Chuyên mục


VPBank đặt kế hoạch lợi nhuận 23.165 tỷ đồng trong năm 2024, chia cổ tức 10% tiền mặt

03/04/2024 16:02 (GMT +7)

Sau một năm chuẩn bị kỹ về nền tảng vốn và sự tinh chỉnh trong các hoạt động kinh doanh, vận hành, VPBank đã cho thấy sự tự tin về một sự bứt phá trong năm 2024. Đồng thời, ngân hàng tiếp tục hiện thực hóa cam kết chia cổ tức bằng tiền mặt cho các cổ đông.

Tăng trưởng ở tất cả các phân khúc

Trong dự thảo tờ trình Đại hội đồng cổ đông của VPBank vừa mới được gửi tới các cổ đông để xin ý kiến, ngân hàng này đưa mục tiêu lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2024 tăng 114% so với năm 2023, tương đương 23.165 tỷ đồng. Trong đó, riêng ngân hàng mẹ dự kiến đóng góp 20.709 tỷ đồng, công ty chứng khoán VPBankS góp 1.902 tỷ đồng và công ty bảo hiểm OPES đóng góp 873 tỷ đồng vào tổng lợi nhuận.

Công ty tài chính tiêu dùng FE CREDIT cũng sẽ được kỳ vọng có sự trở lại mạnh mẽ sau hai năm liền thua lỗ, với mức lợi nhuận hợp nhất trước thuế dự kiến là 1.200 tỷ đồng trong năm 2024. Dựa vào kế hoạch trên, có thể hiểu rằng VPBank cùng cổ đông chiến lược SMBC đã hoàn tất quá trình tái cấu trúc lại mô hình kinh doanh, vận hành của FE CREDIT, đưa công ty này vượt qua khó khăn để bước vào chu kỳ tăng trưởng mới.

VPBank đặt kế hoạch lợi nhuận 23.165 tỷ đồng trong năm 2024

VPBank đặt kế hoạch lợi nhuận 23.165 tỷ đồng trong năm 2024

Để đạt được kế hoạch trên, VPBank dự kiến tăng trưởng tín dụng và huy động lần lượt ở mức 25% và 22% so với năm trước. Đây có thể xem như một kế hoạch bứt tốc của ngân hàng này trong bối cảnh kết quả kinh doanh năm trước đó chịu ảnh hưởng không nhỏ từ môi trường kinh tế vĩ mô thiếu thuận lợi.

Bên cạnh một mục tiêu tham vọng, VPBank cũng xin ý kiến cổ đông về việc sử dụng nguồn lợi nhuận chưa phân phối. Theo đó, trong quý II hoặc quý III năm nay, ngân hàng dự kiến sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% cho các cổ đông. Mỗi một cổ phiếu cổ đông sẽ nhận được 1.000 đồng tiền cổ tức. Tổng số lợi nhuận dự kiến được sử dụng để chia cổ tức là hơn 7.900 tỷ đồng.

Đây là năm thứ hai liên tiếp VPBank thực hiện chia cổ tức bằng tiền mặt, sau khi ngân hàng đã hoàn tất các kế hoạch tăng vốn, củng cố nền tảng tài chính đảm bảo cho sự phát triển trong tương lai. Tại đại hội đồng cổ đông năm ngoái, Chủ tịch HĐQT VPBank, ông Ngô Chí Dũng, cam kết ngân hàng sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt trong 5 năm liên tiếp.

Động lực nào để VPBank tăng trưởng bứt phá?

Trong dự thảo tờ trình gửi các cổ đông, VPBank giải thích: “Các chỉ tiêu kế hoạch trên đây dựa trên các giả định/phân tích kịch bản tăng trưởng của nền kinh tế nói chung và năng lực thực tế của ngân hàng.” 

Điều này cho thấy VPBank hiểu rõ được những lợi thế đang có để đạt ra các mục tiêu kinh doanh có phần tham vọng. Ngân hàng này hiện đang có một nền tảng vốn lớn, đối tác chiến lược là 1 trong những ngân hàng lớn nhất Nhật Bản SMBC, biên lãi ròng (NIM) cải thiện, hạn mức tăng trưởng tín dụng cao từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và sự phục hồi dần rõ nét của cánh tay tài chính tiêu dùng nối dài.

Các lợi thế nói trên đã chuyển hóa thành những con số biết nói của ngân hàng này trong 3 tháng cuối năm 2023. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý 4 của VPBank đạt 2.708 tỷ đồng, tăng tới 96% so với cùng kỳ năm 2022, là một trong những ngân hàng có tăng trưởng cao nhất trong quý cuối cùng của năm 2023. Chi phí vốn (COF) giảm từ 6,4% xuống 5,6% trong quý 4, theo đó, đã hỗ trợ cải thiện NIM của ngân hàng lên 6,2% từ mức 5,6% của 2 quý liền trước. 

COF của VPBank được dự báo sẽ tiếp tục đi xuống trong năm 2023 trong bối cảnh mặt bằng lãi suất huy động đã phá đáy của giai đoạn Covid-19. Mặt bằng lãi suất cho vay, theo đó, sẽ được kéo giảm, từ đó kích thích cầu tín dụng tiêu dùng, vay vốn phục vụ sản xuất-kinh doanh.

Công ty chứng khoán MBS mới đây đã đưa ra dự báo mảng cho vay khách hàng cá nhân và cho vay tiêu dùng của VPBank sẽ tăng trưởng trở lại từ nửa sau của năm 2024, giúp lợi suất tài sản của ngân hàng gia tăng. 

