Vinatex bán vốn tại công ty con
Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, UPCoM: VGT) vừa thông qua nghị quyết về việc thoái toàn bộ 4,5 triệu cổ phần đang nắm tại Công ty Cổ phần Dệt may Liên Phương, tương ứng 19,1% vốn điều lệ doanh nghiệp.
Mức giá khởi điểm mà Vinatex đưa ra là 19.800 đồng/cổ phiếu, tương ứng khoản tiền tối thiểu 90 tỷ đồng nếu thương vụ đạt kỳ vọng. Dự kiến thời gian thực hiện từ quý III năm nay, theo hình thức chào bán riêng lẻ cho dưới 100 nhà đầu tư có sự cạnh tranh về giá. Trong trường hợp chào bán không thành công, ban điều hành sẽ báo Hội đồng quản trị trước khi tiến hành bán thỏa thuận.
CTCP Dệt may Liên Phương thành lập từ năm 1960, giai đoạn 2013 - 2019, Công ty tái cơ cấu sản xuất, địa chỉ tại số 18 Tăng Nhơn Phú, phường Phước Long B, TP. Thủ Đức, TP.HCM với ngành nghề chính là sản xuất vải dệt thoi.
CTCP Dệt May Liên Phương tiền thân là Kỹ nghệ tơ sợi Liên Phương, ra đời từ năm 1960. Sau hai lần đổi tên năm 2007 và 2011, Công ty đã tái cơ cấu sản xuất; sáp nhập với VGT, qua đó đổi tên thành CTCP Dệt may Liên Phương - LPTEX. Đổi mới toàn bộ thiết bị, đầu tư chuỗi sản xuất vải dệt thoi len/pha len và dây chuyền may veston cao cấp.
Công ty có 2 nhà máy chính gồm Nhà máy may veston VITC Garment với công suất 600.000 bộ/năm và Nhà máy sản suất vải len với công suất 6 triệu mét/năm.
Về Vinatex, sau khi thoái vốn tại Dệt may Liên Phương, doanh nghiệp sẽ giảm còn 7 công ty con và 12 công ty liên kết. Cách đây không lâu, Vinatex đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I với doanh thu đạt 4.900 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2021; lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt gần 200 tỷ đồng, tăng gấp đôi cùng kỳ.
Khép lại quý I/2022, VGT thu về gần 200 tỷ đồng lãi ròng, gấp đôi so với cùng kỳ, chủ yếu nhờ đơn hàng tăng với giá bán tốt. Doanh thu thuần của doanh nghiệp này tăng 45% so với cùng kỳ, đạt gần 4.900 tỷ đồng. Đáng chú chú, doanh thu hoạt động tài chính tăng vọt từ 37 tỷ đồng cùng kỳ lên hơn 83 tỷ đồng, chủ yếu nhờ lãi tiền gửi, tiền cho vay, cổ tức được chia và lãi chênh lệch tỷ giá. Khấu trừ đi các khoản chi phí và thuế, Tập đoàn thu về gần 200 tỷ đồng lãi ròng, gấp đôi cùng kỳ.
Giá trị hàng tồn kho ghi nhận gần 2.981 tỷ đồng, giảm 11% so với hồi đầu năm. Trong đó, giá gốc nguyên liệu, vật liệu chiếm 42% tổng giá trị hàng tồn kho, gần 1.240 tỷ đồng (giảm 17%). Ngược lại, hàng mua đang đi trên đường giảm 67% và chi phí sản xuất kinh doanh dở dang giảm 11%. Quy mô tổng tài sản tại thời điểm này ghi nhận gần 20.144 tỷ đồng, giảm hơn 200 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nợ phải trả cũng giảm hơn 186 tỷ đồng, xuống còn 10.927 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu cuối phiên ngày 5/7 của VGT hiện là 17.300 đồng/cổ phiếu.