Cách tích hợp GPLX vào VNeID khi bị lỗi xác thực
Gần đây, rất nhiều người dân đã than phiền về việc không thể tích hợp giấy phép lái xe (GPLX) vào ví giấy tờ điện tử VNeID với lý do xác thực không đạt.
Liên quan đến vấn đề này, Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, việc người dùng không thể tích hợp Giấy phép lái xe (GPLX) vào VNeID có hai lý do.
Nguyên nhân đầu tiên là do thông tin trên GPLX giấy chỉ có họ tên và năm sinh, không có đủ ngày tháng và không có thông tin về số Căn cước công dân (CCCD) nên chưa đồng bộ với dữ liệu dân cư quốc gia. Nguyên nhân thứ hai là do GPLX hiện tại đang gắn với số Chứng minh nhân dân (CMND) 9 số, chưa được đổi thông tin sang CCCD (12 số), nên không thể xác thực.
Theo Cục Đường bộ Việt Nam, hệ thống của ngành giao thông đang quản lý 55,6 triệu giấy phép lái xe, cả ôtô và xe máy. Cục ghi nhận có khoảng 23,6 triệu giấy phép lái ôtô, xe máy chưa thể tích hợp trên VNeID do không đồng bộ dữ liệu cư dân.
Ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam, cho biết trong 55,6 triệu giấy phép lái xe hiện tại, cơ quan chức năng đã xác thực thành công và hiển thị trên hệ thống VNeID 31,3 triệu giấy phép các loại.
Khoảng 3,6 triệu giấy phép lái xe chưa được xác thực với dữ liệu quốc gia về dân cư do có dữ liệu sử dụng chứng minh thư nhân dân 9 số, không đồng bộ dữ liệu căn cước công dân 12 số hiện nay trên hệ thống VNeID.
Cùng với đó, khoảng 20 triệu giấy phép lái xe bằng giấy bìa được cấp từ năm 1995 đến tháng 7/2013, hầu hết là bằng lái xe máy chưa thể tích hợp VNeID. Nguyên nhân là các giấy phép này chỉ hiển thị tên, năm sinh của người dân, không có ngày tháng sinh nên không đồng bộ dữ liệu cư dân quốc gia.
Để giải quyết tình trạng này, Cục Đường bộ Việt Nam khuyến khích người dân đổi giấy phép lái xe máy từ giấy bìa sang vật liệu PET, khi đó giấy phép lái xe mới sẽ cập nhật theo căn cước công dân 12 số, phù hợp dữ liệu hệ thống dân cư. Theo quy định mới, người dân đổi giấy phép lái xe máy không cần giấy khám sức khỏe, hồ sơ giấy phép cũ.
Các bước đổi GPLX mới (thẻ PET) và cập nhật thêm số CCCD trên Cổng dịch vụ công của Cục Đường bộ Việt Nam
Bước 1: Mở trình duyệt trên máy tính hoặc điện thoại và truy cập vào Cổng dịch vụ công của Cục Đường bộ Việt Nam, sau đó, chọn thủ tục hành chính tương ứng và nhấn Đăng ký trực tuyến vào các dịch vụ:
- Dịch vụ công cấp độ 3 đổi GPLX: Áp dụng đối với người có GPLX do ngành GTVT quản lý (còn thời hạn hoặc quá hạn dưới 3 tháng).
- Dịch vụ công cấp độ 4 cấp GPLX quốc tế: Người Việt Nam, người nước ngoài có thẻ thường trú tại Việt Nam, có GPLX quốc gia do Việt Nam cấp bằng vật liệu PET, còn giá trị sử dụng.
Lưu ý, khi chọn dịch vụ công cấp độ 3, người khai phải đến cơ quan chức năng để hoàn thiện thủ tục sau khi đã nộp hồ sơ. Ngược lại, dịch vụ công cấp độ 4 cho phép người dân thực hiện tất cả mọi thủ tục online và nhận GPLX mới tại nhà, tiết kiệm thời gian và công sức đi lại.
Bước 2: Trong cửa sổ trình duyệt mới được mở, người dùng chỉ cần nhập số GPLX vào khung trống, chọn nơi cấp và đánh dấu vào ô "Tôi không phải là người máy" rồi nhấn Tìm kiếm. Khi hoàn tất, mọi thông tin cá nhân sẽ hiển thị ở ngay bên dưới. Nếu không tìm ra thông tin nghĩa là không thể đăng ký đổi GPLX qua mạng.
Bước 3: Ở các phần tiếp theo, người khai cần bổ sung các giấy tờ cần thiết, bao gồm ảnh chân dung, chữ ký, số hộ chiếu, địa chỉ email, ngày cấp, điện thoại, ảnh chụp hộ chiếu (trang có ảnh)… Lưu ý, các mục có dấu * không được bỏ trống.
Bước 4: Kiểm tra kỹ toàn bộ thông tin rồi nhấn Tiếp tục để gửi hồ sơ.
Bước 5: Thanh toán lệ phí trực tuyến khi được yêu cầu. Lúc này, người dùng sẽ nhận được thông báo xác nhận và mã hồ sơ (dùng để tra cứu tiến độ xử lý).
Để tra cứu tiến độ hồ sơ, người dùng có thể quay ngược lại trang chủ, bấm vào tùy chọn "Tra cứu tiến độ hồ sơ" ở thanh menu phía trên. Nhập vào mã hồ sơ và số điện thoại cá nhân rồi nhấn Tìm kiếm. Nếu mục Tình trạng hiển thị "Đã xác nhận nghĩa" là thành công, ngược lại, cần chỉnh sửa thông tin và gửi trở lại.
Sau khi đổi được GPLX, người dùng có thể tiến hành tích hợp lại với tài khoản VNeID bình thường.