“Chúng tôi dự báo NIM cả năm 2024 của VPBank sẽ đạt 6,4%, tăng 87 điểm cơ bản so với năm 2023 với kỳ vọng lợi suất của tài sản sẽ đi ngang và chi phí vốn sẽ giảm 110 điểm cơ bản so với cùng kỳ” MBS viết trong báo cáo phát hành đầu tháng 3. 

Trong khi đó, sự kiện bán vốn của ngân hàng cho SMBC trong năm vừa qua đã mang tới cho VPBank nhiều hơn một nền tảng vốn chủ sở hữu đồ sộ (đạt gần 140 nghìn tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2023). Quy mô vốn chủ sở hữu đứng thứ 2 hệ thống đã góp phần củng cố tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của ngân hàng lên 17% - cao nhất trong hệ thống ngân hàng và mở ra nhiều cơ hội đầu tư và kinh doanh mới.   

Dù không nêu con số cụ thể, theo chia sẻ của lãnh đạo ngân hàng trong buổi trao đổi với nhà đầu tư hồi tháng 2 vừa qua, VPBank là một trong những ngân hàng được phân bổ hạn mức tín dụng cao ngay từ đầu năm dựa trên tỷ lệ CAR vượt trội. Đây chính là cơ sở để ngân hàng đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2024. 

Mối quan hệ chiến lược với SMBC, theo nhận định của công ty chứng khoán Vietcap, giúp làm giàu mô hình kinh doanh của VPBank. Cụ thể, mối quan hệ này mang lại các cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay chi phí hợp lý từ hệ sinh thái SMBC toàn cầu, đồng thời đem tới nguồn khách hàng FDI phong phú của chính tập đoàn cho VPBank trong những năm tới đây.  

Trong năm 2023, VPBank đã chính thức đưa vào hoạt động mảng kinh doanh FDI nhằm tận dụng làn sóng đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia. Thành tựu nổi bật của phân khúc mới chính là việc thu hút được hơn 250 khách hàng doanh nghiệp FDI chỉ sau 1 năm thành lập với bộ sản phẩm Tài trợ chuỗi cung ứng dẫn vốn tới nhà cung cấp và nhà phân phối của các doanh nghiệp FDI.

Mục tiêu tăng trưởng bứt tốc của VPBank sẽ không thể thiếu sự góp mặt của “gà đẻ trứng vàng” FE CREDIT, khi ngân hàng mẹ kỳ vọng sự phục hồi của công ty con sẽ dần vững chắc hơn trong năm 2024 với mục tiêu PBT ở mức 1.200 tỷ đồng.

Hoạt động tái cơ cấu tại cánh tay tài chính tiêu dùng trong năm 2023 đã bước đầu cho quả ngọt khi thu nhập hoạt động trong quý 4 của FE CREDIT tăng nhẹ 0,6% so với quý 3, cải thiện đáng kể so với mức giảm 15,4% và 27,1% của quý liền trước. Chi phí hoạt động trong quý 4 cũng ghi nhận giảm 10,2% so với quý 3 và giảm 32,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong buổi trao đổi cập nhật kết quả kinh doanh năm 2023 với nhà đầu tư hồi đầu tháng 2, lãnh đạo VPBank đã đưa ra các thông điệp khá rõ ràng về lộ trình phát triển của FE CREDIT, trong đó nhấn mạnh sẽ tiếp tục tập trung cải thiện mô hình kinh doanh, kiểm soát tốt rủi ro cho khách hàng hiện hữu và khác hàng mới, tăng cường quản trị, đẩy mạnh tự động hóa…

Hồng Mến
Hai thành viên Trungnam Group trúng thầu thi công cầu dây văng Đại Ngãi 1
Ban Quản lý Dự án 85 vừa phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu 15-XL: Thi công xây dựng cầu Đại Ngãi 1 và đường dẫn 2 đầu cầu, thuộc Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 thuộc địa phận Trà Vinh và Sóc Trăng vốn đầu tư gần 3.900 tỷ đồng.

Đấu giá 25% cổ phần, cổ phiếu Tổng Công ty Thăng Long kịch trần
Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa thông báo về việc tổ chức phiên đấu giá bán cổ phần Tổng Công ty Thăng Long – CTCP (mã: TTL, sàn HNX).

Quảng Ninh: Chi hơn 600 tỷ đồng nâng cấp, mở rộng tỉnh lộ 338
Trước thực trạng xuống cấp tỉnh lộ 338 tuyến đường huyết mạch nối thành phố Uông Bí với thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh đang triển khai dự án đầu tư hơn 600 tỷ đồng để nâng cấp, cải tạo tuyến đường, nhằm đảm bảo an toàn giao thông và đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Khi nào doanh nghiệp vật liệu xây dựng hưởng lợi từ đầu tư công?
Nhóm chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp trong ngành cơ hội hưởng lợi từ giải ngân vốn đầu tư công tích cực hơn trong năm tới, song dự kiến chưa thể hiện vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Bắc Giang dẫn đầu tốc độ tăng trưởng kinh tế
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang - ông Mai Sơn cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) cả năm ước đạt 13,85%, dẫn đầu cả nước.

Quảng Ninh, điểm đến hấp dẫn vốn ngoại
Với sự kết hợp giữa vị trí địa lý chiến lược, hạ tầng hiện đại, nguồn tài nguyên phong phú và chính sách ưu đãi, tỉnh Quảng Ninh đã trở thành điểm sáng trên bản đồ thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam.

Chuyên gia chỉ ra 4 lý do khiến thị trường mua bán ô tô tăng đột biến so với cùng kỳ
Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, số lượng xe bán ra trong tháng 10 năm 2024 tăng tới 53% so với cùng kỳ 2023.