Cienco 4 "quẩn quanh" kho bất động sản
CTCP Tập đoàn Cienco 4 (mã C4G) có "tiền sử" câu giờ sửa chữa, khắc phục công trình xuống cấp; có phương án kéo dài thời gian thu phí BOT; thậm chí những dự án bất động sản - lĩnh vực tiêu hao dòng tiền của đơn vị này cũng trong trạng thái "chết lâm sàng" nhiều năm.
Tổng cục Thuế vừa có Quyết định số 1326 về Phê duyệt kế hoạch kiểm tra chuyên ngành năm 2023 của Tổng cục thuế. Trong danh sách 42 công ty thuộc diện kiểm tra chuyên ngành năm 2023 có sự xuất hiện của loạt cái tên đình đám thuộc nhiều lĩnh vực. Đáng chú ý, có sự xuất hiện của nhiều doanh nghiệp xây dựng trong đó bao gồm cả Công ty CP Tập đoàn Cienco 4.
Lần khần chi sửa chữa, học "chiêu" kéo dài thời gian thu phí
Theo cập nhật của PV Banduong.vn, những ngày cuối tháng 8, Chi nhánh BOT tuyến tránh TP Vinh – đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, bảo trì tuyến quốc lộ 1 (QL 1) đoạn từ Nam cầu Bến Thủy đến Bắc tuyến tránh TP Hà Tĩnh đang bắt đầu những bước đầu tiên huy động máy móc, nhân lực tiến hành cào bóc, thảm lại mặt cầu...
Tuy nhiên, công tác này của C4G được thực hiện quá chậm trễ. Kể từ khi đưa vào khai thác, sử dụng từ năm 2014 đến nay, đặc biệt giai đoạn 2020 - 2022, công tác duy tu, sửa chữa các hư hỏng, xuống cấp của Cienco4 chưa kịp thời và không đảm bảo, trên tuyến có nhiều đoạn xuống cấp, nhiều vị trí hư hỏng, hằn lún, ổ gà, bong tróc mặt đường, hệ thống vạch sơn bị mờ, mất tác dụng báo hiệu,… Song, đơn vị quản lý, khai thác chưa khắc phục sửa chữa hoặc khắc phục sửa chữa nhưng chưa triệt để, sửa chữa còn manh mún, mang tính đối phó. Đơn vị cũng không chủ động triển khai mà UBND tỉnh Hà Tĩnh và cơ quan quản lý đường bộ đã nhiều lần có văn bản gửi nhà đầu tư yêu cầu sửa chữa, khắc phục hư hỏng, đảm bảo ATGT trên tuyến QL 1.
Cổ đông lớn thứ 2 của Công ty cổ phần Tập đoàn CIENCO4 (mã C4G - UpCOM), Công ty chứng khoán VNDRirect nhận định, C4G vẫn đang có sức khỏe tài chính tốt nhờ dự án BOT duy nhất được hợp nhất của công ty là Nam Bến Thủy 2 vẫn đang có dòng tiền hàng năm dương. Mục tiêu sản xuất kinh doanh năm 2023 được CIENCO4 đặt ra doanh thu đạt 4.500 tỷ đồng.
Chỉ đến khi có văn bản gần đây nhất là cuối tháng 7/2023, Cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu Cienco 4 khẩn trương tổ chức sửa chữa, khắc phục hư hỏng đoạn tuyến Quốc lộ 1 nêu trên. Trường hợp khắc phục chậm hoặc không đảm bảo chất lượng, đơn vị này tiếp tục hoàn thiện các hồ sơ pháp lý, làm cơ sở để Cục Đường bộ xem xét tạm dừng thu phí BOT Nam Bến Thủy 2 thì C4G mới chịu sửa chữa!?
Dự án nâng cấp, mở rộng QL 1 đoạn từ Nam cầu Bến Thủy đến Bắc tuyến tránh TP Hà Tĩnh đã được dài 35 km với kinh phí hơn 2.400 tỷ đồng do Công ty CP Tập đoàn Cienco 4 làm chủ đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh - chuyển giao). Chi nhánh BOT tuyến tránh TP Vinh – đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, bảo trì tuyến QL 1 đoạn từ Nam cầu Bến Thủy đến Bắc tuyến tránh TP Hà Tĩnh. Tuyến đường được thiết kế với tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, có 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, bề rộng mặt đường 20,5m.
