Bắc Giang “cứ điểm” ngành công nghiệp chất bán dẫn
Bắc Giang đã và đang chứng kiến sự bùng nổ của ngành công nghiệp bán dẫn. Tuy nhiên, để khai thác tối đa tiềm năng này cần tập trung vào việc xây dựng lực lượng lao động chất lượng cao.
Ngày 16/4, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội thảo thực trạng, giải pháp nguồn lao động ngành công nghiệp bán dẫn.
Phát biểu khai mạc, ông Mai Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: "Để test thử sức mạnh của chip bán dẫn và công nghệ AI, đêm qua tôi có nhờ Chat GPT soạn hộ bài phát biểu khai mạc hôm nay, tôi gõ lệnh: “Viết hộ lãnh đạo tỉnh Bắc Giang bài phát biểu khai mạc hội thảo thực trạng, giải pháp đào tạo nhân lực phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang".
“Với vị thế chiến lược và tiềm năng phát triển, tỉnh Bắc Giang đã và đang chứng kiến sự bùng nổ của ngành công nghiệp bán dẫn. Tuy nhiên, để khai thác tối đa tiềm năng này, chúng ta cần tập trung vào việc xây dựng lực lượng lao động chất lượng cao nhằm đáp ứng được yêu cầu của thị trường và công nghệ”- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Giang cũng đã tạo điều kiện thuận lợi để thu hút và giữ chân các chuyên gia, nhà nghiên cứu có kinh nghiệm từ trung ương và các doanh nghiệp quốc tế. Sự đa dạng về kiến thức, kinh nghiệm và quốc gia sẽ là nguồn lực quý báu giúp cho ngành công nghiệp bán dẫn ở Bắc Giang phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Ông Chung Won Seok - Tổng Giám đốc Hana Công ty TNHH Hana Micron Vina bày tỏ, theo sự khởi sắc của ngành, công ty dự kiến tuyển dụng thêm nhân lực. Đến tháng 4/2024, công ty có trên 1.600 nhân sự, sản xuất 100 triệu con chip/tháng.
“Hiện công ty đang tuyển dụng kỹ sư thiết bị đóng vai trò quyết định trong sản xuất và kết hợp trường nghề để có nhân lực. Còn kỹ sư quy trình cần phân tích, cải tiến công đoạn. Trong xưởng, công ty có các người hướng dẫn các bạn tiếp cận máy móc nhằm dễ dàng tiếp cận trong công việc. Trong bối cảnh toàn cầu thiếu nhân lực chuyên môn hóa, chúng ta cần nhiều thời gian đào tạo để người lao động đáp ứng yêu cầu”- ông Chung Won Seok nói.
Ví dụ như vị trí bảo dưỡng hỏng hóc, nhân viên Việt Nam được 30 điểm thì Hàn Quốc được 90 điểm, Trung Quốc 70. Tuy nhiên, trình độ con người Việt Nam còn tiến xa, nhanh hơn nữa so với các nước khác. Hiện công ty cố gắng hợp tác đào tạo, đồng hành trong ngành công nghiệp bán dẫn. Với dự kiến, công ty hợp tác với hai trường cao đẳng ở Bắc Giang để đào tạo như chuyên gia đến trường, sau đó sinh viên đi thực tập.
“Ngay trên ghế giảng đường sinh viên sẽ được đi thực tập thực tế tại đơn vị liên kết và sẽ được công nhận mức lương cao hơn một bậc so với nhân sự khác. Với những kiến thức thực tế đó ngay khi ra trường các bạn sinh viên có thể đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng với kinh nghiệm thực tế”- ông Chung Won Seok chia sẻ thêm.
Ông Nguyễn Xuân Ngọc - Phó trưởng BQL các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang cho biết, tỉnh Bắc Giang đang có 3 doanh nghiệp về sản xuất chất bán dẫn gồm Công ty TNHH Hana Micron Vina (vốn Hàn Quốc, đăng ký 643 triệu USD), Công ty TNHH Si Flex Việt Nam (vốn Hàn Quốc, đăng ký 299 triệu USD), Công ty TNHH Synergie Cad Việt Nam (vốn Pháp, đăng ký 21,2 triệu USD).
