Chuyên mục


Bộ Xây dựng: Sẽ rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm bảo đảm thống nhất, đồng bộ quy hoạch

01/06/2022 13:09 (GMT +7)

Bộ Xây dựng sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật quy hoạch đô thị, luật xây dựng… cũng như các văn bản quy phạm pháp luật khác để bảo đảm sự thống nhất đồng bộ trong thời gian tới.

Chiều 30/5, tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã báo cáo làm rõ một số nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước ngành xây dựng được đề cập trong Báo cáo Kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch của Đoàn Giám sát của Quốc hội, cũng như ý kiến phát biểu của một số đại biểu quốc hội tại nghị trường.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị báo cáo làm rõ một số nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước ngành xây dựng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị báo cáo làm rõ một số nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước ngành xây dựng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Các loại quy hoạch theo pháp luật phát huy vai trò quan trọng

Giải trình một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội liên quan đến lĩnh vực xây dựng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, theo quy định tại Điều 28 Luật Quy hoạch năm 2017, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch xây dựng khu chức năng, thực hiện theo pháp luật về quy hoạch đô thị, pháp luật về xây dựng. Mặc dù còn tồn tại, hạn chế nhất định nhưng hệ thống quy hoạch theo pháp luật chuyên ngành về xây dựng và đô thị từ sau khi Luật Quy hoạch được ban hành và có hiệu lực thì đến nay đang được triển khai và thực hiện ổn định; cơ bản là không có vướng mắc và ngày càng được các cấp ngành, các địa phương quan tâm hơn. Đến nay, đã hoàn thành khối lượng lớn các loại quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và nông thôn.

Tính đến tháng 5/2022, tổng số đô thị cả nước là 870 đô thị, tỉ lệ lập quy hoạch chung đô thị đạt 100%. Trong đó, quy hoạch phân khu tại các đô thị loại I, loại đặc biệt đạt khoảng 78%, quy hoạch chi tiết đạt khoảng 40% so với diện tích đất xây dựng đô thị. Quy hoạch vùng huyện hiện đạt tỉ lệ khoảng 35%. Quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới trên cả nước đạt gần 100% (99,8%).

Về quy hoạch xây dựng các khu chức năng cơ bản hiện nay, các khu kinh tế ven biển, các khu kinh tế cửa khẩu hay các khu chức năng khác như khu du lịch, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu giáo dục-đào tạo… sau khi được thành lập đều được phê duyệt quy hoạch xây dựng theo quy định.

Như vậy, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định kể từ sau khi Luật Quy hoạch được ban hành và có hiệu lực, các loại quy hoạch theo pháp luật chuyên ngành về xây dựng và đô thị đã và vẫn tiếp tục phát huy vai trò quan trọng, là cơ sở đầu tiên cho việc lập các dự án đầu tư, định hướng phát triển không gian kinh tế-xã hội các vùng và địa phương.

Quy hoạch chung đô thị khác biệt với Quy hoạch tỉnh

Về ý kiến quy hoạch chung xây dựng và quy hoạch tỉnh lập cho các thành phố trực thuộc Trung ương theo Luật Quy hoạch 2017 có sự trùng lặp, chồng chéo, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trả lời: Theo quy định tại khoản 8 Điều 3 Luật Quy hoạch, quy hoạch tỉnh là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng về không gian các hoạt động kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bố đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.

Mối quan hệ giữa quy hoạch chung đô thị và quy hoạch tỉnh đã được quy định tại khoản 3 Điều 29 Luật số 35/2018/QH14 (sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 18 Luật Quy hoạch đô thị). Theo đó, nội dung quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương là cụ thể hóa quy hoạch tỉnh được lập ở thành phố trực thuộc Trung ương về tổ chức không gian, hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội và nhà ở.

Theo quy định ở Luật Quy hoạch đô thị nội dung Đồ án quy hoạch chung đô thị, thành phố trực trực thuộc Trung ương bao gồm xác định mô hình phát triển cấu trúc phát triển không gian nội thị và khu vực ngoại thị, kể cả không gian ngầm. Hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng kỹ thuật khu như giao thông, cao độ nền, cấp nước, cấp điện, thông tin liên lạc, thoát nước thải, quản lý chất thải rắn… xác định nguyên tắc, yêu cầu những định hướng không gian, kiến trúc, cảnh quan, không gian cây xanh, mặt nước, điểm nhấn đô thị…

Theo quy định ở Luật Quy hoạch 2017 thì nội hàm quy hoạch tỉnh không bao gồm các nội dung trên.

Như vậy, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho hay kết quả nghiên cứu, sản phẩm đầu ra của quy hoạch chung đô thị là cụ thể hơn, khác biệt với quy hoạch tỉnh được lập cho các thành phố trực thuộc Trung ương. 

Sản phẩm quy hoạch chung đô thị là công cụ chủ yếu để cơ quan quản lý Nhà nước thành phố, quản lý về đất đai, hạ tầng, không gian kiến trúc, cảnh quan trong đô thị và để thu hút đầu tư, là công cụ để kiểm soát, là quy mô định hướng phát triển của từng đơn vị chức năng, là cơ sở để lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, để thiết kế đô thị, để triển khai các dự án đầu tư đô thị, đầu tư xây dựng, kiểm soát trật tự xây dựng trong đô thị cũng như cấp phép xây dựng.