Thông tin mới nhất liên quan đến dự án này, lãnh đạo C4G cho biết, chi nhánh BOT tuyến tránh TP Vinh khi hoàn thành sửa chữa đoạn nói trên thì tình trạng hư hỏng mặt đường tuyến QL 1 qua Hà Tĩnh khắc phục được khoảng 60 - 70%. Phần còn lại, nhà đầu tư - Cienco 4 và Chi nhánh BOT tuyến tránh TP Vinh đang xây dựng kế hoạch trung tu đường năm 2022 với nguồn vốn dự kiến dự kiến khoảng 61,5 tỷ đồng. Trường hợp được chấp thuận, việc sửa chữa, khắc phục các hư hỏng, xuống cấp tuyến QL 1 sẽ được triển khai đồng bộ, đảm bảo ATGT.
Trước đó, cuối tháng 2/2023, doanh nghiệp dự án BOT tuyến tránh TP Vinh và nâng cấp, mở rộng QL1A đoạn Nam cầu Bến Thủy - tuyến tránh TP.Hà Tĩnh cũng đã phát văn bản đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam cho phép tăng mức phí sử dụng đường bộ tại trạm Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2 những vẫn chưa được chấp thuận dù đã nhiều lần đề nghị.
Tại dự án BOT Yên Lệnh do liên danh Tổng công ty Xây dựng Thăng Long và Tổng công ty Xây dựng giao thông 4 (Cienco4) là chủ đầu tư hết hạn thu phí vào ngày 2/9/2019. Nhưng trước đó gần một tháng, vào ngày 5/8/2019 Sở giao Thông Vận tải Hưng Yên đã ban hành văn bản số 1507/SGTVT-KCHT. V/v báo cáo phương án giảm phí sử dụng đường bộ qua trạm thu phí Yên Lệnh. Văn bản này có nêu: “Theo hợp đồng BOT, thời gian thu phí hoàn vốn dự án xây dựng cầu Yên Lệnh (cũ) sẽ hết hạn ngày 2/9/2019. Sau đó, do đầu tư dự án xây dựng Quốc lộ 38 từ cầu Yên Lệnh đến nút giao Vực Vòng (Trong đó chủ yếu đầu tư xây dựng tuyến mới bên địa phận tỉnh Hà Nam) nên tiếp tục sử dụng Trạm thu phí Yên Lệnh hiện nay để thu hoàn vốn BOT đến ngày 9/12/2026.
Còn nhớ, tại thời điểm đó, việc thu phí đã gây bức xúc trong dư luận. Nhiều tài xế phàn nàn: "Chỉ với 8/10km cầu và đường xây mới, với mức thu phí thấp nhất là 35.000đ/xe tiêu chuẩn (trong đó phí cầu là 15.000đ, phí BOT 20.000đ) là "quá cao". Đã kéo dài thời gian thu phí, lại tăng giá phí thì quá thể"! Khi đó, theo phản ánh đã có một bộ phận người dân phản đối ở Trạm thu phí Yên Lệnh.
Những hố tử thần, dầm cầu gãy...
Vừa tháng 8/2023, trao đổi với PV ngày 9/8, lãnh đạo Văn phòng Quản lý Đường bộ I.4 (Cục Đường bộ Việt Nam) cho biết: Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên xuất hiện mưa lớn, khoảng 15h chiều cùng ngày, tại Km83+640 phải tuyến QL.3, thuộc địa phận thị trấn Giang Tiên, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, đơn vị tuần đường phát hiện một hố sụt lún có chiều rộng khoảng 3,5 mét, sâu 5 mét.
Ngay sau khi phát hiện sự cố, BOT Thái Nguyên - Chợ Mới đã bố trí biển báo, cảnh giới an toàn giao thông. Văn phòng QLĐB I.4 cũng yêu cầu nhà thầu thi công khẩn trương huy động vật liệu, máy móc san lấp, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. “Cũng may là phát hiện vào ban ngày, nếu trong điều kiện trời tối thì rất dễ dẫn đến tai nạn giao thông”, vị lãnh đạo thông tin.
Nhà đầu tư dự án BOT trên là Liên danh Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco4) - Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc - Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại Trường Lộc. Trước đó, báo cáo Bộ GTVT, Công ty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ Mới đã đề xuất 2 phương án đầu tư các hạng mục bổ sung để cứu dự án khỏi nguy cơ phá sản do không thu phí tại BOT trên Quốc lộ 3.
