Bảo vệ, khuyến khích những người làm đúng, những người làm ăn chân chính, hiệu quả
Chiều 14/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội Nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.
Dự hội nghị tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng; lãnh đạo các bộ ngành: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường; Công an; Kế hoạch và Đầu tư;... đại diện các hiệp hội, chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, bất động sản. Hội nghị được tổ chức trực tuyến với các thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ trong thời gian qua, tình hình chính trị và kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp, bất ổn, khó lường, tác động tới nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn. Đến thời điểm này, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2022 đã đạt 371 tỷ USD và nếu không có gì thay đổi sẽ đạt khoảng 200% GDP vào cuối năm.
Trong bối cảnh đó, chúng ta vẫn giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, trật tự xã hội, bảo đảm an ninh, an toàn, an dân, đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại; đạt mức tăng trưởng tương đối cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới, kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn (xuất nhập khẩu, thu chi, lương thực, năng lượng và lao động).
Thủ tướng nêu rõ, đây là những nền tảng rất cơ bản để phát triển tất cả các ngành, lĩnh vực đúng hướng, bền vững, mặt khác tuyệt đối không được chủ quan, lơ là để xử lý các vấn đề đặt ra, vượt qua các khó khăn, thách thức.
Thủ tướng nhấn mạnh ưu tiên hiện nay là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, đạt mức tăng trưởng theo chỉ tiêu Quốc hội giao; trong đó, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, an toàn, thận trọng, chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, bảo đảm hiệu quả, quản lý chặt chẽ giá cả, thị trường.
"Tinh thần là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế - dân sự nhưng ai sai phạm thì phải xử lý; bảo vệ, khuyến khích những người làm đúng, những người làm ăn chân chính, hiệu quả", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng nêu rõ, thị trường bất động sản có vai trò rất quan trọng trong giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng. Chính phủ tổ chức Hội nghị nhằm đánh giá thực trạng thị trường bất động sản, khẳng định và phát huy những kết quả, thành tựu đã đạt được, nêu rõ, chấn chỉnh những hạn chế, bất cập, những vấn đề nổi lên; tổng hợp kinh nghiệm trong nước, quốc tế từ đó đề xuất giải pháp về lãnh đạo chỉ đạo, đề ra quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ… đối với lĩnh vực bất động sản và các lĩnh vực liên quan để đảm bảo thị trường bất động sản tiếp tục phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững.
Thời gian qua việc phát triển thị trường Bất động sản có nhiều bất cập, nhiều vi phạm đến mức phải xử lý
Trình bày báo cáo đánh giá toàn diện thị trường bất động sản năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022; dự báo tình hình và đề xuất các giải pháp phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh, thời gian qua thị trường bất động sản đã có sự phát triển quan trọng cả về quy mô, trình độ, năng lực, kinh nghiệm của các chủ thể tham gia … đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, ổn định vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội của đất nước.
Hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản đã cơ bản được hoàn thiện gồm: Luật Kinh doanh bất động sản 2014, Luật Đất Đai, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng… và nhiều Nghị định, Thông tư được ban hành đã tạo các điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản. Bên cạnh những thành tựu, thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, giá căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền vẫn tăng so với thời điểm cuối năm 2021, mức độ tăng giá các phân khúc bất động sản tập trung trong cuối Quý I, chậm dần và có dấu hiệu chững lại trong các tháng Quý II.
Về lượng tồn kho bất động sản, còn khoảng 2.300 căn nhà ở trong các dự án đưa ra giao dịch trên thị trường nhưng còn tồn đọng, chưa có giao dịch vào cuối năm 2021, ít hơn nhiều so với năm 2020 là khoảng 9.000 căn. Trong 6 tháng đầu năm 2022, nguồn cung nhà ở hạn chế trong khi nhu cầu đầu tư, mua sử dụng của người dân vẫn cao, theo đó, các phân khúc nhà ở chung cư, nhà riêng lẻ, đất nền hầu như không phát sinh lượng tồn kho.
Về nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, tính đến 20/06/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà Đầu tư nước ngoài đạt trên 14,03 tỷ USD, bằng 91,1% so với cùng kỳ năm 2021. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 3,15 tỷ USD.
Hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư, xây dựng, kinh doanh bất động sản vẫn còn một số bất cập cần nghiên cứu sửa đổi như: về hình thức lựa chọn chủ đầu tư dự án có sử dụng đất; về xác định giá đất khi thực hiện thu hồi, giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng; về thời hạn, chế độ sử dụng đất đối với các loại bất động sản mới, bất động sản hỗn hợp, đa chức năng...Việc lập và phê duyệt Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương làm cơ sở triển khai các dự án nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở còn chậm và chưa đảm bảo yêu cầu theo quy định.
