Bình Dương sẽ thêm 18.000 nhà ở xã hội
Với 18.000 căn được xây dựng và đi vào hoạt động đã làm gia tăng dân số nhanh chóng tạo ra nhiều công ăn việc làm cho tỉnh Bình Dương. Theo đó, mật độ phương tiện lưu thông tăng, song song với phát triển đồng bộ nhà ở đó là phát triển hạ tầng giao thông thuận lợi.
UBND tỉnh Bình Dương cho biết vừa phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn năm 2023, trong đó đặt mục tiêu phát triển thêm khoảng 18.000 căn nhà ở xã hội, giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các ngành và địa phương cùng triển khai thực hiện.
Theo số liệu tổng hợp về kết quả phát triển nhà ở năm 2022, toàn tỉnh Bình Dương đã xây dựng được 2,47 triệu m2 sàn nhà ở thương mại, đạt kế hoạch đặt ra. Tuy nhiên, đối với loại nhà ở xã hội và nhà tái định cư toàn tỉnh chỉ xây dựng được 112.484 m2 sàn, trong khi kế hoạch là 680.000 m2 sàn; tương tự, nhà dân tự xây kết quả đạt được chỉ 1.860.000 m2 sàn còn kế hoạch đặt ra khoảng 2.102.136 m2 sàn.
Nguyên nhân, được là do việc triển khai các dự án nhà ở xã hội còn chậm, chưa thu hút các nhà đầu tư tham gia. Còn nhà ở dân tự xây, giai đoạn đầu năm 2022 có sự biến động giá của vật liệu xây dựng, nhân công lao động trong ngành tăng cao. Đồng thời sau giai đoạn dịch bệnh, khả năng kinh tế của người dân suy giảm.
Từ kết quả chưa đạt được năm 2022, tại Kế hoạch phát triển nhà ở năm 2023, tỉnh đã điều chỉnh, bổ sung nhằm đáp ứng tình hình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và phù hợp chỉ tiêu phát triển nhà ở.
Trong năm 2023, tỉnh Bình Dương xác định chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân toàn tỉnh năm 2023 đạt khoảng 31m2 sàn/người (khu vực đô thị 32m2 sàn/người, khu vực nông thôn 25,6m2 sàn/người), đến năm 2025 là 31,5m2/người (khu vực đô thị 32,5m2 sàn/người, khu vực nông thôn 26,6m2 sàn/người).
Ngoài ra, phấn đấu năm 2023, chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu đạt 9,2m2 sàn/người, nhà ở kiên cố và nhà ở bán kiên cố đạt tỷ lệ 99,3%, giảm tỷ lệ nhà ở thiếu kiên cố, nhà ở đơn sơ còn 0,7%; đến năm 2025 chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu đạt 10m2 sàn/người; nâng tỷ lệ nhà ở kiên cố toàn tỉnh lên 65,0%, giảm tỷ lệ nhà ở thiếu kiên cố xuống còn 0,5%.
Về chỉ tiêu phát triển sàn nhà ở theo từng loại hình, thì nhà ở thương mại dự kiến phát triển tăng thêm 1,75 triệu m2 sàn, tương đương 17.500 căn. Trong đó, năm 2023 đặt mục tiêu hoàn thành 1.239.646m2 sàn nhà ở từ các dự án đang xây dựng, tương đương 13.537 căn. Mặt khác năm 2023 cũng tiếp tục kêu gọi đầu tư các dự án mới.
Còn với nhà ở xã hội, sẽ phát triển tăng thêm 600.000 m2 sàn, tương đương 18.000 căn. Để thực hiện kế hoạch, tỉnh Bình Dương khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia đầu tư nhà ở cho công nhân, người lao động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; tiếp tục rà soát quỹ đất nhà ở xã hội tại 33 dự án nhà ở thương mại khoảng 100 ha. Đặc biệt, năm 2023 đẩy mạnh việc kêu gọi đầu tư các dự án mới để hoàn thành mục tiêu phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025.
Đối với nhà ở tái định cư phấn đấu tăng thêm 140.854 m2 sàn, tương đương 1.000 căn nhằm phục vụ công tác giải phóng mặt bằng một số dự án giao thông trọng điểm mà tỉnh đang triển khai. Bên cạnh đó, đối với nhà ở riêng lẻ do dân tự xây dựng phấn đấu tăng thêm 2.081.257 m2 sàn.
Theo kế hoạch, nhu cầu nguồn vốn đầu tư nhà ở trong năm 2023 trên địa bàn tỉnh Bình Dương là khoảng 23.490,47 tỷ đồng; diện tích đất ở cần tăng thêm 289,11 ha, trong đó việc xây dựng các dự án nhà ở thương mại vào khoảng 110,77 ha; xây dựng nhà dân tự xây là 131,55 ha; việc phát triển các dự án nhà ở tái định cư và nhà ở xã hội là khoảng 46,82 ha.
Trong năm 2022, UBND tỉnh Bình Dương đã nhanh chóng khởi công Dự án Nâng cấp, mở rộng đường ĐT.746 đoạn từ ngã ba Tân Thành (huyện Bắc Tân Uyên) đến ngã ba Hội Nghĩa (thị xã Tân Uyên).
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Bình Dương- đơn vị chủ đầu tư dự án, dự án có chiều dài toàn tuyến là hơn 11,4km, phần đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, có tốc độ 80 Km/h cho các đoạn ngoài đô thị và tốc độ thiết kế 50-60 Km/h cho những đoạn qua đô thị, chiều rộng nền đường 38m bố trí cho 6 làn xe. Tổng mức đầu tư gần 1.500 tỉ đồng từ vốn ngân sách.
Tuyến đường ĐT.746 đoạn từ ngã ba Tân Thành đến ngã ba Hội Nghĩa là trục giao thông quan trọng kết nối huyện Bắc Tân Uyên với các khu vực lân cận, là tuyến đường huyết mạch dẫn vào khu công nghiệp VSIP III, kết nối đường Tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng và tuyến đường Vành đai 4.
Việc đầu tư xây dựng tuyến đường góp phần từng bước hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng theo quy hoạch mạng lưới đường giao thông đô thị, nâng cao năng lực khai thác, đảm bảo an toàn giao thông, mỹ quan đô thị, đáp ứng nhu cầu lưu thông và vận chuyển hàng hóa trong khu vực ở hiện tại và trong tương lai.