"Đăng kiểm ô tô giả" quá đắt và rủi ro
Nếu như mua đăng kiểm giả, người mua phải chịu giá khoảng tầm 3-4 triệu, nhưng nếu bị phạt chủ xe sẽ mất thêm trên dưới 10 triệu cộng thêm tước bằng lái xe và nhiều giấy tờ khác. Nhưng tại sao nhiều người vẫn sử dụng đăng kiểm giả?
Mua đăng kiểm giả cho nhanh
Tiêu chí 3 không được quảng cáo khi mua đăng kiểm giả - Không mất thời gian mang xe đi đăng kiểm, không phải mệt mỏi xếp hàng chờ đến lượt, không mất thời gian kiểm tra xe trước khi đăng kiểm
Đăng kiểm xe là một hình thức do cơ quan chuyên ngành kiểm định về chất lượng xe có đảm bảo chất lượng hay không. Mỗi tỉnh thành phố đều có 1 hoặc nhiều trung tâm đăng kiểm xe cơ giới. Công việc này bao gồm kiểm tra toàn bộ máy móc trong và ngoài của xe xem có đạt tiêu chuẩn hoặc cần sửa chữa để đảm bảo an toàn cho người lái và cả những người tham gia giao thông khác.
Việc đăng kiểm cũng không quá gắt gao, trong quá trình đăng kiểm phương tiện điều khiển đạt yêu cầu, chủ xe sẽ được cấp giấy phép chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hoặc gia hạn cho phép xe ô tô được lưu thông trên đường. Trong trường hợp xe chưa đạt yêu cầu, chủ xe cần sửa chữa đến khi đạt mới được cấp giấy chứng nhận.
Thế nhưng nhiều chủ xe lại tìm đến các dịch vụ làm giả loại giấy này, với những lí do thoái thác như bị phạt nguội, tự ý thay đổi kết cấu; màu sơn hay xe quá cũ; không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật nên không được đăng kiểm,v.v…cùng với đó là đăng kiểm giả được bán tràn lan, nên ngày càng có nhiều chủ phương tiện mạo hiểm sử dụng loại giấy tờ này để qua mặt cơ quan chức năng.
Việc mua bán, sử dụng giấy đăng kiểm giả không chỉ vi phạm pháp luật mà còn tiềm nhiều ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông khi người sử dụng không được trang bị đầy đủ kiến thức để điều khiển xe tham gia giao thông. Nhất là đối với những xe đã quá cũ, thiếu an toàn giao thông.
Nhiều chủ xe lại tìm đến các dịch vụ làm giả loại giấy này vì muốn trốn tránh nghĩa vụ sử dụng
Theo quy định xe ô tô phải được các Trung tâm Đăng kiểm, kiểm định đảm bảo các quy định về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường mới được lưu hành, nhằm đảm bảo an toàn cho người lái và cả những người tham gia giao thông khác.
Trường hợp chủ phương tiện cố tình, tìm mua và sử dụng các loại giấy đăng kiểm giả, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Và rủi ro lớn nhất là nguy cơ tai nạn giao thông do phương tiện không được kiểm tra về an toàn kỹ thuật, gây thiệt hại cả về tài sản và tính mạng của con người.
Thế nhưng bất chấp tính mạng con người và pháp luật, các đối tượng làm giả giấy tờ xe luôn đưa ra lời đề nghị đánh vào tâm lý của những người thiếu hiểu biết muốn có giấy đăng kiểm nhanh và có thể “chữa cháy” trong những trường hợp cấp bách.
Phân biệt giấy đăng kiểm thật và giả, không dễ qua mặt cơ quan chức năng
Hiện nay, chủ xe có thể dễ dàng tìm thấy những nơi mua bán loạt giấy tờ này, chỉ một cú gõ trên internet “cần mua giấy đăng kiểm ô tô giả”, ngay lập tức xuất hiện hơn 29 triệu kết quả với nhiều lời mời chào hấp dẫn đến từ các website cam kết dịch vụ uy tín – chất lượng - nhanh gọn. Nhưng khi truy cập vào thì hầu hết các trang giao bán công khai này đòi hỏi phải kết nối riêng tư, để lại số điện thoại. Với hình thức nhận cọc mới chốt làm và khi làm chỉ mất vài ngày, hoặc chỉ là vài giờ chủ phương tiện sẽ nhận được 2 tem và sổ đăng kiểm mới.
Lượn dạo một vòng quanh chợ mạng, không khó để bắt gặp thông tin về việc làm giả giấy tờ từ bằng lái, cà-vẹt xe và cả chứng nhận đăng kiểm. Thông tin liên hệ của người bán cũng được đăng công khai. Tuy nhiên, số điện thoại dùng để liên hệ thường là SIM rác, và rất khó có thể tiếp cận được nơi sản xuất.
Cam kết được quảng cáo trên 1 website làm giả giấy tờ.