Cụ thể, nhà đầu tư đề xuất nâng cấp 40km tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới và làm thêm gần 29km nối Chợ Mới - thành phố Bắc Kạn và thu phí toàn tuyến. Dự kiến tổng mức đầu tư cho phương án này hơn 4.800 tỷ đồng, trong đó nhà nước hỗ trợ hơn 4.000 tỷ đồng, nhà đầu tư bổ sung thêm gần 700 tỷ đồng. Thời gian thu phí hoàn vốn 36 năm 2 tháng. Với phương án còn lại, nhà đầu tư đề xuất nâng cấp tuyến cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới hiện hữu, làm mới đoạn Chợ Mới - Bắc Kạn dài hơn 9km, và thu phí toàn tuyến. Tổng mức đầu tư ước tính hơn 2.500 tỷ đồng, toàn bộ từ ngân sách nhà nước hỗ trợ. Thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 28 năm 11 tháng.
Dự án BOT Thái Nguyên - Chợ Mới có 2 cấu phần, gồm đầu tư mới tuyến cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới dài gần 40km, nâng cấp và mở rộng 25k Quốc lộ 3 hiện hữu. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng. Nhà đầu tư được thu phí cả trên tuyến cao tốc mới và Quốc lộ 3 để thu phí hoàn vốn. Tháng 5/2017 dự án trên đưa vào khai thác, nhưng nhà đầu tư chỉ thu phí được trên tuyến cao tốc, trạm thu phí Bờ Đậu (Thái Nguyên) trên Quốc lộ 3 không thu được do người dân phản đối.
Lùi về thời gian trước đó, trong năm 2021, sau khi giai đoạn 1 của dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư được đưa vào khai thác đã có rất nhiều điểm bị hỏng, biểu hiện trên mặt đường bê tông nhựa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc vận hành khai thác, an toàn khi tham gia giao thông.
Kết luận giám định cho thấy, chất lượng công trình xây dựng của tất cả 7 gói thầu (phần đường) thuộc giai đoạn I của dự án này đều không bảo đảm chất lượng đúng như tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế dự án, như chiều dày lớp bê tông nhựa VTO/Novachip không bảo đảm quy định, độ rỗng dư, hàm lượng nhựa, hệ số thấm không đạt yêu cầu quy định; lớp bê tông nhựa hạt mịn thiếu chiều dày bình quân; các lớp bê tông nhựa có hiện tượng bong tróc cốt liệu...
Quá trình thi công, nghiệm thu, các bên liên quan đã không thực hiện đo nghiệm thu cường độ mặt đường trên các lớp vật liệu hoàn thành, không đo hệ số thấm của lớp bê tông nhựa tạo nhám để đánh giá chất lượng công trình xây dựng sau khi thi công, dẫn đến không kiểm soát được chất lượng hạng mục công trình xây dựng, nhưng đã ký nghiệm thu, đề nghị đưa công trình vào khai thác sử dụng.
Trong quá trình điều tra xác định, mặc dù công trình có nhiều hạng mục không đảm bảo chất lượng, nhưng chủ đầu tư vẫn nghiệm thu, thanh toán hơn 811 tỷ đồng cho các nhà thầu. Được biết, ở giai đoạn 1 của dự án (đoạn đường 65km) gồm các gói thầu số 1, 2, 3B, 4, 5, 6, 7 với sự có mặt của các công ty thuộc họ “Cienco”.
Sau khi sự việc được đưa ra pháp luật, những doanh nghiệp liên quan phải bồi thường hơn 600 tỷ đồng cho chủ đầu tư VEC, riêng Cienco 4 là 23 tỷ đồng. Được biết, gói thầu số 4 do liên danh nhà thầu gồm Cienco 4, Tổng công ty Xây dựng Sông Đà, Tổng công ty Xây dựng Thăng Long và CTCP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc thực hiện, trị giá 2.066 tỷ đồng.
Để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, kế hoạch giải ngân theo mục tiêu đề ra, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cảnh cáo Cienco4 chưa nghiêm túc thực hiện kế hoạch
Tại dự án chậm tiến độ cao tốc đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt (cao tốc Bắc - Nam) có tổng vốn đầu tư là 11.157,82 tỷ đồng, Cienco4 cũng góp mặt cùng Liên danh Công ty TNHH Hòa Hiệp - Công ty TNHH Đầu tư Núi Hồng - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn - Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Vina2.
