Xuất khẩu gạo cao cấp
Trong thời gian qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam khá ổn định dù giá gạo của Thái Lan giảm mạnh. Các chuyên gia cho rằng nên tập trung sản xuất các dòng sản phẩm gạo thơm, gạo cao cấp để xuất khẩu vào các thị trường khó tính vì dư địa tại các thị trường này là rất lớn.
Tình hình xuất khẩu gạo Việt hiện tại vẫn rất lạc quan tuy nhiên, tính cạnh tranh của thương hiệu gạo Việt vẫn chưa cao và việc chen chân vào thị trường cao cấp để bán với giá cao cũng chưa được thuận lợi.
Xuất khẩu gạo lạc quan đã hỗ trợ giá lúa ở thị trường trong nước ổn định. Tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, một số loại lúa được điều chỉnh tăng. Cụ thể, tại An Giang, lúa OM 5451 được thương lái thu mua ở mức 5.800 – 6.000 đồng/kg, tăng 200 – 300 đồng/kg. Hiện lúa IR 504 đứng ở mức 5.500 – 5.700 đồng/kg; Đài thơm: 8 5.600 – 6.000 đồng/kg; nếp Long An: 7.700 đồng/kg; lúa tươi OM 18: 5.800 – 5.900 đồng/kg; Nàng Hoa: 5.900 đồng/kg; IR 504 (khô): 6.500 đồng/kg; nếp An Giang: 7.700 – 7.800 đồng/kg.
Trong thời gian qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam khá ổn định dù giá gạo của Thái Lan giảm mạnh. Mặc dù giá gạo tăng giảm trái chiều ở nhiều nước, nhưng xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn tích cực đã hỗ trợ giá gạo Việt ổn định ở mức lạc quan.
Theo Bộ NN&PTNT, trong quý I/2022, Việt Nam xuất khẩu hơn 1,48 triệu tấn gạo, tương đương 715 triệu USD, tăng 24% về số lượng và 10,5% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Hầu hết thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam đều có xu hướng tăng mạnh trong thời gian qua và giá gạo cũng tăng cao. Điều này cho thấy, gạo xuất khẩu của Việt Nam đang tạo được những đột phá mới trên thị trường quốc tế.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu 100% tấm của Việt Nam đã tăng thêm 5 USD/tấn. Ngày 21/6/2022, gạo 100% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 383 USD/tấn. Trong khi đó, gạo 5% tấm có giá 418 USD/tấn, giảm 5 USD/tấn. Giá gạo 25% tấm không thay đổi, chào bán ở mức 403 USD/tấn.
Đối với các loại gạo thường của Việt Nam (504, 5451, Đài thơm 8...) đang có giá tốt nhờ nhiều nước tăng lượng mua. Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đánh giá, xuất khẩu gạo đang rất sôi động do nhu cầu tăng mạnh từ các thị trường như Trung Quốc, Bangladesh, Iran và Sri Lanka. Bên cạnh đó, xuất khẩu sang Châu Âu (EU) dự báo sẽ tăng mạnh trong năm 2022 nhờ ưu đãi từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Để Việt Nam giữ ngôi xuất khẩu gạo hàng đầu, chất lượng hạt gạo cao, giá gạo cạnh tranh, mang lại lợi ích cao hơn cho quốc gia và cao hơn cho doanh nghiệp, cho người nông dân, các chuyên gia cho rằng nên tập trung sản xuất các dòng sản phẩm gạo thơm, gạo cao cấp để xuất khẩu vào các thị trường khó tính vì dư địa tại các thị trường này là rất lớn. Cùng với đó, cần tập trung xây dựng thương hiệu bởi cùng chất lượng gạo nhưng loại có thương hiệu tốt có thể sẽ bán được với giá cao hơn từ 10 đến 20%. Ngoài ra, việc cải thiện hệ thống logistics vẫn được ưu tiên hàng đầu, bởi nhiều doanh nghiệp không kham nổi chi phí vận chuyển khi xuất khẩu gạo sang thị trường nước ngoài.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam chia sẻ, thời điểm này, nhu cầu nhập khẩu gạo của nhiều nước trên thế giới cũng tăng cao. Hạt gạo của Việt Nam không chỉ đủ nuôi 100 triệu dân mà còn xuất đi 3 triệu tấn, mang về 1,4 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm. Tuy nhiên, để khơi thông dòng chảy hạt gạo, một trong những yêu cầu cấp thiết hiện nay là cần sớm giảm chi phí logistics để góp phần giảm giá thành sản phẩm, nâng cao tính cạnh tranh cho hạt gạo Việt Nam. Thống kê cho thấy, hiện chi phí logistics cho xuất khẩu nông sản của nước ta trung bình chiếm tỷ lệ khoảng 20 - 25%. Đây là con số khá cao so với các nước trong khu vực (khoảng 10 - 15%). Do vậy, phát triển cơ sở hạ tầng logistics là điều vô cùng quan trọng.
"Hiện nay, các doanh nghiệp nào thuận lợi trên đường bộ thì họ đi container, cho nên ảnh hưởng từ đường bộ cũng rất là căng. Còn lại những doanh nghiệp thông qua chủ yếu bên Tân Cảng, họ tổ chức vận tải các container trung chuyển, các doanh nghiệp đóng hàng tại kho của mình hoặc tại các cảng trung chuyển thì chúng ta cũng đẩy được lượng khá nhiều cho container, nhưng thời gian đóng và thời gian đi của container khá dài, đương nhiên chi phí cũng phải đội lên. Chúng tôi cũng đang kiến nghị là Tân Cảng nên xem lại giá cước container vì họ chiếm tỷ trọng rất cao trong toàn quốc thì nên bình quân lại giá, các khu vực khác nhau thì nên có giá cước khác nhau, đặc biệt nên ưu tiên cho khu vực ĐBSCL giảm giá cước xuống" - ông Nam cho biết thêm.