Nguồn cung nhà ở thương mại giảm ở hầu hết các địa phương, nhiều dự án chuẩn bị triển khai cũng gặp khó khăn trong các thủ tục pháp lý đặc biệt là việc lựa chọn chủ đầu tư, tính tiền sử dụng đất, giao đất. Theo thông tin của Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh có trên địa bàn Thành phố có khoàng 126 dự án.
Cơ cấu sản phẩm bất động sản còn bất hợp lý: phân khúc nhà ở trung, cao cấp, bất động sản du lịch có biểu hiện dư thừa. Trong khi đó thiếu gay gắt nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và nhà ở thương mại giá phù hợp cho đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình (đối với nhà ở xã hội mới đạt 7,3 triệu m2/12,5 triệu m2 theo yêu cầu, mục tiêu của Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia).
Giá bất động sản, đặc biệt là nhà ở, đất ở liên tục tăng và cao hơn so với thu nhập của người dân. Điều này khiến cho người lao động thu nhập thấp tại các đô thị, công nhân khu công nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận và tạo lập chỗ ở. Tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh hầu như không còn căn hộ chung cư có giá dưới 25 tr/m2.
Các sàn giao dịch bất động sản hình thành, hoạt động còn mang tính tự phát, thiếu ổn định; chưa đảm bảo kiểm soát đầy đủ được thông tin, tính pháp lý trong giao dịch bất động sản. Hoạt động kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản chưa được kiểm soát tốt; một bộ phận môi giới bất động sản còn yếu về chuyên môn, hiểu biết pháp luật hạn chế, chưa có tính chuyên nghiệp; còn một lượng lớn các cá nhân hành nghề "môi giới" bất động sản tự do không có chứng chỉ hành nghề.
Giao dịch bất động sản chưa được minh bạch, hiện tượng "hai giá", kê khai thấp hơn giá giao dịch thực nhằm trốn thuế trong giao dịch kinh doanh bất động sản còn khá phổ biến. Hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản chưa đầy đủ, hoàn chỉnh; việc công khai minh bạch thông tin liên quan đến thị trường bất động sản chưa được thường xuyên, liên tục và đầy đủ dẫn đến tình trạng lợi dụng, tung tin đồn thổi, nhiễu loạn thị trường.
Công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, quản lý sử dụng đất và thị trường bất động sản tại một số địa phương còn tồn tại, bất cập. Một số địa phương có hiện tượng tách thửa, phân lô bán nền nền không đúng quy định, không phù hợp quy hoạch, thiếu hạ tầng nhưng chưa được kiểm tra, xử lý kiên quyết; công tác thông tin, công khai minh bạch về quy hoạch và các dự án hạ tầng, nâng loại đô thị, đơn vị hành chính còn chưa đầy đủ, kịp thời..
Việc kiểm soát dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản chưa chặt chẽ, còn tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là trong phát hành trái phiếu, cổ phiếu doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Chính sách thuế đối với việc sử dụng bất động sản và hoạt động giao dịch, kinh doanh bất động sản chưa phân biệt được giữa người sử dụng và đối tượng đầu tư, kinh doanh, chưa hạn chế được hiện tượng đầu cơ, găm giữ bất động sản.
Công tác đấu giá đất trong thời gian qua tại một số địa phương đã xuất hiện một số hạn chế, tồn tại như: Hiện tượng "cò đấu giá", "quân xanh, quân đỏ"; để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá trước khi cuộc đấu giá diễn ra; thông đồng giữa Tổ chức tư vấn định giá với người tham gia đấu giá.
Mặc dù Luật Đấu giá tài sản đã có quy định về việc đấu giá viên quyết định dừng cuộc đấu giá khi phát hiện có hành vi thông đồng, dìm hàng nhưng trên thực tế rất khó phát hiện, xử lý. Ngoài ra, có hiện tượng bỏ giá rất cao một số lô đất rồi bỏ cọc nhằm gây hiệu ứng tao mặt bằng giá ảo để mua đi, bán lại nhiều lô đất đã gom trong khu vực nhằm thu lợi….
Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật về đấu giá đất còn chưa cụ thể, chồng chéo. Cụ thể là quy định chưa rõ ràng việc xem xét các điều kiện vốn chủ sở hữu, cam kết bảo lãnh của ngân hàng, chứng minh sự minh bạch, tính khả thi về huy động vốn, tính khả thi về phương án đầu tư kinh doanh trên khu đất trúng đấu giá;
Chưa có quy định về chế tài xử lý khoản tiền người trúng đấu giá đã nộp dở dang trong trường hợp phải hủy hợp đồng trúng đấu giá đất; dừng cuộc đấu giá khi có dấu hiệu bất thường trong việc đẩy giá trúng đấu giá lên quá cao, gây hiệu ứng tiêu cực;
Quy định người trúng đấu giá chưa nộp đủ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì phạt chậm nộp hay hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất.
Thời gian từ khi đấu giá đất đến khi hết hạn nộp tiền trúng đấu giá khá dài (180 ngày như ở Thủ Thiêm) là một sơ hở để các công ty tham gia đấu giá thực hiện các ý đồ như thổi giá bất động sản để tăng giá trị cổ phiếu, cơ cấu lại khoản nợ trong các ngân hàng, bán hàng tồn đọng....
Đánh giá về chính sách và tình hình định giá đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, các quy định của pháp luật về giá đất đã tạo hành lang pháp lý đầy đủ để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất và định giá đất cụ thể tại địa phương, làm căn cứ để tính thu các khoản nghĩa vụ tài chính, các khoản thuế liên quan đến sử dụng đất và bảo đảm lợi ích hợp pháp cho người có đất thu hồi, góp phần giảm thiểu khiếu kiện trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, đáp ứng yêu cầu tạo nguồn lực cho nhau triển kinh tế, xã hội trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Một số địa phương đã tổ chức làm tốt công tác định giá đất cụ thể, lồng ghép việc xác định giá đất cụ thể trong quy trình thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, cho thuê đất.
Dư nợ tín dụng cho vay bất động sản khoảng 2,33 triệu tỷ đồng
Trình bày báo cáo về chính sách tín dụng góp phần phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, thị trường bất động sản (BĐS) có vai trò hết sức quan trọng và có mối liên hệ với nhiều ngành sản xuất. Trong những năm qua, sự phát triển của thị trường BĐS đã góp phần thu hút các nguồn lực, tạo ra các tài sản cố định lớn cho nền kinh tế, góp phần quan trọng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thị trường BĐS bao gồm nhiều chủ thể tham gia; dòng vốn đầu tư vào thị trường BĐS rất đa dạng như nguồn vốn FDI, vốn huy động trên thị trường quốc tế thông qua việc phát hành trái phiếu hoặc vay các tổ chức nước ngoài, nguồn vốn huy động từ thị trường chứng khoán, nguồn vốn từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp và nguồn vốn tự có, tự tích lũy của các tổ chức, cá nhân.
Với các tổ chức tín dụng (TCTD), theo quy định của pháp luật hiện hành, tham gia thị trường BĐS với vai trò cho vay đối với các chủ thể tham gia thị trường BĐS, trực tiếp mua trái phiếu của doanh nghiệp kinh doanh BĐS, bảo lãnh cho các chủ thể trên thị trường và trong một số trường hợp có thể trực tiếp mua, nắm giữ BĐS.
Và với vai trò là ngân hàng Trung ương và cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng, NHNN Việt Nam điều hành chính sách tín dụng nhằm mục tiêu chính sách tiền tệ và đưa ra các quy định, chính sách bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Có 4 vai trò của NHNN đối với việc tham gia thị trường BĐS của TCTD, đó là vai trò cho vay đối với các chủ thể tham gia trên thị trường: Đến thời điểm 31/05/2022, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS là 2,33 triệu tỷ đồng, tăng 12,31% so với cuối năm ngoái, đây là mức tăng cao so với cùng kỳ các năm trước và cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung, chiếm tỷ trọng 20,66% tổng dư nợ tín dụng chung đối với nền kinh tế.
Trong số 2,33 triệu tỷ đồng dư nợ, tín dụng lĩnh vực BĐS tập trung chủ yếu vào mục đích tự sử dụng (1,55 triệu tỷ đồng, tăng 14,41%, chiếm tỷ trọng 66,3%), dư nợ tín dụng với mục đích kinh doanh BĐS là hơn 786 nghìn tỷ đồng, tăng 8,4% so với cuối năm ngoái và chiếm tỷ trọng 33,7% dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS.
