Xe điện "cực đỉnh" của sinh viên Cần Thơ
Làm ra chiếc xe điện không có gì ghê gớm với các hãng chuyên nghiệp, song với sinh viên ngồi trên ghế nhà trường hoàn toàn là câu chuyện khác. Giấc mơ xe điện giá rẻ gấp chục lần thị trường của ba nam sinh Trường Đại học Nam Cần Thơ đang dần thành hiện thực.
Thị trường ô tô điện tự chế Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ, nhưng đang phát triển nhanh chóng. Theo một báo cáo của Bộ Công Thương, Việt Nam đã sản xuất hơn 1.000 ô tô điện tự chế vào năm 2021, tăng hơn 50% so với năm 2020. Dự kiến, thị trường ô tô điện tự chế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới, với mục tiêu đạt 100.000 xe vào năm 2025 và 1 triệu xe vào năm 2030.
Sự phát triển của thị trường ô tô điện tự chế Việt Nam là một xu hướng tất yếu, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới. Với những lợi ích mà ô tô điện mang lại, thị trường ô tô điện tự chế Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển nhanh chóng trong những năm tới.
Cuối tháng 7 vừa qua, nhóm sinh viên của trường Đại học Nam Cần Thơ đã chế tạo mô hình ô tô điện hai chỗ ngồi, đây là đồ án tốt nghiệp của ba em Trương Hữu Lộc, Lê Hoàng Mãi và Tống Tấn Huy, ba sinh viên năm thứ tư, Khoa Cơ khí động lực, ngành Công nghệ kỹ thuật ô tô, Trường Đại học Nam Cần Thơ (Cần Thơ), giúp 3 chàng sinh viên đã dành số điểm tuyệt đối trước hội đồng bảo vệ.
Trả lời PV Banduong.vn, sinh viên Trương Hữu Lộc cho biết, em cùng với Mãi và Huy đều có niềm yêu thích với ô tô. Khi lựa chọn đề tài làm đồ án tốt nghiệp, ý tưởng của các em xuất phát từ vấn đề tạo ra một phương tiện di chuyển thân thiện, bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu đi lại của con người với giá thành thấp hơn vài chục lần so với giá thị trường. Đặc biệt, với sự phát triển mạnh mẽ của các khu du lịch thì phương tiện này lại rất cần thiết để di chuyển đưa đón khách du lịch, xe điện 2 chỗ ngồi cũng phục vụ cho việc đi lại trong khuôn viên trường.
Trên thực tế các loại xe điện hóa gồm Hybrid (HEV), Plug in Hybrid (PHEV) vẫn thải CO2 cả khi sử dụng (vì vẫn có động cơ đốt trong) và có thể khi sản xuất điện, tùy thuộc cách tạo ra điện. Trong khi xe thuần điện chỉ có thể tạo ra CO2 trong quá trình sản xuất, không thải ra khi sử dụng. Từ đó đề tài “Thiết kế chế tạo mô hình ô tô điện 2 chỗ ngồi” hướng theo việc tạo ra một chiếc xe điện 4 bánh đáp ứng đủ yêu cầu tham gia giao thông, được ra đời.
Những kiến thức tích lũy không phải lúc nào cũng đủ để thực hiện một dự án thách thức như vậy. Đối với nhóm sinh viên tài năng này, sự quyết tâm và sự linh hoạt trong việc học hỏi là điều không thể thiếu, ba chàng sinh viên đã tận dụng mọi nguồn tài liệu, từ việc tìm hiểu thêm nhiều mô hình trên mạng đến việc tìm kiếm sự hỗ trợ từ giảng viên khi gặp khó khăn.
Mỗi thành viên trong nhóm đã đảm nhận một vai trò cụ thể trong quá trình phát triển chiếc xe điện. Trương Hữu Lộc đã đặt ra ý tưởng và chịu trách nhiệm thiết kế cũng như hệ thống điện của xe. Trong khi đó, Lê Hoàng Mãi và Tống Tấn Huy đã đảm nhận nhiệm vụ khá nặng nhọc của việc xây dựng khung sườn, gầm xe và cài đặt phần mềm.
Các bạn trẻ đã tập trung cao độ suôt ba tháng để hoàn thành chiếc xe điện độc đáo này, không ngừng lao động với tinh thần kiên trì. Kết quả là một chiếc xe với chiều dài vượt qua mốc 2,5 mét, chiều rộng gần 1 mét, khoảng sáng gầm xe chỉ 11 cm và khả năng quay đầu tốt với bán kính 3,62 mét sử dụng vật liệu chính cho thân và khung xe là sắt, được sơn màu xanh thân thiện với môi trường ra đời.
“Tụi em có thể làm thùng xe rộng hơn và bổ sung phần mái che. Còn với công suất động cơ là 850w, tương đương với 1.14hp là đã đủ mạnh. Xe mất khoảng 5 giờ để sạc đầy bình và có thể vận hành liên tục khoảng 40km, tốc độ tối đa đạt 40km/h”, Lộc giới thiệu.
Chiếc xe này đã được trang bị đầy đủ các tính năng cần thiết, không thua kém gì so với các mẫu ô tô điện thông thường. Điều này bao gồm các chế độ lái thông thường và chế độ tải nặng, cũng như số lùi tiện lợi. Những trang bị như đèn chiếu sáng, xi nhan, chân ga, chân thắng, cốp đựng đồ và kính chắn gió được thiết kế hợp lý để đảm bảo sự thuận tiện trong việc sử dụng.
