Cẩn trọng với 'hàng lậu' bất động sản!
Các sản phẩm "hàng giả, hàng lậu" như bất động sản phân lô bán nền lách luật hoặc không phù hợp với quy định của pháp luật sẽ xuất hiện trong bối cảnh cung cầu mất cân đối.
Tại Diễn đàn Bất động sản Mùa Xuân thường niên lần II và Lễ Vinh danh thương hiệu Bất động sản dẫn đầu năm 2021 - 2022 do Tạp chí Bất động sản Việt Nam tổ chức, nhiều chuyên gia đã chia sẻ về cơ hội và thách thức của thị trường bất động sản trong năm 2022.
TS Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam đưa ra nhận định, 2022 có thể là một năm khó khăn cho thị trường bất động sản.
Theo đó, thị trường bất động sản Việt Nam đang trong tình trạng mất cân bằng cung cầu khá nghiêm trọng. Bằng chứng là trong năm 2021, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ở Việt Nam và trên thế giới nhưng chỉ cần dịch lắng xuống là thị trường bất động sản lại bùng lên. Bên cạnh đó, ngay cả ở những thời điểm dịch bệnh căng thẳng thì công nghệ trong lĩnh vực bất động sản lại phát triển mạnh giúp kích thích thị trường.
Tuy nhiên, bất động sản lại đang rất thiếu sản phẩm, mất cân bằng cung cầu khá nghiêm trọng do nhiều chính sách, công cụ đang trở thành rào cản trên thị trường. Từ đó, những hàng hóa chính thống càng ngày càng ít dần đi.
Ông Đính cho biết sẽ xuất hiện tình trạng hàng giả hàng lậu đối với loại hàng hóa nào khan hiếm, bất động sản cũng không phải ngoại lệ. Bên cạnh đó, các sản phẩm "hàng giả, hàng lậu" như bất động sản phân lô bán nền lách luật hoặc không phù hợp với quy định của pháp luật sẽ xuất hiện trong bối cảnh cung cầu năm 2021, tạo nên các cơn sốt cũng như bong bóng bất động sản
Ngoài ra, rất nhiều dòng vốn được rút ra từ các lĩnh vực kinh tế khác để chuyển sang tìm kiếm các kênh đầu tư hiệu quả. Vì vậy, thị trường xuất hiện nhiều nhà đầu tư F0, còn được gọi là các nhà đầu tư tay ngang.
Tuy nhiên, nhiều giải pháp của các cơ quan Chính phủ, bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được đưa ra kịp thời, phần nào hóa giải tình trạng trên. Nhờ vậy mà ngay từ đầu năm 2022, thị trường đã sôi động, "hừng hực khí thế" ở mọi vùng miền, các doanh nghiệp và nhà đầu tư đều trong tâm lý hứng khởi.
TS Nguyễn Văn Đính cũng cảnh báo, thị trường bất động sản 2022 chắc chắn sẽ khắc nghiệt khi ngoài các rào cản nêu trên, chúng ta đang đối mặt với các cuộc khủng hoảng. Chiến tranh lần này chắc chắn làm tăng thêm khó khăn cho thị trường bất động sản. Lạm phát sẽ còn đẩy giá bất động sản tăng lên. TS Đính cho rằng chúng ta sẽ đối mặt với năm 2022 nhiều khắc nghiệt. Bởi vậy, rất cần sự vào cuộc nhanh chóng hơn của các chính sách, thể chế để khẩn trương tháo gỡ rào cản trong các quy định pháp luật. Từ đó đưa thị trường trở lại cân đối hơn".
Đánh giá về xu hướng mới, ông Nguyễn Đỗ Dũng - Tổng Giám đốc CTCP EnCity Việt Nam cũng nhận định, xung đột Nga và Ukraine là một trong ba thách thức của thị trường bất động sản 2022. Theo ông Dũng, xung đột tạo nên sự bất ổn trong thị trường quốc tế.
Ngoài ra, thị trường bất động sản Việt Nam 2022 còn phải đối mặt với hai thách thức khác, đó là nhiều mảnh đất có tiềm năng vẫn đang trong giai đoạn chờ quy hoạch và quá trình phục hồi kinh tế có thể chậm do tâm lý e dè sau đại dịch.
Không chỉ vậy, Việt Nam đã mở cửa du lịch từ ngày 15/3 nhưng tâm lý chung của người dân châu Á vẫn còn sợ sệt. Nhìn chung, tâm lý này từ phía các du khách giúp chống dịch tốt nhưng đồng thời lại cản trở ngành du lịch phát triển.
Với những thách thức trên, các chuyên gia đều có chung tin tưởng rằng thị trường bất động sản vẫn sẽ có thể vượt qua như đã đạt được ở những năm 2020, 2021. Ngoài những thách thức cần đối mặt, thị trường bất động sản Việt Nam hiện có 4 cơ hội:
Bất động sản công nghiệp vẫn đang nóng trên thị trường với vai trò là một xu hướng lâu dài. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng đang ngày càng phát triển cùng lực lượng lao động dồi dào. Đầu tư công về hạ tầng giao thông có tác động lớn đến thị trường bất động sản.