Ngoài việc thực hiện cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS từ nguồn vốn huy động của người gửi tiền, trong những năm qua, hệ thống các tổ chức tín dụng còn thực hiện một số chương trình, tín dụng về nhà ở theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được áp dụng các quy định đặc thù về đối tượng, điều kiện vay vốn, lãi suất như:
Đối với chương trình tín dụng 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 02/NQ-CP từ năm 2013. Chương trình đã hoàn thành việc giải ngân vào cuối năm 2016 với doanh số là 29.679 tỷ đồng tạo điều kiện cho hơn 53.000 đối tượng gặp khó khăn có điều kiện tiếp cận về nhà ở. Hiện nay, Chương trình đang ở giai đoạn thu nợ, nợ tái cấp vốn được thu đầy đủ, đúng hạn. Đến ngày 30/06/2022, Chương trình đã thu nợ lũy kế là 22.486 tỷ đồng; dư nợ cho vay còn lại là 7.189 tỷ đồng, nợ xấu 1,72%.
Chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP: Hiện nay, ngân sách bố trí vốn cho NHCSXH để cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP giai đoạn 2016-2020 là 2.163,22 tỷ đồng. Năm 2021, ngân sách bố trí thêm 1.000 tỷ đồng cho NHCSXH. Đồng thời, tại Nghị quyết 11/NQ-CP, NHCSXH được bố trí thêm 15.000 tỷ đồng để cho vay theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP.
Đến ngày 31/05/2022, NHCSXH đã giải ngân được 8.223 tỷ đồng và dư nợ là 7.036 tỷ đồng. Các ngân hàng thương mại được chỉ định (bao gồm Vietinbank, Agribank, BIDV và Vietcombank) chưa triển khai cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP do chưa được ngân sách nhà nước bố trí nguồn vốn cấp bù chênh lệch lãi suất.
Các chương trình cho vay về nhà ở đối với các đối tượng chính sách: Đến ngày 31/05/2022, dư nợ cho vay tại NHCSXH của các chương trình cho vay về nhà ở đối với các đối tượng chính sách là 3.131 tỷ đồng với hơn 129 nghìn khách hàng còn dư nợ.
Tổ chức tín dụng với vai trò đầu tư trái phiếu của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản: Theo quy định pháp luật hiện hành, tổ chức tín dụng được trực tiếp mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, trong đó có trái phiếu của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Đến cuối tháng 5/2022, số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của toàn hệ thống là 309.506 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cuối năm 2021, chiếm 2,74% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Trong đó, số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản của toàn hệ thống tổ chức tín dụng là 154.050 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 49,8% so với tổng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của toàn hệ thống, tăng 18,7% so với cuối tháng 12/2021.
Tổ chức tín dụng với vai trò bảo lãnh cho các chủ thể tham gia thị trường: Tổ chức tín dụng thực hiện cấp bảo lãnh cho các chủ thể tham gia thị trường như bảo lãnh vay vốn, bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh thanh toán...
Ngoài ra, theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, chủ đầu tư dự án bất động sản trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng. Do đó, tổ chức tín dụng còn thực hiện bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai.
Đến 31/5/2022, số dư bảo lãnh là 685.495 tỷ đồng, trong đó, số dư bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai là 18.304 tỷ đồng, tăng 5,96% so với cuối năm 2021.
Tổ chức tín dụng với vai trò trực tiếp mua và nắm giữ bất động sản: Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, các tổ chức tín dụng không được kinh doanh bất động sản, trừ một số trường hợp như mua, đầu tư, sở hữu bất động sản để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ của tổ chức tín dung; cho thuê một phần trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết, thuộc sở hữu của tổ chức tín dụng; nắm giữ bất động sản do việc xử lý nợ vay.
Trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày quyết định xử lý tài sản bảo đảm là bất động sản, tổ chức tín dụng phải bán, chuyển nhượng hoặc mua lại bất động sản này để bảo đảm tỷ lệ đầu tư vào tài sản cố định và mục đích sử dụng tài sản cố định. Do vậy, có thể nói các tổ chức tín dụng rất hạn chế trong việc thực hiện hoạt động kinh doanh bất động sản.
NHNN vẫn giữ chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 là 14%
Với vai trò là ngân hàng Trung ương điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng để góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thì trong những năm qua, căn cứ mục tiêu lạm phát, tăng trưởng kinh tế theo Nghị quyết của Quốc hội, NHNN điều hành tín dụng theo chỉ tiêu định hướng hàng năm.
Trong chỉ đạo điều hành, tại Chỉ thị đầu năm, Thống đốc NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng tập trung vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là những lĩnh vực ưu tiên theo chủ chương của Chính phủ, kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro như cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán, bất động sản.
Năm 2022, NHNN định hướng tín dụng tăng khoảng 14%, cao hơn mức tăng 13,61% trong năm 2021 và12,17% năm 2020. Tính đến 30/6/2022, tín dụng đã tăng 9,35%, là mức cao hơn so với mức tăng của 6 tháng đầu năm của cả những năm trước đại dịch COVID-19. Cho tới thời điểm hiện nay, dù lạm phát đang chịu sức ép gia tăng trong thời gian tới, NHNN vẫn giữ chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 là 14%.
Với vai trò là cơ quan quản lý hoạt động ngân hàng nhằm bảo đảm an toàn hệ thống tổ chức tín dụng: Nhu cầu tín dụng bất động sản thường là với thời hạn trung và dài hạn (hiện nay khoảng 94% dư nợ có thời gian từ 10-25 năm), trong khi đó nguồn vốn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn với mức lãi suất thay đổi theo thị trường (khoảng 80% là tiền gửi ngắn hạn).
Nếu các tổ chức tín dụng không cân đối kỳ hạn giữa huy động và cho vay phù hợp, có thể đối mặt với rủi ro thanh khoản, không đáp ứng nhu cầu chi trả tiền gửi cho người dân. Bởi vậy, với vai trò là cơ quan quản lý, NHNN đã ban hành đầy đủ hành lang pháp lý để tổ chức tín dụng thực hiện vai trò cho vay, mua trái phiếu, bảo lãnh, trong đó cho vay đối với lĩnh vực bất động sản, mua trái phiếu của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, quy định về hoạt động bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai;
Ban hành các quy định về tỷ lệ an toàn, các giới hạn tín dụng để bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng; chỉ đạo các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng tín dụng, tăng cường công tác thẩm định, giám sát việc sử dụng vốn vay, bảo đảm đúng mục đích, hạn chế nợ xấu mới phát sinh; tăng cường kiểm soát các khoản cấp tín dụng đối với khách hàng vay vốn để tham gia đấu giá quyền sử dụng đất, bảo đảm an toàn, hiệu quả, phù hợp với quy định của pháp luật và chủ trương, chính sách của Nhà nước...
Trong 6 tháng cuối năm 2022, tình hình kinh tế thế giới bất trắc, khó lường, tác động tới kinh tế, tiền tệ trong nước. Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ yêu cầu thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ để phục hồi kinh tế nhưng tại các Nghị quyết này, mục tiêu bao trùm vẫn phải bảo đảm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Bởi vậy, trong nửa cuối năm 2022, NHNN chỉ đạo hệ thống các tổ chức tín dụng triển khai đồng bộ các giải pháp, nhiệm vụ được giao của ngành ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Đối với tín dụng, NHNN tiếp tục điều hành theo chỉ tiêu định hướng 14% đã đề ra từ đầu năm. Đồng thời theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế, đặc biệt là diễn biến lạm phát, tiến độ giải ngân đầu tư công, giải ngân theo chương trình phục hồi để có giải pháp điều hành phù hợp, dòng vốn nước ngoài có tiếp tục đổ vào Việt Nam hay không...
Giải pháp nào cho thị trường trong thời gian tới?
Tăng cường quản lý giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nâng cao chất lượng hàng hóa, cải thiện chất lượng của các tổ chức cung cấp dịch vụ
Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính và các Bộ ngành triển khai nhiều giải pháp để chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp, định hướng thị trường hoạt động lành mạnh.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã có 05 công điện chỉ đạo về việc tăng cường quản lý giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản; chủ trì Hội nghị "Phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả" trong tháng 4/2022, sau hội nghị, Chính phủ đã có Nghị quyết số 86/NQ-CP về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả, bền vững nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, huy động nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.
Về phía Bộ Tài chính, khi thị trường có dấu hiệu phát triển nóng đã triển khai đồng bộ các giải pháp như: Thường xuyên đánh giá việc triển khai các quy định về phát hành TPDN để báo cáo Chính phủ điều chỉnh khung pháp lý cho phù hợp tại cấp Luật và Nghị định.
Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, trên cơ sở kết quả kiểm tra, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã có văn bản chấn chỉnh, ban hành nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm và chuyển cơ quan điều tra đối với trường hợp vi phạm nghiêm trọng có tính chất hình sự.
