Vietjet mua 20 tàu bay thân rộng thế hệ mới A330neo
Hãng hàng không Vietjet và Tập đoàn chế tạo máy bay Airbus vừa ký hợp đồng đặt mua 20 máy bay thân rộng thế hệ mới A330neo (A330-900) với tổng trị giá 7,4 tỷ USD.

6 giải pháp ứng phó với cước vận tải biển leo thang
Trước tình trạng giá cước vận tải biển tăng mạnh, gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương vừa có công văn gửi các Hiệp hội đề xuất 6 giải pháp nhằm thúc đẩy xuất nhập khẩu trong bối cảnh hiện nay.

Tháo gỡ khó khăn thiếu tàu bay cho các hãng hàng không
Đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam giảm khoảng 40 - 45 chiếc so năm 2023 do việc triệu hồi động cơ của nhà sản xuất và việc tái cơ cấu của Bamboo Airways, Pacific Airlines. Trong khi, hàng không nội địa khó tìm được tàu bay thuê do giá thuê tăng cao.

Các đơn vị điện lực, viễn thông sẽ phải trả phí thuê hạ tầng đường bộ
Luật Đường bộ mới được Quốc hội thông qua đã bổ sung quy định thu phí từ khai thác, sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông và công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung.