Gemadept trích 40 tỷ dự phòng khoản đầu tư chứng khoán
Quý I/2023, khoản lãi từ công ty liên doanh liên kết của CTCP Gemadept (mã: GMD) giảm 83% xuống 21 tỷ đồng, trong khi, cùng kỳ lãi 126 tỷ đồng.
CTCP Gemadept (mã: GMD) vừa công bố báo cáo tài chính quý I với doanh thu thuần 902 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Biên lãi gộp đạt 47%, cải thiện so với con số 40% của quý I/2022. Trong quý, doanh thu từ hoạt động tài chính tăng lên 21 tỷ đồng, chủ yếu nhờ lãi chênh lệch tỷ giá. Các chi phí trong kỳ tăng mạnh như chi phí tài chính tăng 25%, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 37%; còn chi phí bán hàng giảm 23%.
Đáng chú ý, khoản lãi từ công ty liên doanh liên kết của Gemadept giảm 83% xuống 21 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi 126 tỷ đồng. Kết , GMD báo lãi sau thuế giảm 20%, đạt hơn 254 tỷ đồng.
Tính đến hết 31/3, tổng tài sản của Gemadept đạt 13.266 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Khoản tiền, tương đương tiền, tiền gửi có kỳ hạn đạt 1.089 tỷ đồng. Gemadept đã trích lập dự phòng chứng khoán gần 27 tỷ đồng, trong khi giá gốc là 46 tỷ đồng. Cụ thể, Gemadept đầu tư 31 tỷ đồng mua cổ phiếu của CTCP Thép Thủ Đức, trích lập dự phòng 13 tỷ đồng; 14 tỷ đồng mua cổ phiếu của CTCP Khoáng sản Mangan dự phòng 14 tỷ đồng.
Tính đến cuối quý I, Gemadept đầu tư gần 3.036 tỷ đồng vào công ty liên doanh, liên kết. Trong số đó, phần góp vốn vào CTCP Cảng Cái Mép Gemadept - Terminal Link (chủ đầu tư của Cảng Gemalink - cảng có quy mô lớn nhất trong cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải) có giá trị lớn nhất với số tiền 1.477 tỷ đồng. Tại ngày 31/3, cảng Gemalink đã đem về cho Gemadept hơn 45 tỷ đồng lợi nhuận. Trong khi, CTCP Dịch vụ Hàng Hóa Sài Gòn đem về cho Gemadept lợi nhuận lớn nhất với 279 tỷ đồng. Tiếp theo là Công ty TNHH CJ Gemadepts Logistics Holdings khi mang về số tiền lãi 201 tỷ đồng.
Tổng nợ phải trả tính đến cuối quý I đạt hơn 5.066 tỷ đồng, biến động không đáng kể so với đầu năm. Trong đó nợ vay ngắn hạn giảm 24%, đạt 411 tỷ đồng. Nợ vay dài hạn đạt 1.509 tỷ đồng, biến động không đáng kể.
Được biết, ngày 19/4 vừa qua, GMD đã chính thức ký kết hợp đồng chuyển nhượng vốn tại Công ty Cổ phần Cảng Nam Hải Đình Vũ cho Công ty Cổ phần Container Việt Nam (Viconship, HoSE: VSC). Theo Công ty Chứng khoán BSC, khi thương vụ chuyển nhượng này thành công, VSC sẽ trở thành doanh nghiệp cảng lớn nhất tại khu vực Hải Phòng trong năm 2023, với tổng công suất có thể đạt 2,6 triệu TEUS (tăng 36% so với năm 2022), chiếm 30% thị phần. Còn GMD sẽ không còn quá nhiều dư địa tăng trưởng tại Hải Phòng sau thương vụ, do các cảng cơ bản đã được lấp đầy. Trên thị trường, GMD giao dịch quanh mức 50.500 đồng/cổ phiếu.