“Với số lao động tại các doanh nghiệp trên 8.000 người, đội tuổi dưới 35 lên tới gần 6.700 người. Vị trí chủ yếu là tự động hóa, kỹ thuật điện tử, thiết bị điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo, công nghệ hóa. Chủ yếu đào tạo liên quan về các chuyên ngành học đến lĩnh vực bán dẫn”- ông Nguyễn Xuân Ngọc nói.
Nhu cầu nhân lực ngành bán dẫn rất lớn
Thực tế người lao động Việt chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp nên phải đào tạo từ đầu với thời gian từ 1-3 tháng, để lao động nắm bắt công việc song cần giám sát của quản lý, chuyên gia. Từ 6 tháng - 1 năm, họ mới thành thạo, làm việc độc lập, chủ động. Dự báo nhu cầu trong năm 2024 ngành bán dẫn khoảng 1.900 lao động. Giai đoạn 2025-2030 khoảng 6.300 người.
Lãnh đạo BQL các Khu công nghiệp cho rằng các trường đại học, cao đẳng cần tăng cường phối hợp với doanh nghiệp, xây dựng khung chương trình, kiến thức và đưa sinh viên tham qua, thực tập. Ngược lại, doanh nghiệp hỗ trợ nhà trường qua góp ý chương trình đào tạo, hỗ trợ cơ sở chất, thiết bị, học bổng cho sinh viên hoặc cử chuyên gia, công nhân lành nghề trong bối cảnh công nghệ hóa.
PGS TS Trương Việt Anh - Trưởng ban Khoa học công nghệ, Đại học Bách khoa Hà Nội đánh giá, ngoài thiết kế sản xuất, ngành sản xuất bán dẫn rất cần nhân lực từ ngành công nghiệp phụ trợ, dây chuyền, robot, xử lý môi trường bên ngoài. Như trong 10 năm tới, Hàn Quốc cần 30.000 vị trí, Nhật Bản cần 35.000 người. Đài Loan (Trung Quốc) hiện có 290.000 nhân lực thì cần thêm hàng chục nghìn vị trí.
“Với mục tiêu đó 50.000 nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghiệp vi mạch và bán dẫn đến 2030. Đó vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với các trường đại học lớn trên cả nước cần hợp tác, đào tạo nguồn nhân lực. Các địa phương có chính sách đặc thù thu hút nhân sự có trình độ cao. Điển hình như Đại học Bách khoa Hà Nội hiện có các ngành điện tử viễn thông, thiết kế vi mạch, tự động hóa, dự kiến đáp ứng 20.000 nhân sự cho thị trường”- PGS TS Trương Việt Anh chia sẻ.
Ông Võ Xuân Hoài - Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia phân tích, Việt Nam là đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc - các nước có ngành công nghiệp bán dẫn, cần nhiều nhân lực - là cơ hội để đất nước phát triển nguồn lao động, kỹ sư chất lượng cao. Với mục tiêu, năm 2030, cả nước đặt mục tiêu 50.000 kỹ sư ngành công nghiệp bán dẫn, Bắc Giang cần nắm bắt, hình thành Trung tâm công nghiệp bán dẫn của phía Bắc.
“Song nhìn nhận chương trình đào tạo hiện nay chưa nhất quán, chưa chuẩn quốc tế do ngành bán dẫn mới, tăng cường phối hợp các bên. Do đó việc hợp tác quốc tế, chuẩn hóa quy trình đào tạo, thu hút nhân lực chất lượng cao, đầu tư máy móc, cơ sở vật chất, thu hút nguồn lực từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), thành lập trung tâm bán dẫn tại địa phương rất quan trọng”, ông Võ Xuân Hoài nói.