Chứng khoán tăng sau mùa báo cáo tài chính
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục xu hướng hồi phục nhờ các ngành nhạy cảm với lãi suất hay nhóm xây dựng và vật liệu xây dựng. Đặc biệt là kỳ vọng thúc đẩy giải ngân đầu tư công.
Khả năng Fed sẽ sớm dừng việc tăng lãi suất trong bối cảnh lạm phát đang hạ nhiệt. Fed đang hướng tới cách tiếp cận theo dõi chặt chẽ dữ liệu kinh tế sắp tới và tác động đối với triển vọng kinh tế.
Còn ở trong nước, xuất khẩu đang dần có tín hiệu khởi sắc từ tháng 5, nhờ vào việc Việt Nam xúc tiến thương mại mạnh mẽ, mặc dù nhu cầu toàn cầu vẫn còn suy yếu. Theo số liệu từ Tổng cục thống kê ước tính cho tháng 5, xuất khẩu ước đạt 29,05 tỷ USD (tăng 4,3% so với tháng trước và giảm 5,9% so với cùng kỳ). Đà giảm đã thu hẹp đáng kể so với hai tháng trước đó. Sự phục hồi từ thị trường Trung Quốc sau khi mở cửa sẽ phần nào bù đắp được dấu hiệu sụt giảm từ thị trường Mỹ. Từ đó, xuất khẩu và hoạt động sản xuất công nghiệp trong nước kì vọng có thể sẽ khởi sắc hơn nữa trong nửa cuối năm.
Mặt khác, giải ngân vốn FDI vẫn ổn định trong 5 tháng đầu năm, đạt khoảng 7,65 tỷ USD. Đội ngũ phân tích tin rằng Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn khi các doanh nghiệp cân nhắc chiến lược Trung Quốc+1, cũng như khi bối cảnh kinh tế toàn cầu có sự khởi sắc. Đáng chú ý, đầu tư công để phát triển cơ sở hạ tầng và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia VIII được thông qua gần đây sẽ là động lực quan trọng để thu hút FDI trong dài hạn. Thêm vào đó, nguồn nhân lực ổn định và nỗ lực cải cách thủ tục hành chính cũng là điểm cộng khi thu hút FDI.
Theo dự đoán, đầu tư công là động lực tăng trưởng quan trọng trong các tháng còn lại của năm 2023, nhưng cần tăng tốc trong tiến độ giải ngân. Để đạt được từ 95% đến 100% kế hoạch Thủ tướng giao, ước tính bình quân 9 tháng còn lại phải giải ngân mỗi tháng ít nhất từ 62 đến 66 nghìn tỷ đồng (gấp gần 2 lần so với mức giải ngân bình quân của tháng 3 và tháng 4). Nếu đạt được, thậm chí số vốn giải ngân đầu tư công năm nay có thể tăng đến 18,8 - 25% so với cùng kỳ.
Hiện, Ngân hàng Nhà nước đã và đang điều hành chính sách một cách chủ động, linh hoạt, cân bằng giữa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và hỗ trợ doanh nghiệp, người dân nói riêng và phục hồi tăng trưởng kinh tế nói chung. Tuy nhiên, hệ thống cũng đang chịu áp lực khá lớn do một lượng lớn trái phiếu đáo hạn từ tháng 6 đến tháng 9. Điểm sáng trong 5 tháng đầu năm, các doanh nghiệp tiếp tục tích cực mua lại trái phiếu trước hạn, tăng 62% lên 68.130 tỷ đồng.
Xét về thị trường chứng khoán, trong tháng 5, cá nhân trong nước mua ròng tháng thứ 2 liên tiếp với giá trị gần 7,6 nghìn tỷ đồng. Điều này cũng cho thấy sự cải thiện về tâm lý của nhóm nhà đầu tư cá nhân trong nước trong bối cảnh phía Chính phủ và NHNN ban hành nhiều giải pháp chính sách kể từ tháng 3/2023. Ngược lại, nhà đầu tư nước ngoài có thể đang hiện hóa lợi nhuận khi VN-Index hiện tại đã tăng khoảng 20% với mức đáy tháng 11/2022.
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục xu hướng hồi phục nhờ các ngành nhạy cảm với lãi suất hay nhóm xây dựng và vật liệu xây dựng tăng theo kỳ vọng thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Cổ phiếu dầu khí cũng có sự bứt phá khi Quy hoạch điện 8 được phê duyệt và kỳ vọng vào tiến độ chuỗi dự án khí, điện Lô B Ô Môn có tiến triển. Cổ phiếu bất động sản cũng phục hồi nhờ những nỗ lực không ngừng của chính phủ mang lại hy vọng về “hạ cánh mềm” cho trái phiếu doanh nghiệp và tháo gỡ nút thắt pháp lý cho các nhà phát triển bất động sản.
Đáng lưu ý sau một quá trình hồi phục, hiện tại P/E của Việt Nam ghi nhận 14,6 lần, ngang bằng với nhiều thị trường khác như Trung Quốc (SHCOMP: 14,4x), Indonesia (JCI: 14,5x), Hàn Quốc (KOSPI: 15x), Malaysia (FBMKLCI: 15,3x) và cao hơn nhiều so với chỉ số tham chiếu MSCI các thị trường cận biên (9,x lần), thị trường mới nổi (12,6x lần).
Tổng lợi nhuận sau thuế quý I/2023 của các doanh nghiệp niêm yết giảm 18% so với cùng kỳ, qua đó đưa P/E của VN-Index lên ngưỡng trung bình 5 năm trừ 1 độ lệch chuẩn.
Lợi nhuận năm nay của các doanh nghiệp có thể chưa phục hồi mạnh do bối cảnh kinh tế chung vẫn còn nhiều thách thức. Do đó, kỳ vọng P/E của thị trường sẽ giằng co ở ngưỡng định giá này trước khi sự kỳ vọng cải thiện về yếu tố cơ bản của doanh nghiệp. Trong khi đó, hệ thống tài chính nói chung vẫn đang chịu áp lực khá lớn từ đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp, chủ yếu từ ngành bất động sản và tập trung từ tháng 6 đến tháng 9 (khoảng 82 nghìn tỷ đồng).