Một điểm đặc biệt nổi bật của chiếc xe này là hệ thống hai nhíp giảm sốc, cho phép nó vận hành trơn tru ngay cả khi tải nặng hàng trăm kg. Nhóm sinh viên cho biết, mặc dù tính năng của chiếc ô tô này không có gì quá khác biệt so với các mẫu ô tô điện khác do đã tuân theo các quy chuẩn kỹ thuật chung, nhưng có một chi tiết độc đáo là xe được trang bị thêm bộ phận phanh tay. Điều này khiến xe không thể di chuyển khi phanh tay được kích hoạt, tạo thêm tính an toàn cho người sử dụng.
Tuy nhiên, đại diện nhóm sinh viên, bạn Trương Hữu Lộc cho biết: "Để ra được sản phẩm, nhóm cá bạn trẻ cũng gặp phải nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, như việc tính toán thiết kế khung xe, khả năng chịu tải, các thông số khi cần chế tạo 1 chiếc ô tô cần phải tính toán, trang thiết bị phục vụ cho việc chế tạo còn nhiều hạn chế, khó khăn trong việc thế kế đi hệ thống điện làm sao cho hợp lí, tính toán kích thước dây điện. Thời gian thực hiện đồ án gần với thời gian thực tập tốt nghiệp chúng em ban ngày đi thực tập tối về tiếp tục cố gắng làm đồ án (mô hình xe điện) để kịp tiến độ nên còn nhiều sai sót."
Ngoài ra, trong đề án tốt nghiệp, 3 sinh viên cũng ấp ủ việc ứng dụng công nghệ năng lượng mặt trời để vận hành chiếc xe điện mini, chia sẻ thêm về những dự định trong tương lai, Lộc bày tỏ: "Chúng em luôn muốn đưa chiếc xe điện này ra thị trường và phát triển ngày một mạnh mẽ nếu có sự hỗ trợ từ các nhà đầu tư, và chúng em còn muốn cải thiện thêm nhiều chi tiết trên xe điện".
Với mô hình hiện tại, các sinh viên này cho biết đã chi ra khoảng 17 triệu đồng. Trong đó chi phí cao nhất là động cơ điện, bình ắc quy. Để chiếc xe hoàn thiện hơn, các em cần thêm khoảng 10 triệu đồng nữa để cải tiến cũng như nâng cấp trang thiết bị nhiều tùy chọn cho xe để phục vụ nhu cầu khác nhau cũng như nâng cấp các bộ phận chính để tăng thời gian sử dụng xe cũng như rút ngắn thời gian sạc.
Đề tài này đã nhận được sự công nhận của toàn bộ hội đồng chấm đề án ngày hôm đấy, đồng thời cũng nhận được công nhận của Ủy bạn Nhân dân Thành phố Cần Thơ về những sáng kiến có hiệu quả áp dụng và phạm vi toàn quốc.
TS Trần Hữu Xinh, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cho biết, “Hiện ô tô điện này đang được trường sử dụng để vận chuyển tài liệu, nước uống và đi lại trong khuôn viên trường. Tính ứng dụng là hoàn toàn khả thi, tuy nhiên bước đầu chỉ có thể sử dụng trong khuôn khổ nội bộ. Để được sử dụng trong các điều kiện khác hoặc chạy ngoài đường, phải đáp ứng những quy chuẩn khác nữa”, TS Xinh cho biết.
Ông nhận xét mẫu xe điện này rất đa dụng, ngoài sử dụng để đi lại, hoàn toàn có thể dụng để vận chuyển hàng hóa, nhất là đối với những trang trại lớn có nhu cầu vận chuyển cao. So với các mẫu xe sử dụng động cơ xăng, mẫu xe điện này giúp tiết kiệm chi phí không nhỏ trong quá trình sản xuất nông nghiệp.
Đây có lẽ là điểm ưu việt nhất của ô tô “sinh viên”. Bởi ô tô điện hai chỗ của các hãng giá rẻ nhất của Trung Quốc cũng lên tới gần 50 triệu, còn các loại xe Thái Lan tầm 75 - 200 triệu đồng (chưa tính chi phí nhập khẩu)…
Thời gian gần đây, thị trường ô tô điện giá rẻ cũng đang có một đợt "sóng" với loạt thương hiệu Trung Quốc tung dự án lắp ráp, phân phối, nhiều doanh nghiệp cũng đang rầm rộ triển khai phân phối tại Việt Nam.
PGS.TS Lý Hùng Anh - Trường đại học Bách khoa TP.HCM cho biết cho rằng những năm 1998 - 2005, làn sóng xe máy giá rẻ Trung Quốc được ồ ạt nhập về Việt Nam với chỉ 6 - 8,5 triệu đồng/chiếc. Khâu quản lý chất lượng chưa chặt khiến thị trường Việt Nam tràn ngập xe chất lượng kém, không thực an toàn và gây ô nhiễm. Sau đó, những chiếc xe này dần bị thải loại, nay gần như biến mất khỏi thị trường. Theo ông Lý Hùng Anh, nếu ô tô điện sản xuất số lượng lớn tới từ Trung Quốc, bán giá siêu rẻ thì họa nhiều hơn may.
Tuy vậy, trong bối cảnh này, cũng nên nhận thấy đây là một cơ hội dành cho thế hệ trẻ, như ba bạn Lộc, Mãi, và Huy phát triển và đóng góp cho ngành công nghiệp ô tô điện. Bằng đam mê, kiến thức và nỗ lực những chiếc ô tô thuận điện như đề án này có thể là những sản phẩm giá rẻ, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và an toàn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong bối cảnh cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt. Điều này minh chứng cho việc vẫn sẽ còn những đóng góp giúp thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp ô tô điện tại Việt Nam đáp ứng nhu cầu của xã hội.