"Với những nội dung đó, có thể nói kết quả và sản phẩm đầu ra của các sản phẩm quy hoạch chung đô thị là cụ thể và khác biệt so với quy hoạch tỉnh được làm cho các thành phố trực thuộc Trung ương", Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nói.

Rà soát nhằm bảo đảm sự thống nhất đồng bộ trong thời gian tới

Về ý kiến cho rằng "Một số quy định về quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện chưa đồng bộ, thống nhất và không còn phù hợp với thực tiễn nhưng chưa được sửa đổi", theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, từ sau khi Luật Quy hoạch được ban hành đến nay (2018), Bộ Xây dựng đã tập trung rà soát, sửa đổi các quy định pháp luật để thống nhất với các quy định pháp luật khác có liên quan.

Tuy nhiên, đến nay vẫn còn mốt số quy định mâu thuẫn, chồng chéo như Báo cáo của Đoàn Giám sát và một số đại biểu đã phản ánh, trong đó có một số quy định về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, xã chưa đồng bộ, thống nhất và không còn phù hợp với thực tiễn nhưng chưa được sửa đổi.

Trong đó, như các đại biểu Quốc hội đã phát biểu, nổi lên một số nội dung chưa đồng bộ như: Thứ nhất, về thời kỳ quy hoạch, quy hoạch sử dụng đất được lập cho việc sử dụng trong 10 năm, còn quy hoạch xây dựng được lập cho thời kỳ sử dụng từ 10 đến 15 năm, hoặc 20 đến 25 năm vào thời điểm lập quy hoạch cũng khác nhau dẫn đến chưa đồng bộ chưa thống nhất với thời kỳ quy hoạch. Do đó nội dung vẫn còn có những sự khác nhau.

Thứ hai, về phạm vi không gian các loại quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch sử dụng đất còn khác nhau. Đối với quy hoạch sử dụng đất được lập trên phạm vi lãnh thổ đơn vị hành chính, trong khi đó quy hoạch xây dựng quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn thì được lập theo phạm vi đơn vị hành chính, quy hoạch chung hoặc theo phạm vi phát triển đô thị đối với quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết. Là một phần hoặc toàn bộ đơn vị hành chính.

Thứ ba là việc phân loại đất giữa các loại quy hoạch đô thị, quyền nông thôn, quy hoạch sử dụng đất hiện còn chưa thống nhất. Quy hoạch sử dụng đất thì cho mục đích sử dụng đất. Còn quy hoạch đô thị, nông thôn thì xác định quản lý các loại đất theo chức năng sử dụng công trình xây dựng trên đất. Các khái niệm về chỉ tiêu sử dụng đất trong quy hoạch xây dựng và hạn mức đất đai trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn chưa thống nhất với pháp luật về đất đai. Quy định về hạn mức đối với đất nông nghiệp, đất ở đô thị nông thôn; pháp luật về xây dựng chỉ tiêu sử dụng đất, xây dựng nhà ở, đất sản xuất, hạ tầng dân dụng, hạ tầng xã hội… còn chưa thống nhất đồng bộ.

"Qua báo cáo giám sát và có ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội phát biểu ngày hôm nay, Bộ Xây dựng xin trân trọng tiếp thu và sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật quy hoạch đô thị, luật xây dựng… cũng như các văn bản quy phạm pháp luật khác để bảo đảm sự thống nhất đồng bộ trong thời gian tới", Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định.

Theo Chính Phủ
Bỏ 5 Thông tư lĩnh vực tài chính ngân hàng
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 78/2024/TT-BTC bãi bỏ các Thông tư trong lĩnh vực tài chính ngân hàng do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành.

SeABank dẫn đầu Top 10 doanh nghiệp Quản trị công ty tốt nhất
Trong khuôn khổ Lễ trao giải “Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2024” (VLCA 2024) nhằm tôn vinh các doanh nghiệp niêm yết xuất sắc nhất, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) tự hào được xếp hạng đầu tiên trong Top 10 doanh nghiệp Quản trị công ty tốt nhất.

SeABank nâng cao năng lực Ban kiểm soát để tăng cường khả năng giám sát và phát triển bền vững cho Ngân hàng
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, HOSE: SSB) vừa tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường để bầu bổ sung 02 thành viên Ban Kiểm soát (BKS) nhiệm kỳ 2023 – 2028, nâng tổng số thành viên BKS lên 05 thành viên.

Ngân hàng đầu tiên phê duyệt khoản vay mua xe ô tô trên nền tảng đối tác
Không cần đến showroom ô tô hay chi nhánh ngân hàng, sau khi chọn được mẫu xe mong muốn, khách hàng có thể tự đăng ký vay mua xe ngay trên website của Carmudi và nhận kết quả phê duyệt của VPBank qua email ngay sau 5 phút.

Chuẩn bị xây cao tốc Nam Định - Thái Bình
Chủ tịch tỉnh Thái Bình vừa phê duyệt dự án xây dựng cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng, trong đó đoạn qua tỉnh Nam Định và Thái Bình đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Báo cáo giải trình về kinh tế - xã hội do Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày tại kỳ họp thứ 8
Chiều 12/11, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV, Thủ tướng Phạm Minh Chính trình bày báo cáo, giải trình một số vấn đề chủ yếu được đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri quan tâm, mong đợi, chia sẻ.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ước 10 tháng năm 2024 của cả nước chỉ đạt 52,29% kế hoạch. Để phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ trên 95%, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương, cơ quan liên quan thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.