Đặc biệt, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông kiến nghị Bộ GTVT yêu cầu Ban Quản lý dự án 6 đưa dự án Diễn Châu (Nghệ An) – Bãi Vọt (Hà Tĩnh) vào tình trạng theo dõi đặc biệt vì thi công chậm.
Tại dự án cải tạo, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất, nhà thầu xây lắp là Cienco4 cũng bị Bộ Giao thông Vận tải phê bình do thi công thường xuyên chậm tiến độ; không bố trí đầy đủ nhân lực, máy móc để thực hiện công việc theo đúng hợp đồng.
Vào tháng 10/2022, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận có công văn gửi Tổng giám đốc Tập đoàn Cienco 4 về việc thi công chậm tiến độ tại Gói thầu XL-02, Dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, giai đoạn 1.
Theo đơn vị được Bộ GTVT giao nhiệm vụ chủ đầu tư, vào đầu tháng 9/2022, Cienco4 đã có văn bản cam kết tiến độ thi công tại Gói thầu XL-02 với các mốc thời gian hoàn thành cầu Ba Càng như sau: hoàn thành lao dầm 5 nhịp ngày 10/10/2022; hoàn thành bản mặt cầu 5 nhịp ngày 31/10/2022.
Tuy nhiên, từ ngày 10/9/2022 đến thời điểm tháng 10/2022, tiến độ thi công nhà thầu vẫn không chuyển biến đáng kể, cụ thể: cầu Ba Càng tiến độ lao dầm rất chậm, mới lao dầm được 1 nhịp/5 nhịp.
Lãnh đạo Ban quản lý dự án Mỹ Thuận khẳng định, việc liên tiếp chậm tiến độ thi công theo cam kết thuộc trách nhiệm chủ quan của nhà thầu, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch giải ngân và thời gian hoàn thành dự án theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT.
Để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, kế hoạch giải ngân theo mục tiêu đề ra, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cảnh cáo Cienco4 chưa nghiêm túc thực hiện kế hoạch, chậm thi công lao lắp dầm, bê tông bản mặt cầu Ba Càng do chính đơn vị đề ra.
... đến những dự án bất động sản "ngủ đông"
Tại dự án ngàn tỷ đảo chè Cầu Cau (Thanh Chương, Nghệ An), năm 2017 Công ty Cổ phần Tập đoàn Cienco 4 lên kế hoạch triển khai dự án “Khu du lịch, dịch vụ hỗn hợp và nghỉ dưỡng Cầu Cau” với tổng kinh phí lên đến 1.532 tỷ đồng, quy mô hơn 449 ha nằm trên địa phận hành chính của 2 xã Thanh An và Thanh Thịnh.
Vẽ lên khung cảnh hết sức hào nhoáng của một khu nghỉ dưỡng trong mơ với 83,9 ha mặt hồ, 280 ha khu vực trồng cây xanh, phần còn lại sẽ hình thành 5 khu chức năng riêng biệt (khu đón tiếp; khu nghỉ dưỡng; khu vui chơi, giải trí; khu làng nghề và khu thiền viện).
Theo lộ trình, dự án “khủng” sẽ thực hiện trong 5 năm, từ 2017 đến 2022. Trong đó, giai đoạn 1 (2017 – 2018) sẽ tiến hành xây dựng khu đón tiếp và hạ tầng thiết yếu làm điểm nhấn nhằm kết nối các phân khu khác. Giai đoạn 2 sẽ đầu tư khu nghỉ dưỡng gồm khu sinh thái số 1 và số 2 (2018 – 2019), từ 2020 – 2022 sẽ hoàn thiện các phân khu chức năng còn lại. Khi hoàn thành dự án đạt tiêu chuẩn 4 sao, đảm bảo phục vụ hiệu quả nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, phục hồi sức khỏe, khai thác tiềm năng của huyện Thanh Chương và tỉnh Nghệ An.
Tuy nhiên, thực tiễn không đúng như lộ trình đã đặt ra, sau khi được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 2/2017 tại Quyết định 550/QĐ-UBND, Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000 vào 12/2017… phía Cienco 4 rốt ráo trong thời gian đầu, sau đó thì bỏ bẵng hoàn toàn, công tác đền bù, hỗ trợ GPMB gần như bằng không.