Qua kiểm tra giám sát, Bộ Tài chính cũng đã có công văn cung cấp thông tin và đề nghị Bộ Xây dựng và Ngân hàng nhà nước phối hợp với tăng cường giám sát hoạt động phát hành, cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp đối với các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp bất động sản.
Bộ Tài chính cũng thường xuyên, chủ động cung cấp thông tin chính thống về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cảnh báo nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành thông qua việc ban hành 07 thông cáo báo chí, tham gia trả lời phỏng vấn và tọa đàm trên các chương trình truyền hình và các phương tiện truyền thông... định hướng điều hành và phát triển thị trường TPDN bất động sản an toàn, lành mạnh và hiệu quả
Việc xử lý vi phạm trên thị trường vốn, thị trường trái phiếu thời gian qua đã tăng cường kỷ luật, kỷ cương hướng đến phát triển thị trường minh bạch và bền vững.
Để vừa phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, vừa khuyến khích các doanh nghiệp bất động sản huy động vốn trái phiếu một cách minh bạch, lành mạnh, hiệu quả, Bộ Tài chính đề xuất tập trung vào các nhóm giải pháp chính như sau:
Thứ nhất, đối với việc ổn định kinh tế vĩ mô: Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan thực hiện chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định môi trường đầu tư, đảm bảo sự nhất quán, ổn định chính sách để nhà đầu tư yên tâm tham gia hoạt động, đầu tư trên thị trường.
Thứ hai, đối với việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Bộ Tài chính sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp về hoàn thiện chính sách, pháp luật theo hướng tăng cường quản lý giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nâng cao chất lượng hàng hóa, cải thiện chất lượng của các tổ chức cung cấp dịch vụ.
Trước mắt, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ và sẽ tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý tại Nghị định số 153 nhằm quản lý hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp vừa hỗ trợ thúc đẩy phát triển thị trường phát triển minh bạch, hiệu quả, vừa đảm bảo hạn chế và kiểm soát được các rủi ro, bảo vệ quyền lợi các nhà đầu tư.
Thứ ba, đối với hoạt động kiểm tra giám sát: Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán nhà nước và các đơn vị chức năng tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm tại các doanh nghiệp phát hành, các công ty cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, củng cố niềm tin nhà đầu tư. Sau kiểm tra sẽ có công bố công khai rộng rãi ra thị trường về các sai phạm để tăng tính răn đe.
Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục thường xuyên cung cấp thông tin, cảnh báo, khuyến nghị thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về các rủi ro đối với nhà đầu tư đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân khi tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Khẩn trương hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến bất động sản
Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh, để đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, hiệu quả và bền vững, Bộ Xây dựng đề xuất các giải pháp và nhiệm vụ cụ thể đối với từng Bộ ngành và các địa phương trong Báo cáo gửi tới Hội nghị. Có thể khái quát lại là:
Khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản như: Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị… để đảm bảo đồng bộ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo khung pháp lý, điều kiện để thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững; đồng thời tăng cường quản lý thị trường bất động sản.
Rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí đủ quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân theo đúng quy định. Thúc đẩy cải tạo chung cư cũ.
Nghiên cứu, đề xuất các quy định về thuế đối với bất động sản, hoạt động giao dịch, kinh doanh bất động sản; Nghiên cứu, rà soát, sửa đổi các quy định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất, xác định giá đất bảo đảm thống nhất, phù hợp thực tế địa phương.
Khẩn trương tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị, nông thôn, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và xây dựng Chương trình phát triển nhà ở, Kế hoạch phát triển nhà ở tại các địa phương;
Công khai, minh bạch thông tin, danh mục, tiến độ các Dự án phát triển hạ tầng, các dự án bất động sản lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đô thị, đơn vị hành chính tại địa phương, ngăn chặn hiện tượng thông tin đồn thổi nhằm đẩy giá, trục lợi bất hợp pháp.
Tăng cường công tác quản lý nhà nước tại địa phương về quy hoạch, xây dựng, thị trường bất động sản và quản lý đất đai tại các địa phương để có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc tách thửa, phân lô bán nền không đúng quy định, không phù hợp quy hoạch, không được đầu tư hạ tầng, chưa được phép đầu tư. Tăng cường kiểm soát hoạt động các sàn giao dịch bất động sản, các hoạt động môi giới bất động sản để kịp thời chấn chỉnh.
Hoàn thiện và thực hiện công khai hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản. Thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh bất động sản; xử lý các hành vi đưa thông tin không chính xác, gây nhiễu loạn, tác động tiêu cực đến hoạt động thị trường tài chính, tín dụng bất động sản.