Cách nào xoá bớt áp lực lạm phát?
Thời gian tới, để chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá trong 7 tháng còn lại của năm 2022, Bộ Tài chính cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động đẩy mạnh triển khai thực hiện các giải pháp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Theo Tổng cục Thống kê, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2022 tăng 0,38% so với tháng trước, tăng 2,48% so với tháng 12/2021 và tăng 2,86% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, chỉ số CPI bình quân năm tháng đầu năm tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước. Việc giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào là những nguyên nhân chủ yếu làm chỉ số giá tiêu dùng tăng lên.
Tín dụng tăng trưởng cũng là một trong những nguyên nhân gia tăng lạm phát. Từ đầu năm đến nay, đa số ngân hàng thương mại đã sử dụng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng được phân bổ và đề nghị được cấp thêm quota nhưng không nhận được "cái gật đầu" của Ngân hàng Nhà nước. Gần đây, một số ngân hàng nâng lãi suất tiết kiệm để giữ chân khách hàng và đảm bảo thanh khoản. Một số khác nâng lãi suất để cơ cấu lại nguồn vốn.
Có thể thấy, CPI tăng đang tạo ra mối lo về kiểm soát lạm phát. Theo chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại phiên chất vấn các vấn đề về tài chính ngày 8/6 tại hội trường Kỳ họp thứ 3, Quốc hội XV, hiện lạm phát ở Mỹ đang ở mức 8,3%, lạm phát ở châu Âu ở mức 8%, Singapore là 5,4%, Hàn Quốc là 4,8%, Thái Lan cũng đã là 4,6%... Trong khi đó, chỉ số lạm phát ở nước ta hiện đang là 2,25% (mục tiêu Quốc hội đề ra cho cả năm 2022 là dưới 4%). Dù đây là một con số khá khả quan trong bối cảnh hiện nay nhưng cũng sẽ có nhiều thách thức, khó khăn trong việc đảm bảo mục tiêu đã đề ra.
Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2022 do nhóm tác giả thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thực hiện vừa công bố mới đây đã dự báo, lạm phát của Việt Nam năm 2022 dự kiến nằm trong khoảng 4 - 4,5%. VEPR dẫn một loạt yếu tố tác động mạnh từ chuỗi cung ứng như thiếu hụt nguồn cung, tổng cầu tăng đột biến; thiếu hụt lao động; giá xăng dầu, giá điện dự báo tăng do nhu cầu sản xuất và tiêu dùng tăng trong thời gian tới; giá lương thực tăng theo giá thế giới do đứt gãy chuỗi cung ứng; nhu cầu tiêu dùng cuối năm tăng và tăng lương tối thiểu vùng...
Tuy nhiên, báo cáo cũng cho rằng, các chính sách giảm thuế, phí, lệ phí... đã giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá. Đặc biệt, chính sách tỷ giá linh hoạt, giữ đồng VND tương đối ổn định một lần nữa giúp giảm áp lực nhập khẩu lạm phát.
Hơn nữa, bàn về lạm phát, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, ngoài những yếu tố khách
"Việc điều chỉnh các mặt hàng theo lộ trình phải được đánh giá kỹ tác động đến CPI để bảo đảm dư địa cho việc kiểm soát lạm phát cả năm"
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
quan đang tác động tiêu cực lên công tác kiểm soát lạm phát thì một điều khá may mắn là nước ta đã tự chủ được mặt hàng lương thực, thực phẩm - mặt hàng chiếm tới 40% tổng lượng hàng hóa. Bộ trưởng nhận định, đây chính là thời điểm vàng để nước ta bứt phá phát triển về sản xuất tiêu dùng trong nước. Nếu chúng ta lợi dụng hay tận dụng được cơ hội này để kiến tạo, phát triển thì chắc chắn chúng ta sẽ bật lên bởi vì các nước bây giờ áp lực lạm phát rất cao.
Thời gian tới, để chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá trong 7 tháng còn lại của năm 2022, Bộ Tài chính cho rằng, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động đẩy mạnh triển khai thực hiện các giải pháp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Theo đó, cần chú trọng thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Tiếp tục kiểm soát lạm phát cơ bản trong năm 2022 để tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung.
Bộ trưởng Bộ Tài chính lưu ý cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh để chuẩn bị đầy đủ nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ.
Đồng thời, để đảm bảo công tác kiểm soát lạm phát chung cũng như góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, tư lệnh ngành tài chính đề xuất, đối với các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá trước mắt chưa xem xét điều chỉnh giá, tiếp tục giữ ổn định giá;
Cùng với đó, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện quản lý nhà nước các mặt hàng theo thẩm quyền, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá. iểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý; chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật giá và theo thẩm quyền khi hàng hóa có biến động bất thường.
Ngoài ra, các địa phương cần tiếp tục chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, công khai minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng gây bất ổn thị trường.