Đa phần các đối tượng sẽ hạn chế giao dịch trực tiếp, mà chỉ thông qua mua bán trên các nền tảng mạng xã hội. Giấy đăng kiểm sau khi hoàn thành sẽ được giao tới khách hàng thông qua hình thức chuyển phát nhanh. Cam kết tất cả dịch vụ được thực hiện bí mật từ A – Z, vận chuyển tận nơi và chất lượng tuyệt đối, hình thức 100 % giống thật.
Với nhiều thủ đoạn tinh vi, ngay cả bằng mắt thường cũng khó có thể phân biệt đâu là thật đâu là giả. Thế nhưng, những giấy tờ này có làm giống thật thế nào, cũng khó có thể qua mắt được cơ quan chức năng.
Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, Chứng nhận đăng kiểm (bao gồm giấy chứng nhận, tem đăng kiểm) được cấp theo kỳ hạn, khi đến hạn, phương tiện phải được kiểm định tại trung tâm đăng kiểm, trường hợp đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường mới được cấp tiếp chứng nhận đăng kiểm.
"Giấy chứng nhận đăng kiểm và tem đăng kiểm được Cục Đăng kiểm VN quản lý và cấp phôi cho các trung tâm đăng kiểm, và có những đặt điểm riêng. Do vậy, các ngành chức năng dể dàng phát hiện giấy đăng kiểm giả bằng các biện pháp nghiệp vụ hoặc có thể phát hiện thông qua tra cứu thông tin đăng kiểm của phương tiện trên website Cục Đăng kiểm Việt Nam tại www.vr.org.vn"
Phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục đăng kiểm) khẳng định Giấy chứng nhận đăng kiểm, tem đăng kiểm là hai thành phần không tách rời của chứng nhận đăng kiểm xe. Tem đăng kiểm được dán trên kính xe để tiện cho chủ xe theo dõi và phục vụ kiểm soát của lực lượng chức năng đối với phương tiện.
Giấy, tem đăng kiểm được Cục Đăng kiểm quản lý, cấp phôi cho các trung tâm đăng kiểm. Các trường hợp dùng giấy, tem đăng kiểm mà nguồn gốc phôi không do Cục Đăng kiểm cấp đều không có giá trị. Đồng thời, khuyến nghị chủ phương tiện, trường hợp giấy chứng nhận bị mất, rách hỏng không nên dùng giấy tờ đăng kiểm giả hoặc tẩy xóa để tránh bị xử phạt nặng theo quy định tại Nghị định 100.
Được biết, chi phí cho một lần đăng kiểm giao động từ 200 - 600 nghìn đồng cho một lần, tùy thuộc vào từng loại xe, mà chủ sở hữu xe cần đối chiếu mức phí đăng kiểm và các phụ phí, để chuẩn bị.
Lệ phí đăng kiểm mới nhất từ Cục Đăng kiểm
Giá đăng kiểm thì rẻ, nhưng cái giá phải trả cho một lần dùng "hàng rởm" thì lại quá đắt
Luật sư Trần Minh Cường, Giám đốc điều hành Công ty Luật S&P
Về mức xử phạt, theo luật sư Trần Minh Cường, Giám đốc điều hành Công ty Luật S&P cho biết tại khoản 5 Điều 16 Nghị định 100 quy định phạt 4-6 triệu đồng đối với các hành vi sử dụng giấy chứng nhận, tem đăng kiểm không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc bị tẩy xóa, điều khiển xe không có giấy hoặc tem đăng kiểm (trừ trường hợp xe đăng ký tạm thời) hoặc có nhưng đã hết hạn sử dụng từ 1 tháng trở lên.
Ngoài ra còn thêm hình thức phạt bổ sung là tịch thu giấy, tem đăng kiểm, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1-3 tháng. So với năm 2019, Nghị định 100 còn bổ sung quy định tịch thu phương tiện nếu người vi phạm không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ.
Không chỉ người điều khiển phương tiện, điểm mới của Nghị định 100 còn quy định phạt 4-6 triệu đồng đối với cá nhân, 8-12 triệu đồng đối với tổ chức là chủ phương tiện đưa ôtô có giấy, tem đăng kiểm không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc bị tẩy xóa tham gia giao thông (khoản 8 Điều 30).
Cơ quan chức năng cũng sẽ tịch thu xe trong trường hợp người điều khiển không có giấy đăng ký xe hoặc có nhưng không chứng minh được nguồn gốc phương tiện.
Về xử lý hình sự đối với người bán đăng kiểm giả, luật sư Cường cho biết theo quy định tại Điều 341.1 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.
Tuy nhiên, nếu như hành vi phạm tội có dấu hiệu nghiêm trọng hơn, thì mức xử phạt sẽ là cao hơn cả về mức phạt tiền lẫn thời gian phạt tù. Nếu người vi phạm thu lợi bất chính 50 triệu đồng trở lên, mức phạt tù có thể lên tới 7 năm tù.