Động thái trên khiến cho các bên liên quan không khỏi hoang mang, đặc biệt là chính quyền cấp huyện, xã, những cơ quan ra sức tuyên truyền, vận động nhân dân đồng hành suốt thời gian dài đẩy họ vào thế gọng kìm.
5 năm kể từ khi được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương, nay mọi thứ vẫn ở dạng sơ khai, đảo chè Cầu Cau vẫn vẹn nguyên như những gì vốn có, niềm tin của hàng trăm hộ dân đã không còn. Không muốn kéo dài tình cảnh đêm dài lắm mộng, phía UBND huyện Thanh Chương, UBND xã Thanh An và Thanh Thịnh đồng thuận kiến nghị, đề xuất UBND tỉnh Nghệ An kiên quyết thu hồi dự án “treo” nhằm tạo điều kiện thu hút những doanh nghiệp đủ tiềm lực, thực tâm muốn vào thay thế.
Ông Nguyễn Hữu Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương chia sẻ thông tin về cuộc họp gần nhất diễn vào đầu năm 2023 giữa các bên liên quan, do Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì. Tại cuộc họp, chủ đầu tư xin chủ trương gia hạn, tỉnh đồng ý nhưng yêu cầu Cienco 4 phải “ký quỹ”, đồng thời nộp tiền theo quy định để đảm bảo tính khả thi. “Chưa rõ họ đã nộp tiền hay chưa, dự án có được gia hạn hay không, đến thời điểm này chúng tôi chưa nhận được bất kỳ văn bản chính thức nào của tỉnh”, ông Hiền khẳng định.
Dự án Khu đô thị Long Sơn 1, 2, 3, 4 do Công ty CP đầu tư và phát triển bất động sản Thành Vinh; Công ty CP tập đoàn Cienco 4 làm Chủ đầu tư có diện tích 7 ha, nằm ở vị trí rất đắc địa của Thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An trước đây cũng nhận được khá nhiều sự quan tâm của dư luận. Dự án này đã và đang được một số tổ chức rao bán rầm rộ trên các trang mạng xã hội, áp phích quảng cáo treo dọc các tuyến đường.
Theo như quảng cáo trên các trang mạng xã hội thì khách hàng sẽ ký “hợp đồng” – Thỏa thuận giữ chỗ, “TNR Thái Hòa – Dự án đầu tiên đảm bảo lãi suất 10%/năm, chiết khấu lên tới 6%, sổ đỏ nhận ngay, giảm nỗi lo tài chính với chương trình hỗ trợ vay ưu đãi 0% trong 12 tháng, đặc biệt đón đầu tiềm năng kinh doanh trong năm 2021 cùng dự án đa hoàn thiện 100% TNR Stars Thái Hòa”.
Sau khi nhiều lần UBND Thị xã Thái Hòa "tuýt còi" vì các dự án khu đô thị Long Sơn 1, 2, 3, 4 chưa đủ điều kiện để bán, ký hợp đồng mua bán nhà ở, nhận đặt cọc tiền của người mua bán nhà ở hình thành trong tương lai… do dự án chưa có văn bản của cấp thẩm quyền (Sở Xây dựng Nghệ An) thông báo đủ điều kiện được bán, các dự án này chưa đầu tư xây dựng hoàn thành các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch được phê duyệt.
Cienco4 đã chuyển nhượng một phần dự án Khu đô thị Long Sơn 1 vào thời điểm đầu năm 2022, với tổng diện tích phần dự án chuyển nhượng là 119.797,4 m2 cho đối tác là Công ty cổ phần Đầu tư phát triển bất động sản Thành Vinh. Trong đó, đất để sử dụng mục đích xây dựng nhà ở là 58.218,9 m2, đất cho mục đích dịch vụ thương mại là 6.368,3 m2 và đất cho các mục đích công cộng là 55.210,2 m2.
Mục đích chuyển nhượng là thu hồi vốn đầu tư dự án Đầu tư xây dựng cầu Hiếu 2 và đường hai đầu cầu thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An theo hình thức hợp đồng BT. Trước đó, để ghi lợi nhuận trong năm 2020, Cienco4 cũng đã chuyển nhượng 2 dự án Long Sơn 2 và Long Sơn 4, theo Quyết định số 3441/QĐ-UBND và Quyết định 3442/QĐ-UBND về việc chấp thuận chuyển nhượng 2 dự án này cho Công ty Cổ phần đầu tư và Phát triển Bất động sản thành Vinh.